Omo - Quảng cáo không chỉ là quảng cáo
Nếu như ở giai đoạn cuối năm 1995, khi OMO mới được đưa vào thị trường Việt Nam, Unilever dùng các mẩu quảng cáo nêu bật tính năng tẩy rửa “dội bom” các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng phải nhớ đến sản phẩm của mình thì từ cuối năm 2005 chúng ta được chứng kiến một bước chuyển mình mới của Omo với chiến lược marketing hướng về cộng đồng.
“Omo được định vị dựa trên việc khai thác sự trải nghiệm và phát triển của trẻ em. Tất cả mọi hoạt động của OMO đều hướng đến mục tiêu định vị này”
Cũng chính nhờ vậy mà OMO đã thực sự định vị trên một tầm cao mới. Bà Nguyễn Thị Mai, Brand Manager của OMO cho biết: “Omo được định vị dựa trên việc khai thác sự trải nghiệm và phát triển của trẻ em. Tất cả mọi hoạt động của OMO đều hướng đến mục tiêu định vị này”.
Thật vậy, OMO đã đưa ra hàng loạt chương trình hướng đến mục tiêu nhất quán này: tổ chức các chương trình hướng về cộng đồng như “ngày hội những chiếc túi tài năng”, “OMO áo trắng ngời sáng tương lai”, ngày hội “Triệu tấm lòng vàng”, khuyến mãi “Vạn tim vàng cho triệu tấm lòng vàng”, chương trình sơn trường học tại 6 tỉnh vùng sâu vùng xa, hỗ trợ 3000 sinh viên về quê ăn tết… Các chương trình đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và Omo nhanh chóng “ghi điểm” trong mắt với khách hàng.Điển hình là chiến dịch “Tết làm điều phúc sung túc cả năm” – một thành công ngoài sức mong đợi của OMO – đã giành giải thưởng Asian Marketing Effectiveness Awards 2007.
Chiến dịch này được bắt đầu với chương trình “Tết làm điều hay, vận may nhân khắp” trong dịp Tết Đinh Hợi . Với hình ảnh một bé gái trên một nền đen trắng nhanh chân nhặt vỏ chuối trên đường sợ người khác sẽ bị trượt ngã. Hành động đó được lan toả bằng một hiệu ứng kỹ xảo bắt đầu từ bàn tay nhặt vỏ chuối rồi truyền đến một cậu bé – nhanh chân đến giúp một bà mẹ trẻ bế con đang tìm cách bê chậu hoa lên. Tương tự, điều hay này tiếp tục truyền đến cho một đôi bạn trẻ và họ chạy vội đến một nhóm người đang tìm cách dựng cổng hội chợ hoa lên, trước sự vỗ tay của nhiều người. Clip quảng cáo chuyển tải một thông điệp rất đơn giản – điều hay không phải là điều gì đó lớn lao, đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt và nó sẽ nhân lên tạo thành hiệu ứng tích cực cho xã hội.
Để nối tiếp cho thành công, OMO liên tiếp cho ra những sản phẩm quảng cáo như vậy vào dịp tết của các năm tiếp theo. Ngay trong dịp tết năm 2008, OMO đưa ra sản phẩm quảng cáo lấy hình ảnh em bé vì nhìn thấy ba mình mặc áo bẩn mà cảm thấy ái ngại, bước chân theo ba về có chút sợ sệt nhưng khi thấy ba vất vả chăm sóc những cây mai trong vườn đến nỗi ngã bệnh, em thấy buồn “chắc mai không kịp nở để đón Tết”!!! Ở đây, quảng cáo không chỉ thể hiện sự quan tâm gia đình, nó còn thể hiện sự lo lắng cho một cái Tết sắp tới từ ý nghĩ của một đứa trẻ! Xuất phát từ điều này, em đã cùng các bạn của mình chăm sóc vườn mai thay ba; các em cùng nhau tưới từng khóm mai, nhổ từng nhánh cỏ, trên người lấm lem những vết bẩn từ bùn đất nhưng trên gương mặt luôn là những nụ cười. Để cuối cùng, khi mà công việc đã hoàn tất, những khóm mai đang đua nhau khoe sắc, ba đã khỏe, em lại cảm thấy lo lắng không đến bên ba vì những vết bẩn. Nhưng không, ba không ngại những vết bẩn đó, vẫn đến bên trao cho em cái ôm nồng ấm nhất, một cái khen cho sự cố gắng của em mà không cần dùng đến lời nói “chỉ cần cảm nhận thôi”. Qua đây để nói lên: với OMO các em được học hỏi những điều hay, biết quan tâm, chăm sóc gia đình mình. Từ những điều nhỏ nhất, các em hình thành lên nhân cách của mình sau này. Ở đây, các nhà quảng cáo đây khéo léo lồng ghép cả phương pháp dạy trẻ cho các bậc phụ huynh. Có thể nói đây là một sáng kiến tuyệt vời, dùng nhiều hình ảnh, âm nhạc nhẹ nhàng có chút lắng đọng, có chút vui tươi khiến người xem phải “dán mắt” vào quảng cáo, các nhà quảng cáo đã thành công với dụng ý của mình.
Dường như nhờ sự hiểu biết sâu rộng và nắm bắt tốt tâm lý người Việt mà cho đến tận dịp tết 2013, OMO vẫn không hề thay đổi chiến lược của mình, tiếp tục đưa ra những sản phẩm quảng cáo mang ý nghĩa tương tự với mong muốn qua mỗi quảng cáo trẻ có thể học hỏi thêm được nhiều điều hay, được tự do phát triển mà không lo ngại về vết bẩn. Tuy rằng đây không còn là ý tưởng mới mẻ song nó vẫn tạo được ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng mỗi dịp tết đến xuân về. Có thể nói sau bao nhiêu năm, OMO đã thực sự có một chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng không chỉ ở chất lượng của sản phẩm mà còn ở trong tâm lý. Câu slogan “Trẻ học điều hay, ngại gì vết bẩn” đã trở thành câu nói quá quen thuộc mỗi khi nhắc đến OMO.
Nhưng không thể không nói rằng khán giả đang “phát chán” với cái mô tuýp này của OMO, họ cần và đang mong chờ sự đột phá mới của OMO. Hi vọng rằng điều đó sẽ xảy ra trong dịp tết 2014 này.
Nguồn Bùi Thị Nga - Quảng cáo AJC