R&D: Tồn tại hay không tồn tại?

Nhờ vào đổi mới và sáng tạo, đã có những thương hiệu không chỉ vượt qua khó khăn mà còn thành danh cả ở thị trường nước ngoài. Minh Long I, Thiên Long và ABC đã minh chứng điều đó.

Trong lĩnh vực gốm sứ, Minh Long I được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Với các vật dụng dùng trong gia đình như tách trà, chén, dĩa..., sản phẩm của Minh Long I chiếm đến 90% thị trường.

Nhưng để có được thị phần ấy, Minh Long I đã dày công nghiên cứu và theo đuổi con đường sáng tạo suốt mấy mươi năm qua. Từ những sản phẩm gốm sứ thông thường, để tạo sự khác biệt, Minh Long I đã tích cực đầu tư cho công nghệ, trang thiết bị mới.

Trong đó, việc ứng dụng thành công công nghệ nano để tạo ra những sản phẩm bóng láng, ít trầy xước và chống khuẩn của Minh Long I đã tạo tiếng vang trên thị trường. Chưa dừng lại ở công nghệ cao này, Minh Long tiếp tục đầu tư để cho ra đời những sản phẩm "siêu bền".

R&D: Tồn tại hay không tồn tại?

Với công nghệ mới, sản phẩm của Minh Long I lại được nâng lên một cấp: có thể dùng như một chiếc búa đóng đinh mà không hề bị trầy xước.Mới đây nhất, Minh Long I giới thiệu đến người tiêu dùng nhãn hiệu Lys Horeca, dòng sản phẩm dành cho nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

Để có được sản phẩm này, Minh Long I phải mất 8 năm nghiên cứu và ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Minh Long I, đã không bỏ sót một triển lãm gốm sứ lớn nào trên thế giới. Tất cả chỉ cốt làm sao tìm tòi, cập nhật kịp thời xu hướng của thế giới.

Không chỉ đổi mới, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm có chất lượng nhất, ông Lý Ngọc Minh cùng các con đã đầu tư nghiên cứu cả phần nghệ thuật thể hiện trên sản phẩm thông qua từng kiểu dáng, họa tiết hoa văn.

Những nét đẹp văn hóa, hình ảnh quê hương mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như các nền văn hóa của các nước trên thế giới được khắc họa, lồng ghép vào từng sản phẩm nhưng vẫn mang phong cách hiện đại của thế giới.

Những cố gắng không ngừng nghỉ đã mang lại thành công cho Minh Long I và niềm kiêu hãnh cho gốm sứ Việt Nam. Hiện nay, tại châu Á, khi nói đến các sản phẩm gia dụng bằng gốm, người ta thường nhắc đến thương hiệu Minh Long I.

Cũng như Minh Long I, Công ty Thiên Long đã bền bỉ theo đuổi con đường đổi mới, sáng tạo nhiều năm nay. Từ một cơ sở sản xuất bút bi gia đình, nhờ đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo mà Thiên Long trở thành một tập đoàn có quy mô về văn phòng phẩm.

Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long, cho biết, làm được bao nhiêu tiền ông đều dùng để tái đầu tư cho bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Cái lý của ông Cổ Gia Thọ khi đầu tư cho R&D là chỉ cần 1 sáng kiến (trong 10 sáng kiến) ứng dụng thành công sẽ đem lại thành công cho DN.

Đây chính là cách để Thiên Long bắt kịp và vượt qua các công ty của Thái Lan, Hàn Quốc và từng bước đuổi kịp Nhật Bản trong lĩnh vực văn phòng phẩm.

Hiện nay, tất cả các công đoạn để cho ra đời sản phẩm, từ quá trình nghiên cứu, kỹ thuật đến thử nghiệm, kiểm định chất lượng... đều được Thiên Long đầu tư các dây chuyền kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất. Mỗi năm, Thiên Long đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới, trong đó có đến 20% sản phẩm mới hoàn toàn.

R&D: Tồn tại hay không tồn tại?Trong khi đó, thương hiệu bánh ngọt ABC ra đời cách đây chưa lâu nhưng lại là bài học cho nhiều DN trong việc đầu tư cho R&D. Tháng 7/2013, Doanh nghiệp tư nhân Bánh kẹo Á Châu (ABC) đã khiến giới sản xuất bánh tươi sửng sốt khi cùng lúc ra mắt đến 10 sản phẩm mới cùng công nghệ làm bánh ngọt mới Pre-Poolish.

Sự kiện này đã đưa ABC trở thành DN sản xuất bánh đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra công thức mới dùng chất dinh dưỡng có trong vỏ táo và mật ong để lên men bột mì và sử dụng công nghệ làm bánh hoàn toàn "Made in Vietnam". Bánh được làm từ công nghệ mới có thể để lâu hơn loại bánh cũ hai ngày và có độ mềm hơn.

Để có được sản phẩm này, ông Cao Siêu Lực, Giám đốc ABC, mất gần một năm nghiên cứu, thử nghiệm với bao thất bại. Không chỉ sản phẩm, ông Cao Siêu Lực còn nghiên cứu sáng tạo ra dây chuyền sản xuất bánh.

Và điều ít ai biết là dây chuyền này được ông Lực chế tạo từ chính những chiếc máy bị lỗi không sử dụng được mà ông mua về từ nước ngoài. Hiện nay, những chiếc máy hỏng đã biến thành những dây chuyền làm bánh "Made in Vietnam" và được xuất trở lại các nước Singapore, Đài Loan, Philippines...

Với những thành quả đạt được, Minh Long I xứng đáng nhận giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award - GPEA).

Điều mà nhiều DN quan tâm là Minh Long I đã thành công với đổi mới và sáng tạo như thế nào. Theo ông Lý Ngọc Minh, đầu tư cho công nghệ là đầu tư hiệu quả và thông minh nhất.

Nhưng cái khó trong việc đổi mới, sáng tạo đối với DN là phải thuyết phục để đạt được sự đồng thuận và chia sẻ tâm huyết của mình đối với tương lai của DN. Chỉ khi nào đội ngũ cộng sự của chủ DN toàn tâm toàn ý với việc đổi mới, sáng tạo thì mới đạt được thành công.

Xác định R&D là vấn đề sống còn của DN nên dù bộ phận R&D của Công ty khá mạnh nhưng ông Cổ Gia Thọ vẫn muốn thành lập một viện nghiên cứu và phát triển. "Không thể nói vì DN còn nghèo mà không đầu tư cho R&D. Nếu muốn công ty tiếp tục tồn tại và phát triển thì không thể xem nhẹ vấn đề này", ông Thọ khẳng định .

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn