Làm chủ cuộc chơi

Khi thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) dậy sóng với sự đổ bộ của nhiều thương hiệu đa quốc gia, điều gì sẽ xảy ra với các nhà đầu tư trong ngành?

Andrew Nguyễn: Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu!

Thị trường cà phê Việt Nam chưa phát triển đến mức đủ lớn để có thể thu hút đầy đủ những thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới vào kinh doanh. Tại Mỹ đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm thương hiệu chuyên về cà phê và bánh tươi dành cho những đối tượng khách hàng khác nhau, từ cao cấp đến bình dân, theo những gu riêng của khách hàng. Điều này thể hiện qua cách bài trí, thiết kế không gian, cũng như tạo ra các loại thức uống của từng thương hiệu. Chẳng hạn, có những công ty sáng tạo nên các không gian dành riêng cho tài tử điện ảnh, đó là nơi họ không bị quấy rầy bởi những người hiếu kì…

The Coffee Bean & Tea Leaf

Ông Andrew Nguyễn, Giám đốc Công ty Giải khát và Thực phẩm Quốc tế, quản lý chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf

Do vậy, tùy từng thương hiệu mà cách định vị khách hàng của họ cũng sẽ khác nhau. Một thương hiệu muốn đánh vào phân khúc cao cấp, chắc chắn chiến lược kinh doanh phải khác với thương hiệu muốn nhắm đến càng nhiều khách hàng càng tốt. Điều này là cực kỳ quan trọng. Vì thế, chúng tôi không xem những thương hiệu khác là đối thủ để chạy theo họ, thay vào đó The Coffee Bean sẽ có cách làm riêng để định vị và phát triển mình tại đây.

Ngành cà phê cũng như ngành bán lẻ tại Việt Nam, mới đang trong giai đoạn khởi đầu. Ngoài Gloria Jean’s Coffee, Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf hay mới đây là Dunkin’ Donuts sẽ có nhiều thương hiệu ngoại khác du nhập vào Việt Nam trong thời gian tới. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu và hơn kém nhau chủ yếu ở cách làm của từng thương hiệu. So với các thương hiệu ngoại khác, lợi thế của chúng tôi là hoàn toàn làm chủ thương hiệu. Chúng tôi vẫn đang cố gắng phát triển thêm nhiều cửa hàng cho đến hết năm nay.

Robert Trần: Lấy hiệu quả làm thước đo

Nhiều người nghĩ khi Dunkin’ Donuts vào thị trường Việt Nam thì cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu chuỗi cà phê và ăn uống như: Trung Nguyên, Highlands Coffee, Gloria Jeans & Coffee… sẽ quyết liệt hơn. Nhưng tôi nhìn thấy đây là một cơ hội để tiêu chuẩn hóa chất lượng các chuỗi tốt hơn. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi với chất lượng và tiêu chuẩn tốt, bởi trước sức ép của nhiều thương hiệu mới thì muốn tồn tại, doanh nghiệp nội địa phải làm tốt hơn nữa. Bản thân các sản phẩm cà phê hay thức ăn nhanh đều giống nhau, chỉ khác nhau về không gian, cung cách phục vụ. Dưới góc độ franchise, không chỉ riêng các nhà đầu tư mà hiện tại các quỹ đầu tư cũng phải chuyển hướng qua ngành F&B vì đây là một thị trường tiềm năng. Thuận lợi cho người đem franchise thức ăn nhanh vào Việt Nam là giai đoạn này người tiêu dùng trong nước đã quen thuộc với các sản phẩm này.

Robenny

Robert Trần, CEO Công ty tư vấn Robenny

Người Việt hiện nay đi du lịch nhiều, nên họ không xa lạ gì với các thương hiệu F&B quốc tế… Nhưng rủi ro nằm ở giá cả và chi phí mặt bằng, bởi fastfood ở Việt Nam vẫn còn là ngành xa xỉ. Do tiền thuê mặt bằng đắt nên nhà kinh doanh không thể bán sản phẩm với giá rẻ. Nếu bán đắt mà có nhiều thương hiệu cùng cạnh tranh thì dù thị trường đông dân, nhưng quy mô thị trường không lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn.

Một rủi ro nữa là người mua franchise ở Việt Nam chưa nghĩ đến việc bán franchise cho người Việt, vì ý tưởng của nhượng quyền thương hiệu là muốn xây dựng một doanh nghiệp, người mua tự làm chủ. Người bán franchise và người mua cùng nhau làm kinh doanh. Ở Mỹ và Canada nếu mình không đủ tiền mua franchise, ngân hàng có thể hỗ trợ thông qua việc đánh giá người mua (nếu có uy tín tài chính). Việc này khó có thể diễn ra tại Việt Nam nếu như bạn không có tài sản thế chấp. Còn với người có tiền thì tại sao họ phải bỏ ra vài triệu đôla để mua thương hiệu, trong khi tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi có mức lãi suất tốt hơn. Nghĩa là đơn vị nào mua được franchise của nước ngoài đưa về nước sẽ phải tự điều khiển toàn bộ cuộc chơi này. Liệu nguồn lực tài chính và nhân lực có đủ giúp họ mở rộng đến vài chục, thậm chí vài nghìn cửa tiệm không? Là nhà kinh doanh, bạn phải suy tính tất cả điều này trên cơ sở hiệu quả đầu tư là số 1.

