Cạm bẫy ngọt ngào
Cái tên Tân Hiệp Phát gần đây đã nối dài thêm danh sách những nhà đầu tư cảng biển. Công ty này đã khởi công xây dựng khu công nghiệp và cảng quốc tế mang tên “Dr. Thanh” tại Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), được triển khai trong giai đoạn từ năm 2013-2018. Tại sao Tân Hiệp Phát chọn đúng lúc nền kinh tế suy thoái, ngành cảng biển đang mắc cạn để đầu tư vào một dự án trị giá tới 1,6 tỷ USD? Quy luật đầu tư rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao liệu có hợp logic trong trường hợp này?
Lợi ích lớn phía sau cảng biển
Trong con mắt lạc quan của riêng ông Trần Quí Thanh, Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát thì, “đây là cách tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá thành sản phẩm, chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu”. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để biến Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Việc ông Thanh quảng bá mạnh mẽ cho dự án của mình cũng là chuyện bình thường, vì mỗi dự án đầu tư đều có mục đích chung là tìm kiếm lợi nhuận. Dự án cảng quốc tế Dr.Thanh cũng nằm trong kế hoạch mở rộng sản xuất của Tân Hiệp Phát, khi Công ty Number One Chu Lai (thuộc tập đoàn này) đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất nước giải khát Number One Chu Lai tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam), với vốn đầu tư lên đến 1.820 tỷ đồng. Nhà máy mới có khả năng cung ứng 40 sản phẩm hiện có của Tân Hiệp Phát cho thị trường các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ là vấn đề đầu tư cảng biển nếu nhìn về phía hậu trường dự án. Tân Hiệp Phát sẽ được miễn tiền thuê đất sau khi đầu tư xong dự án, chưa kể còn được hưởng quyền sử dụng thương hiệu quế Trà My và cả thương hiệu sâm Ngọc Linh trong một thỏa thuận giữa doanh nghiệp này với UBND tỉnh Quảng Nam. Câu chuyện tương tự đã xảy ra tại dự án Cảng biển quốc tế Cần Giuộc (Long An) có diện tích 1.935 héc ta do Đồng Tâm Group và VinaCapital liên kết đầu tư (hiện nay VinaCapital đã rút lui), trong đó mỗi bên góp 50% vốn. Theo ông Võ Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Đồng Tâm Group, dự án Cảng quốc tế Cần Giuộc sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa thẳng đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, giảm chi phí trung chuyển và đảm nhiệm bốc xếp hàng hóa cho nhóm cảng biển số 5 với công suất theo dự báo đến năm 2015 là 9,3 triệu tấn/năm. Nhưng lợi ích thấp thoáng phía sau dự án này nằm ở chỗ, nó là tấm giấy thông hành để các chủ đầu tư tiếp cận được với những dự án bất động sản béo bở khác.
Lợi ích thấp thoáng phía sau dự án này nằm ở chỗ, nó là tấm giấy thông hành để các chủ đầu tư tiếp cận được với những dự án bất động sản béo bở khác.
Trong thực tế, nếu doanh nghiệp chỉ đầu tư vào mỗi lĩnh vực cảng biển sẽ rất khó để họ có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận. Cảng biển phải phục vụ cho hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm theo nó. Đồng Tâm Group đã có định hướng rõ ràng là dự án cảng biển sẽ phục vụ cho việc phát triển các dự án bất động sản của họ, bao gồm Khu công nghiệp Long An, Trung tâm thương mại và Khu đô thị Cần Giuộc (Long An). Tóm lại, cảng biển vẫn chỉ là cánh cửa mở ra hàng loạt dự án kinh doanh BĐS mà thôi.
