Để thông tin thực sự là vua

Thế hệ ngày nay được công cụ kỹ thuật số tiếp tay để đáp ứng sở thích khám phá những cái mới. Và doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến tiện ích này.

Ngày nay quảng cáo trực tuyến đang rất phát triển, điều này giúp cho thông tin trở nên rõ ràng, hấp dẫn hơn, dễ dàng tác động đến quyết định của người tiêu dùng. Hiện nay, những trang web du lịch của các công ty lữ hành, khách sạn hàng đầu… đều có rất đầy đủ, chi tiết thông tin để khách hàng tham khảo và có thể quyết định ngay lập tức có nên mua hay sử dụng dịch vụ này hay không. Chưa kể thông qua các trang web, doanh nghiệp còn tạo ra các diễn đàn nhận định, đánh giá sản phẩm dịch vụ để tăng khả năng tương tác với khách hàng.

Để thông tin thực sự là vua

“Bộ mặt” thứ hai

Tạm cho “bộ mặt” thứ nhất là thực thể của doanh nghiệp: văn phòng, nhân viên, sản phẩm, dịch vụ… là những thứ hiện hữu có thể nhìn thấy, đo đếm được và sẽ được khách hàng đón nhận, đánh giá trực diện. “Bộ mặt” thứ hai, không kém phần quan trọng, đó chính là các hình ảnh, thông tin trực tuyến của doanh nghiệp được nằm rải rác đâu đó trên website do chính doanh nghiệp tạo ra hay ở trên Google và các đường link bất tận. Có một thực tế là “bộ mặt” thứ nhất hay tài sản cụ thể thì doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý, nhưng “bộ mặt” thứ hai hay tài sản trên mạng thì việc quản lý hầu như không phải dễ dàng. Tại hội thảo quốc tế Web In Travel 2013 (WIT 2013) tổ chức tại Singapore, ban tổ chức đã dành hẳn hai ngày để thảo luận chủ đề làm sao phát huy tốt nhất “bộ mặt thứ hai” cho các doanh nghiệp. Một khảo sát của Google thực hiện trong tháng 7/2013 với 11.000 người được phỏng vấn đã cho kết quả: có đến 83% số người được hỏi cho biết, họ sử dụng internet để lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ của mình; 28% sử dụng dịch vụ online để mua các kỳ nghỉ của họ.

Điều này thể hiện xu hướng du lịch thông qua trợ giúp của internet sẽ ngày càng gia tăng. Ông Said Bambos Kaisharis, Trưởng bộ phận Du lịch của Google, khu vực châu Á Thái Bình Dương nói rằng, khách du lịch tại châu Á – Thái Bình Dương đang xem các website là thông tin cơ bản để chọn lựa điểm đến và các dịch vụ liên quan. Các khách hàng được phỏng vấn cũng cho rằng, các đánh giá, nhận xét của những người đã sử dụng dịch vụ là rất quan trọng. 71% khách hàng nói, họ sẽ tham khảo các đánh giá này để quyết định có đặt chỗ ở khách sạn hay không. Điều này cho thấy, các thông tin về dịch vụ là vô cùng quan trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng cũ lẫn khách hàng tiềm năng.

Để thông tin thực sự là vua

Làm sao “đánh bóng” thông tin?

Anh Trần Mạnh, một nhân viên văn phòng là khách hàng thường xuyên của các trang web trực tuyến. Anh đã mua một tour online đi Philippines cách đây 3 tháng. Giá trọn gói bao gồm: vé máy bay, khách sạn và chi phí đi lại cho chuyến đi 5 ngày/4 đêm là 400 USD chỉ qua vài cú click chuột và tìm thông tin. Hỏi lý do vì sao anh chọn cách đi tour như vậy, Mạnh cho biết là muốn tự mình làm chủ chuyến đi, không bị lệ thuộc thời gian hoặc lịch trình của đơn vị tổ chức. Những khách du lịch như Mạnh được xem là khách hàng mục tiêu của loại hình Free& Easy (tự tổ chức chuyến đi) đang được các hãng lữ hành quan tâm nhiều hơn.

Tương tự, Bích Giang là một nhân viên văn phòng khác cũng vừa đặt mua một tour đi Hà Giang. Chị tự đặt khách sạn qua website booking.com, tự mua tour tham quan một vài tỉnh miền Bắc trong 4 ngày/3 đêm. Dù chưa biết rõ về công ty bán tour cho mình, nhưng Giang tự tin cho biết, đã so sánh với gần 10 đơn vị khác và thấy mình có thể yên tâm với thông tin về đơn vị này. Rõ ràng, thông tin trên web đầy đủ, hấp dẫn, tiện lợi cho khách tham khảo… đang là một công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng bên cạnh cách quảng cáo truyền thống.

Phải chuyển hóa những nội dung thông tin trở nên dễ hiểu, phải cấu trúc, sắp xếp lại nội dung để người xem có thể tiếp cận nó theo nhiều cách, lọc lại và hiểu dễ dàng.

Benjamin Jost, CEO đồng thời là người đồng sáng lập Công ty TrustYou mang đến diễn đàn dành cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch WIT 2013 một thông điệp đầy lý thú. Ông nói rằng: “Thông tin là vua và ngữ cảnh là nữ hoàng”. Benjamin nhấn mạnh rằng, nội dung sẽ giúp cho người xem biết được những thông tin cần thiết. Tuy vậy, trong một thế giới mà dữ liệu tràn ngập và có quá nhiều thứ phải xem xét thì liệu người tiêu dùng có đủ kiên nhẫn để lướt qua tất cả các thông tin? Chính vì thế phải làm sao chuyển hóa những nội dung thông tin đó trở nên dễ hiểu, phải cấu trúc, sắp xếp lại nội dung để người xem có thể tiếp cận nó theo nhiều cách, lọc lại và hiểu dễ dàng. Đây là lúc phải cần đến các SEO (search engine optimization), nói nôm na là làm sao khi người duyệt web nhập vào một cụm từ có liên quan đến lĩnh vực, sản phẩm hay dịch vụ thì Google trả về kết quả có website của bạn trên trang nhất. Dĩ nhiên, nếu bằng công cụ kỹ thuật thôi, vẫn chưa đủ, doanh nghiệp còn phải phải kết hợp nội dung thông tin để hấp dẫn khách hàng ngay “cú click đầu tiên”.

Trong một thế giới phẳng, mọi thứ có thể xảy ra chỉ bằng một cú click chuột thì rõ ràng, công việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng phải được cập nhật thường xuyên hơn bằng tốc độ của internet, kỹ thuật số để đưa thông tin tốt nhất, nhanh nhất và chuyên nghiệp nhất đến mọi khách hàng.

Nguồn Doanh Nhân Online