Kao Siêu Lực: Thắng – thua nằm ở mỗi doanh nghiệp

Tôi không cho rằng, sự có mặt của các thương hiệu bánh tươi nước ngoài là điều không tốt. Trái lại, tôi ủng hộ và mong sẽ có thêm nhiều nhãn hàng nữa, bởi vì một thị trường muốn phát triển bắt buộc phải có cạnh tranh, dù là ở Việt Nam hay trên thế giới. Hiện nay, với sự có mặt của các thương hiệu như: Tour Les Jours, Paris Baguette (Hàn Quốc), BreadTalk (Singapore), Le Tokyo Baum (Nhật Bản) hay mới đây nhất là Dunkin’ Donuts… cho thấy, thị trường đang đem đến nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho khách hàng, cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Do số lượng các thương hiệu ngoại trong lĩnh vực bánh tươi sẽ không dừng lại như hiện nay mà sẽ gia tăng nhanh chóng khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào WTO trong vài năm tới, cho nên nếu doanh nghiệp nội không biết tận dụng thời cơ thì sẽ bỏ lỡ cơ hội rất đáng tiếc.

Á Châu (ABC)

Ông Kao Siêu Lực, TGĐ Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (ABC).

Tôi nhận thấy việc các nhà sản xuất cà phê, bánh tươi quốc tế đang chiếm lĩnh phân khúc khách hàng cao cấp tại thị trường Việt Nam không hề ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, thị trường bánh tươi Việt Nam còn rất lớn, cả ở thành thị và nông thôn. Chỉ cần một người mua 1 chiếc bánh/ngày/90 triệu dân là nhà sản xuất bánh đã có thể sống rất khỏe. Trái với những suy nghĩ phải đối đầu với đối thủ ngoại, theo tôi sự đa dạng về các thương hiệu trong lĩnh vực bánh tươi còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển hơn cho toàn thị trường. Điều quan trọng quyết định thắng – thua chính là ở bản thân mỗi doanh nghiệp.

Chúng tôi không coi họ là những đối thủ cạnh cạnh mà là đối tác tạo ra động lực để mình hoàn thiện hơn. Khách quan mà nói, các nhà sản xuất bánh Việt Nam đều có thế mạnh là tay nghề khá, kỹ thuật cao. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp phát huy tốt thế mạnh của mình và cải thiện điểm yếu thì chắc chắn đây sẽ là một thị trường nhiều tiềm năng.

TS. Đoàn Đình Hoàng: Học hỏi, đổi mới và phát triển

Nếu xét về quy mô kinh doanh, thì Dunkin’ Donuts được đánh giá là “điểm sáng” trong số những thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) quốc tế đặt chân vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Sự lớn mạnh của thị trường F&B với 90 triệu dân như Việt Nam thực sự trở thành điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp trong nước. Suy cho cùng, sẽ chỉ còn lại hai con đường cho các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn. Một là phải không ngừng học hỏi, đổi mới và phát triển. Nếu không sẽ tự đi vào con đường thứ hai mà không ai mong muốn, đó là tự diệt vong. Theo quan điểm cá nhân của tôi, một khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn đa dạng như thời điểm hiện nay, chắc chắn những tiêu chí của sản phẩm đồ uống hay thực phẩm như: ngon, chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ tốt… đều được đặt lên hàng đầu.

Passio

TS. Đoàn Đình Hoàng, sáng lập chuỗi cà phê Passio

Với sự hiểu biết của mình, tôi nhận thấy rằng tại khu vực Bắc Mỹ, những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Dunkin’ Donuts hay Starbucks là những thương hiệu rất được giới trẻ lẫn giới trung niên ưa chuộng. Nguyên nhân chủ yếu là do họ bán sản phẩm với mức giá khá rẻ, chỉ khoảng từ 2 – 5 USD/sản phẩm. Những thương hiệu kể trên đều có thời gian ra đời và phát triển từ vài chục năm qua. Cho đến nay, bất chấp những biến động của nền kinh tế toàn cầu, họ vẫn tiếp tục không ngừng phát triển và mở rộng trên mọi ngóc ngách của thế giới. Khi họ đến, doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp này để có thể tìm ra hướng đi riêng cho mình. Công bằng mà nói, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam không hề dở, trái lại rất giỏi thích ứng, nhưng vấn đề chính là phải thay đổi để phù hợp hơn với thị trường. Không nên có tâm lý thụ động, mong chờ sự bảo trợ từ một chính sách nào đó của nhà nước.

Nguồn Doanh Nhân Online