Bài học từ người đi trước
Trong dự án đầu tư cụm cảng biển quốc tế Long An, Đồng Tâm Group đã chọn “phần nạc” nhất là khu công nghiệp và khu đô thị để tiến hành trước. Nhưng sự đóng băng của thị trường bất động sản đã biến phần nạc thành khúc xương khó nhằn. Đồng Tâm Group tỏ ra hụt hơi trong việc chuyển hóa các sản phẩm địa ốc, gồm cả ngành cốt lõi của công ty này – sản xuất vật liệu xây dựng – thành tiền. Năm 2010, doanh thu bán hàng từ bất động sản của Đồng Tâm chiếm 13% tổng doanh thu, nhưng tỷ lệ này của năm 2011 tụt xuống chỉ còn 4%. Cũng xuất phát từ lý do trên, doanh thu năm 2012 của công ty tiếp tục suy giảm 30% so với kế hoạch, chỉ đạt 842 tỷ đồng. Hệ quả là công ty bị lỗ 40 tỷ đồng, chưa kể gánh nặng lãi vay tăng từ 184 tỷ đồng năm 2011 tăng lên đến 293 tỷ đồng năm 2012. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia tài chính tỏ ra nghi ngờ vào khả năng sinh lời của dự án cảng biển của Đồng Tâm, đặc biệt khi đối tác VinaCapital đã chia tay. Không chia sẻ lý do cụ thể, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital chỉ nói ngắn gọn: Dự án cảng biển Long An giờ đây sẽ do Đồng Tâm tiến hành một mình.
Với tổng mức đầu tư lớn, Đồng Tâm phải đối mặt với những khoản lỗ và đang loay hoay tìm chiến lược kinh doanh mới để thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng. Tính đến năm 2011, Đồng Tâm đã đầu tư vào dự án này gần 130 tỉ đồng và hiện dự án đang tạm ngưng triển khai.
Một trường hợp khác, chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi ích từ dự án đầu tư cảng biển, nhưng với gánh nặng chi phí quá lớn, Hoa Sen Group (HSG) đã phải từ bỏ sự hợp tác với Gemadept trong dự án xây dựng Cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Đây là dự án HSG góp 45% trong tổng giá trị đầu tư 63 triệu USD. Dự án nằm trong khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc nhóm cảng biển số 5 trong quy hoạch phát triển định hướng của Chính phủ đến năm 2020, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT. HSG đã giải ngân được 45,5 tỷ đồng và đang tìm kiếm đối tác chuyển nhượng phần vốn góp này. Lý do được HSG đưa ra là họ muốn thu hẹp các mảng đầu tư ngoài ngành để tập trung vốn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là tôn – thép – nhựa.
Theo các chuyên gia, đầu tư cảng biển có thời gian thu hồi vốn rất lâu, nhất là khi chu kỳ đầu tư trùng với thời điểm suy thoái kinh tế khiến lĩnh vực này rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhóm cảng biển số 5 được xây dựng hiện đại với vốn đầu tư lớn, nhưng luôn rơi vào tình trạng đói hàng, phải chấp nhận làm cả hàng xá, hàng rời trong khi thiết kế ban đầu là cảng container. Rõ ràng, quyết định thoái lui của HSG là khá sáng suốt trong tình hình này. Ngay bản thân Gemadept, đối tác liên doanh với HSG trong dự án cảng biển nói trên cũng phải giãn tiến độ đầu tư cảng Gemalink – Cái Mép dù đã hoàn thành 39% khối lượng thi công, để chờ tình hình sáng sủa hơn.
Đầu tư cảng biển có thời gian thu hồi vốn rất lâu, nhất là khi chu kỳ đầu tư trùng với thời điểm suy thoái kinh tế khiến lĩnh vực này rơi vào tình trạng ế ẩm.
Quay trở lại với dự án mới của Tân Hiệp Phát. Điều kiện cần khi đầu tư cảng biển là phải có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, liên kết được các hãng tàu, hải quan, công ty cung cấp dịch vụ logistics và có nguồn hàng ổn định… Tân Hiệp Phát dường như chưa đạt được những yêu cầu đó và mới chỉ tập trung đầu tư mạnh cho khu công nghiệp. Họ đang ra sức mời gọi các đối tác, doanh nghiệp phụ trợ của ngành chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống đến đầu tư tại đây. Mặt khác, cảng quốc tế Dr. Thanh chưa chỉ ra cách khai thác nguồn hàng như thế nào, trong khi nằm gần đó là cảng nước sâu Dung Quất (Quảng Ngải) với cùng tính chất và công năng. Phải chăng Tân Hiệp Phát chưa thuộc bài học nhãn tiền từ những người đi trước?