Thanh toán điện tử: Biến thách thức thành cơ hội

Chọn Việt Nam là nơi để biến thách thức thành cơ hội trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đó là nguyện vọng của tân Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, Arn Vogels.

Như một xu hướng tất yếu, Việt Nam là một trong những thị trường đang chuyển mình sang định hướng hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương – người mới nhậm chức đã chia sẻ về định hướng này, nhất là những thách thức trong vai trò mới của ông tại Việt Nam.

* Thưa ông, khi mới đến Việt Nam, ông cảm nhận về Việt Nam như thế nào, từ công việc cho đến cuộc sống cá nhân?

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã tìm hiểu và biết Việt Nam là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, nhiều cảnh đẹp, người Việt Nam cần cù, thông minh, và đặc biệt đang trong thời kỳ phát triển rất nhanh. Về công việc, tôi cũng chuẩn bị tinh thần rằng đây là một thị trường rất khác biệt và chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, sáu tháng qua đối với tôi trôi qua nhanh và thuận lợi, tôi đã có dịp gặp và trao đổi công việc với hầu hết các đối tác quan trọng tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Về gia đình, vợ và hai con trai tôi cũng rất thích nơi đây, cả văn hóa lẫn con người. Ẩm thực Việt Nam rất ngon, đặc biệt là món “phở”. Tôi rất thích ăn phở trong bữa điểm tâm của mình (cười).

MasterCard

Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, Arn Vogels.

* Được biết, trước khi đến Việt Nam ông đã có thời gian làm việc với MasterCard ở nhiều thị trường châu Âu khác nhau trong suốt 14 năm qua. Vì sao ông quyết định chọn Việt Nam sau khi đã trải nghiệm nhiều thị trường phát triển như vậy?

Thật ra đó là nguyện vọng của tôi. Tôi muốn thay đổi môi trường làm việc vì ở các thị trường đã bão hòa, cơ hội phát triển và trải nghiệm những ý tưởng mới là rất ít. Chọn khu vực Đông Dương, trong đó Việt Nam là thị trường trọng điểm, tôi hy vọng sẽ có cơ hội để giới thiệu những sản phẩm và ý tưởng mới, tận dụng kinh nghiệm và những bài học tích lũy được từ những thị trường khác. Và tất nhiên, công việc mới ở một môi trường hoàn toàn mới cũng có nhiều thách thức.

* Thực tế ông đã đón nhận những thách thức này như thế nào?

Thách thức thì ở đâu cũng có. Trong thị trường thanh toán điện tử nói chung và thẻ nói riêng, tôi luôn xem thách thức là cơ hội để phát triển. Ví dụ, Việt Nam là một thị trường mới nổi với nhiều thách thức về hạ tầng nói chung. Tuy nhiên, internet và điện thoại di động lại rất phát triển. Chẳng hạn ở Hà Nội và TP.HCM, wifi ở khắp nơi và hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, đó là nền tảng rất thuận lợi cho MasterCard để có thể đưa những giải pháp thanh toán tiên tiến trên nền tảng điện thoại di động trong tương lai.

Thanh toán điện tử: Biến thách thức thành cơ hộiMột ngạc nhiên nữa là ở Việt Nam tôi nhận thấy có khá nhiều ngân hàng, một con số cao so với khu vực và toàn cầu. Chỉ tính riêng số được MasterCard hợp tác cấp phép thì đã có 26 ngân hàng, gồm nhiều thành viên có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thẻ, họ có trung tâm thẻ rất mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thành viên chỉ mới bắt đầu tham gia. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để chúng tôi làm việc với các đối tác của mình và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống thanh toán điện tử.

* Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, điều đó ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển chung của nền kinh tế?

Thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ như vậy thì cũng khó hoạt động hiệu quả. Về phía Nhà nước hiện nay cũng đã có định hướng rõ ràng, đó là số lượng các ngân hàng cần thu nhỏ lại để hoạt động hiệu quả hơn. Việc này phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng của các nước.

* Trước khi nhận nhiệm vụ mới, người tiền nhiệm của ông cũng đã làm rất tốt, tạo được nhiều thành quả và nền tảng cho MasterCard. Khi nhận trọng trách này, ông có cảm thấy áp lực?

Đúng, người tiền nhiệm của tôi đã xây dựng được một nền tảng rất tốt ở đây. Antonio Corró là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống. Anh là người thiết lập văn phòng đại diện của MasterCard tại Việt Nam, xây dựng hệ thống để kết nối với các ngân hàng. Nhiệm vụ của tôi là với nền tảng vững chắc này phải làm sao phát triển thành công hoạt động của MasterCard tại Việt Nam. Nhiệm vụ trọng tâm của MasterCard hiện nay là xây dựng mối quan hệ với các khách hàng, gồm 26 ngân hàng thành viên, hỗ trợ họ phát huy được thế mạnh và tiềm lực của mình ở mức tối đa.

"Làm thế nào để người tiêu dùng chuyển từ thẻ ATM, vốn chỉ để rút tiền, sang sử dụng thẻ thanh toán là cả chặng đường đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi trong đó có rất nhiều thành phần cùng tham gia."

Có một ưu điểm rất lớn của các ngân hàng tại Việt Nam, dù là một thị trường tài chính mới nhưng tinh thần cầu tiến và sẵn sàng hợp tác của các bạn rất cao. Điều này cũng tạo cho MasterCard nhiều thuận lợi trong quá trình làm việc.

