Mua bán tên miền sắp được hoạt động công khai?
Dự thảo thông tư về “Chuyển nhượng tên miền .vn” do bộ Thông tin và truyền thông soạn thảo hướng dẫn thi hành nghị định số 72/2013/NĐ-CP mang lại niềm vui cho giới kinh doanh tên miền bởi khi thông tư được ban hành và có hiệu lực, họ sẽ được công khai mua bán tên miền.
Cụ thể là những tên miền .vn hoặc .com.vn, không còn cảnh lén lút như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư tên miền lạc quan cho rằng thông tư sẽ có hiệu lực vào ngày 1.1.2014.
Từ khi thị trường có nhu cầu mua bán tên miền cho đến nay, hoạt động mua bán tên miền, hay nói cách khác là chuyển nhượng, chỉ là những cuộc giao dịch tay đôi giữa người mua và người bán một cách bí mật. Theo thống kê của trung tâm quản lý internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 10.2013, Việt Nam có 440.082 tên miền tiếng Việt đã được đăng ký. Số địa chỉ đang duy trì trên hệ thống là 261.234. Như vậy, 178.848 địa chỉ tên miền Việt Nam (.vn và .com.vn) mới dừng lại ở mức đăng ký giữ chỗ mà nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn nằm trong những người đầu cơ tên miền.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, người có nhiều năm hoạt động kinh doanh tên miền, đầu tư tên miền hàm chứa những rủi ro, không ít người thiếu hiểu biết về tên miền đã đổ tiền tỉ để mua tên miền nhưng không bán được, “ôm hàng”...
Trong khi chờ thông tư chính thức ban hành, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã có những động thái để xúc tiến xây dựng “sân chơi” cho các nhà đầu tư tên miền.
Tháng 9./2013, tại TP.HCM đã có câu lạc bộ nhà đầu tư tên miền với 20 thành viên, trong đó có những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu tư tên miền, như: H.V.C, Đ.T.K, H.T.Đ, iNet... Còn vào ngày 12.12.2013, tại TP.HCM (sau đó là Hà Nội), công ty cung cấp dịch vụ tên miền iNet sẽ có một buổi gặp mặt các nhà đầu tư tên miền, gọi là “Gala Domainer”.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ VNNIC cho rằng, nhiều nhà đầu tư tên miền “đang lạc quan một cách thái quá”. Nguồn tin này nói rằng, về mặt nguyên tắc sẽ mở cho hoạt động kinh doanh tên miền thông qua các nhà đăng ký nhưng “sẽ mở từng phần, mở có kiểm soát nếu không sẽ có nhiều trục trặc, rối rắm xoay quanh tên miền”.