Ai xứng đáng là anh hùng?
Đến hẹn lại lên, năm nay Fortune lại công bố danh sách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu năm 2013. Họ là những người đã thực hiện các cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho doanh nghiệp mình và mang lại lợi nhuận đáng kể cho cổ đông.
1. Elon Musk
Elon Musk, đồng sáng lập dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, đã phá bĩnh ngành hàng không với Space Exploration Technologies, được biết đến với cái tên SpaceX, công ty tư nhân chuyên về vận chuyển trong không gian. Không chỉ vậy, Musk còn gây xáo trộn cả ngành ôtô với Tesla Motors và làm rung lắc cả ngành năng lượng với Solar City (Musk là Tổng Giám đốc của SpaceX và Tesla và là cổ đông lớn nhất của Solar City).
Sau bước khởi đầu đầy khó khăn cách đây 1 thập kỷ, Tesla giờ đã trở thành nhà sản xuất nổi tiếng nhất thế giới về ôtô hoàn toàn chạy bằng điện. Doanh thu tại Tesla đã tăng gấp hơn 12 lần trong 3 quý đầu tiên của năm nay và Công ty đang trên đường đạt 2 tỉ USD doanh số bán năm 2013. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Tesla đã tăng gấp hơn 4 lần.
Trong khi đó, SpaceX đã giúp nhen nhóm lại sự quan tâm của công chúng đối với việc thám hiểm không gian. Hồi tháng 8, ông đã khiến cho nước Mỹ xôn xao khi tiết lộ kế hoạch xây dựng một hệ thống giao thông vận tải siêu tốc có tên là Hyperloop mà sự ưu việt của nó sẽ làm lu mờ việc đi lại bằng tàu hỏa, máy bay… Theo Bloomberg Wealth, Musk có giá trị tài sản ròng 7,7 tỉ USD. Nhưng chính sự táo bạo, dám nghĩ dám làm và kiên trì của ông là lý do Fortune quyết định trao cho ông danh hiệu Doanh nhân của Năm.
2. Carl Icahn
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới đã nhận được một lời khuyến cáo đanh thép: Các công ty dù lớn và có giá đến cỡ nào cũng không thể thoát khỏi tầm ngắm của các activist investor (nhà đầu tư mua số cổ phần lớn và có chân trong hội đồng quản trị của một công ty với mục đích tác động tạo ra sự thay đổi lớn trong công ty đó). Carl Icahn và David Einhorn đã mua cổ phần của Apple, công ty có giá trị nhất thế giới với mức vốn hóa thị trường 467 tỉ USD và yêu cầu Apple phải trả lại tiền nhiều hơn cho cổ đông. Apple đã mở rộng chương trình mua lại cổ phiếu quỹ không lâu sau đó nhưng Icahn muốn Apple phải làm nhiều hơn thế nữa. Không ồn ào như Icahn, Jeffery Ubben bước vào Microsoft một cách khá lặng lẽ. Nhưng chỉ 4 tháng sau, tập đoàn phần mềm này đã đưa Ubben vào Hội đồng Quản trị, còn Tổng Giám đốc lâu năm Steve Ballmer thì tuyên bố sẽ thoái vị sớm hơn dự kiến.
3. Ma Huateng
Tencent, đế chế internet của Ma Huateng, năm nay đã trở thành công ty không thuộc sở hữu nhà nước có giá trị nhất Trung Quốc với mức vốn hóa thị trường hơn 95 tỉ USD, nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh tới 61% kể từ tháng 1.2013 (Nếu tính từ đợt IPO năm 2004 thì giá cổ phiếu của Tencent đã gấp 120 lần). Còn Ma Huateng, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tencent, đã trở thành một trong những doanh nhân giàu nhất trong ngành công nghệ Trung Quốc, với giá trị tài sản ròng ước tính lên tới 10 tỉ USD và có lẽ là doanh nhân quyền lực nhất đất nước này. Đầu tiên, ông chinh phục thị trường Trung Quốc với dịch vụ chat QQ. Giờ ông đang nhắm đến việc bành trướng ra khắp thế giới.
4. Angela Ahrendts
Angela Ahrendts đã có một năm thành công với vai trò Tổng Giám đốc hãng thời trang Anh Burberry. Cổ phiếu của Hãng đã tăng 29% so với mức tăng 10% của chỉ số FTSE 100, mặc cho nỗi lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng ở châu Âu. Gần đây, bà đã gây sốc cả thế giới hàng xa xỉ và công nghệ khi cho biết sẽ đầu quân cho Apple. Ahrendts giữ vị trí mới vào năm 2014 và sẽ giám sát bộ phận có 20 tỉ USD doanh số bán hằng năm so với 3,2 tỉ USD của Burberry. Giới phân tích dự kiến bà sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp định hình nên tương lai của Apple, đặc biệt là khi các hãng công nghệ đang ngày càng tiến quân vào các thiết bị có thể mang trên người như đồng hồ kết nối internet, kính mắt và các thiết bị công nghệ cần một sự thay đổi về phong cách.