* Vậy, cụ thể chiến lược phát triển của MasterCard trong thời gian sắp tới là gì, thưa ông?

Hiện nay tại Việt Nam, mạng lưới chấp nhận thẻ ước tính mới có khoảng 120.000 máy trên tổng số 90 triệu dân, nếu so với các nước trong khu vực thì rất thấp. Vì vậy, trong năm tới chúng tôi sẽ phát triển thêm một số thành viên mới và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại Việt Nam. MasterCard tại Việt Nam vừa đón nhận hai thành viên mới là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng Bản Việt.

Dĩ nhiên, một trong những mục tiêu chung của MasterCard và các ngân hàng là gia tăng số lượng phát hành thẻ. Vì thẻ không chỉ đơn thuần là phương tiện thanh toán thuận tiện, hiện đại mà còn là một giải pháp với nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn ngân hàng và thị trường thanh toán. Hiện tại số lượng thẻ tại Việt Nam vào khoảng 55 triệu, phần lớn là thẻ nội địa với tính năng sử dụng hạn chế. Theo tôi, đây chính là cơ hội chung cho các ngân hàng cũng như các tổ chức thẻ để chuyển đổi các dòng thẻ có chức năng sử dụng hạn chế sang một dòng thẻ có nhiều tính năng và lợi ích hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, để làm được việc đó thì thách thức cũng rất lớn.

Người Việt Nam vẫn còn nặng thói quen sử dụng tiền mặt. Làm thế nào để người tiêu dùng chuyển từ thẻ ATM, vốn chỉ để rút tiền, sang sử dụng thẻ thanh toán là cả chặng đường đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi trong đó có rất nhiều thành phần cùng tham gia.

Thanh toán điện tử: Biến thách thức thành cơ hộiVà để làm được điều đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là nhiệm vụ rất quan trọng. Để thực hiện thành công, rất cần sự nỗ lực, phối hợp giữa các bên, gồm có tổ chức công nghệ thanh toán như MasterCard, đơn vị phát hành thẻ như ngân hàng, các nhà làm chính sách, và các đối tác kinh doanh.

* Với một thị trường mà 97% giao dịch thanh toán vẫn dùng tiền mặt, ông có đề xuất gì với Chính phủ để Việt Nam tiến nhanh hơn trên ‘hành trình không tiền mặt’ của mình?

Thật ra cho đến thời điểm này, các công ty công nghệ thanh toán trên toàn cầu vẫn xem tiền mặt là đối thủ cạnh tranh chính của mình, không riêng gì Việt Nam hay khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang các hình thức thanh toán khác không thể làm được trong ngày một ngày hai mà phải đi theo lộ trình, từng bước một. Theo nghiên cứu của MasterCard Advisors, lộ trình này gồm có 5 bước, áp dụng cho tất cả các nền kinh tế khác nhau, không phân biệt lớn nhỏ; trong đó bước 1 thì hoàn toàn không có sự hiện diện của thanh toán điện tử, bước 5 thì hầu hết các giao dịch được thanh toán bằng điện tử (cụ thể là thẻ). Việt Nam hiện đang nằm ở giữa bước 2 và bước 3. Nghĩa là người tiêu dùng đã biết sử dụng thẻ, nhưng vẫn không bỏ được thói quen sử dụng tiền mặt. Và nỗ lực của chúng tôi là đang làm họ dịch chuyển từ bước 2 chuyển sang 3, 4 và 5, làm sao để thanh toán không tiền mặt trở thành một thói quen và là lựa chọn ưu tiên của người dân trong các giao dịch mua sắm hàng ngày, từ mua xăng, ăn uống, siêu thị…

Để đưa bất kì nền kinh tế nào đến được bước thứ 5, việc mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang phát triển mạng lưới chấp nhận thẻ của mình qua hai hình thức: thông qua đối tác như các siêu thị, cửa hàng, đưa ra cho họ nhiều lợi ích, ưu đãi để họ có thêm lý do khuyến khích khách hàng của mình sử dụng thẻ thay vì tiền mặt. Bên cạnh đó, về phía các ngân hàng, chúng tôi giúp họ hoạch định chiến lược, tư vấn cho họ thông qua các chương trình khuyến khích chi tiêu thẻ…

Thanh toán điện tử: Biến thách thức thành cơ hội

Có một thực tế là hiện giá của một đầu đọc thẻ (POS) còn rất cao. Vì vậy, nhiệm vụ sắp tới của chúng tôi là làm sao để mạng lưới chấp nhận thẻ được mở rộng tại Việt Nam và ứng dụng công nghệ mới để việc lặp đặt và triển khai ở diện rộng thiết bị đọc thẻ không còn là áp lực chi phí đối với các ngân hàng, và qua đó tạo điều kiện để việc thanh toán bằng thẻ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn với người sử dụng.

Việc xây dựng mối quan hệ lâu bền với Ngân hàng Nhà nước cũng là một mục tiêu rất quan trọng của MasterCard. Có ba lĩnh vực mà theo quan điểm của MasterCard, Nhà nước có thể làm được. Một là đưa ra chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ, cho họ thấy lợi ích của việc sử dụng thẻ. Hai là khuyến khích các cửa hàng, điểm kinh doanh chấp nhận thẻ. Hai việc này phải đi song song để cộng hưởng và hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, phía ngân hàng cũng như Chính phủ cũng phải “làm gương”, thể hiện qua việc tất cả các giao dịch thanh toán từ Chính phủ cũng nên được thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử, có vậy mới thuyết phục được người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn Doanh Nhân Online