5. Reed Hastings/Jeff Bewkes (đồng hạng)
Đã 3 năm kể từ khi Fortune trao cho Reed Hastings, Tổng Giám đốc Netflix, danh hiệu Doanh nhân của Năm. Sau đó, Netflix đã có khoảng thời gian chựng lại. Giờ đây, Hastings đã sẵn sàng đưa Netflix quay trở lại đấu trường. Mới đây, Netflix đã trở thành công ty phân phối video trực tuyến đầu tiên nhận giải thưởng Emmy cho loạt phim “House of Cards”. Cổ phiếu của Netflix đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2010 và lần đầu tiên Netflix đã qua mặt HBO về lượng thuê bao trả tiền.
Jeff Bewkes, Tổng Giám đốc Time Warner, cũng là một đối thủ đáng gờm. Giá cổ phiếu của Time Warner đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu đã tăng 40%, một phần nhờ quyết định chia tách mảng xuất bản Time Inc. của tập đoàn truyền thông này. Sau khi chia tách Time Inc., Bewkes sẽ tập trung hơn vào mảng phim và truyền hình, trong đó có HBO.
6. Jeff Bezos
Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Amazon, lại một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ: ông đã hy sinh lợi nhuận công ty gần 2 thập kỷ sau khi thành lập Amazon để theo đuổi các thị trường mới. Công ty này đã tung ra dịch vụ phân phối rau quả trong ngày và hợp tác với công ty dịch vụ bưu chính đang gặp khó khăn của Mỹ U.S. Postal Service để cung cấp dịch vụ giao hàng vào ngày Chủ nhật tại một số thành phố của Mỹ. Động thái táo bạo nhất của ông là gì? Mua lại Washington Post với giá 250 triệu USD bằng tiền túi của mình. Mặc dù vậy, chiến lược đầu tư khác người của ông từng ra hoa kết trái, vì thế nhà đầu tư Phố Wall vẫn rất tin tưởng Bezos, đẩy cao giá cổ phiếu Amazon khoảng 40% từ đầu năm đến nay.
7. Akio Toyoda
Akio Toyoda là người đã đưa hãng xe Toyota lội ngược dòng thành công. Lý do cho sự thành công này là ông luôn tuân thủ 2 nguyên tắc: “Làm ra những chiếc xe tốt hơn. Và nếu xe không mang lại cảm giác thú vị thì đó không phải là xe”. Ông đã thành công ở cả 2 điểm này. Chỉ vài năm sau cuộc khủng hoảng thu hồi ôtô, Toyota đã quay trở lại đường đua. Toyoda đang lèo lái công ty của gia đình mình hướng đến mục tiêu đạt 10 triệu chiếc xe hơi và xe tải bán ra và nhắm đến mức lợi nhuận hoạt động cao để giữ vững vị trí số 1 thế giới.
8. Larry Page
Larry Page, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Google, là người đã khởi động lại cỗ máy cải tiến của hãng công nghệ này và những ý tưởng cải tiến kỳ lạ của ông đang được các nhà đầu tư chào đón. Giá cổ phiếu Google năm nay đã vượt qua mốc 1.000 USD, đưa mức vốn hóa của Google qua mặt cả Microsoft và chỉ đứng sau Apple và Exxon. Động thái táo bạo mới nhất của Page là ra mắt một công ty mới có tên là Calico. Sứ mệnh của công ty này là tìm ra cách để kéo dài tuổi thọ con người.
9. Warren Buffett
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bắt đầu năm 2013 bằng việc nuốt chửng H.J. Heinz, nhà sản xuất sốt tương cà lớn nhất thế giới, với giá 23 tỉ USD (trong thương vụ này, ông đã bắt tay với 3G Capital). Giờ Buffett đang nắm trong tay hơn 40 tỉ USD tiền mặt, một phần nhờ các khoản đầu tư vào Goldman Sachs và Bank of America trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính. Giờ các khoản đầu tư này đã mang lại lợi nhuận kếch xù cho Buffett. Sau 5 năm, theo tính toán của Wall Street Journal, Buffett đã thu được 9,95 tỉ USD (tính đến đầu tháng 10.2013) trên số vốn 26 tỉ USD bỏ vào 6 công ty.
10. Marissa Mayer
Marissa Mayer đã mua lại Tumblr với giá 1,1 tỉ USD và tân trang dịch vụ Yahoo Mail và trang web chia sẻ hình ảnh Flickr của Yahoo!. Mặc dù nỗ lực tái cấu trúc của Mayer còn gây nhiều tranh cãi, nhưng vị Tổng Giám đốc này đã tăng được lượng người sử dụng Yahoo! lên tới 800 triệu người trong khi giá cổ phiếu đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm đến nay. Những thành quả này đã giúp giải thích tại sao Mayer, 38 tuổi, đã giành được cú ăn ba chưa từng có tiền lệ: trở thành nhà điều hành duy nhất từ trước đến nay giành được vị trí trong danh sách Doanh nhân của Năm, có mặt trong danh sách Những phụ nữ quyền lực nhất của Fortune (xếp thứ 8) và cả trong danh sách 40 doanh nhân dưới 40 tuổi của Fortune (vị trí số 1).