Sony vẫn lỗi hẹn

Chỉ trong 3 tháng, Sony Corp đang từ một công ty trên đà hồi phục bỗng bị đem ra chất vấn.

Hidekazu Miyahara, chuyên gia phân tích tại Marusan Securities còn nhớ, vừa mới đây hãng Sony còn công bố lãi ròng trong quý kết thúc vào ngày 30/6/2013. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ngày 31/10 vừa qua, ông Miyahara đã thật sự sốc khi nghe Sony công bố mức… lỗ 19,3 tỉ Yên (tương đương 197 triệu USD) trong quý kết thúc vào ngày 30/9/2013. Đi kèm là thông báo: Sony đã hạ mức lãi ròng từ dự báo 50 tỉ Yên hồi tháng 7 trước đó xuống còn 30 tỉ Yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2014.

Dấu hỏi về chiến lược

Sau khi hãng này cắt giảm dự báo lợi nhuận tới 40% vào ngày 31/10, khiến nhà đầu tư quá thất vọng, giá cổ phiếu Sony đã giảm tới 11%, đóng cửa ở mức 1.668 Yên/cổ phiếu (ngày 1/11), lấy đi hơn 2 tỉ USD khỏi mức vốn hóa thị trường của công ty.

Sony vẫn lỗi hẹnMức lỗ hàng quý của Sony chủ yếu là do bộ phận phim ảnh, nhưng điều khiến các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lo ngại là triển vọng ảm đạm của bộ phận điện tử tiêu dùng. Tivi lại quay trở về thời kỳ không có lãi. Mảng kinh doanh này từ chỗ hoạt động có lợi nhuận 5,2 tỉ Yên trong quý kết thúc vào tháng 6, chuyển sang lỗ 9,3 tỉ Yên trong quý kết thúc vào tháng 9/2013. Và Sony đã phải cắt giảm dự báo doanh số bán, không những ở mảng tivi mà còn cả mảng máy tính cá nhân và camera. Nhưng lo ngại lớn nhất là tình trạng lợi nhuận ảm đạm không chỉ là kết quả tạm thời, mà là một dấu hiệu cho thấy cuộc lội ngược dòng của Sony có thể thất bại. “Phim ảnh thì có lúc này lúc kia, nhưng đáng thất vọng nhất lại chính là bộ phận điện tử cốt lõi đang gặp vấn đề mang tính trầm kha”, Takuya Yamada, nhà quản lý quỹ cấp cao tại Astmax Asset Management nhận định.

Lo ngại lớn nhất là tình trạng lợi nhuận ảm đạm không chỉ là kết quả tạm thời, mà là một dấu hiệu cho thấy cuộc lội ngược dòng của Sony có thể thất bại.

Kể từ khi ông Kazuo Hirai lên đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc vào năm ngoái, Sony đã vạch ra lộ trình lội ngược dòng trong 3 năm. Sau khi cố gắng xoay xở để tạo ra được mức lãi ròng cho tập đoàn trong năm tài chính vừa qua, một phần nhờ vào việc bán đi các tài sản, năm nay ông Hirai đã cam kết sẽ đưa bộ phận điện tử có lãi trở lại, trong đó, có mảng tivi mà gần 10 năm qua không năm nào làm ra tiền. Đây không phải lần đầu tiên Sony khiến nhà đầu tư thất vọng với triển vọng lợi nhuận của công ty mình. Howard Stringer, người tiền nhiệm của ông Hirai cũng đã cam kết một cuộc lợi ngược dòng cho Sony, nhưng chưa bao giờ thực hiện được lời hứa.

Đặt cược vào Xperia và PlayStation 4

Hiện tại, cú đặt cược tiếp theo của Sony là vào các điện thoại thông minh Xperia và thiết bị điều khiển videogame PlayStation 4, nhưng theo giới chuyên gia phân tích thì triển vọng của các sản phẩm này không có gì đảm bảo. Lý do là trên thị trường sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt và thị hiếu người tiêu dùng liên tục thay đổi. “Sony cần phải đưa ra những quyết định dù tàn nhẫn để xác định danh mục của hãng nên gồm những sản phẩm gì”, Steve Durose, nhà điều hành cấp cao tại Fitch Ratings nhận xét. Ông cho rằng, Sony nên cân nhắc việc rời bỏ mảng điện tử tiêu dùng để tập trung hơn vào các sản phẩm công nghiệp nhắm đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp như Panasonic đã làm.

“Sony cần phải đưa ra những quyết định dù tàn nhẫn để xác định danh mục của hãng nên gồm những sản phẩm gì”, Steve Durose, nhà điều hành cấp cao tại Fitch Ratings nhận xét.

Đồng quan điểm, Makoto Kikuchi, Tổng Giám đốc của Myojo Asset Management nhận xét: “Tôi vẫn không thấy Sony có một chiến lược khả thi nào để vực dậy mảng điện tử. Panasonic với chiến lược rời khỏi mảng điện tử tiêu dùng đã báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến. So sánh giữa hai hãng này cứ như ban ngày và ban đêm vậy”. Phó Chủ tịch cấp cao của Sony, ông Shiro Kambe tin rằng, doanh số bán ra sẽ tăng đáng kể sau khi Sony tung ra chiếc PlayStation 4 vào ngày 15/11 tới. Hãng này dự kiến sẽ bán được 5 triệu chiếc PlayStation 4 tính đến cuối tháng 3/2014.

Một trong những mảng cạnh tranh nhất của Sony chính là cung cấp cảm biến camera sử dụng trong các điện thoại thông minh như chiếc iPhone của Apple. Thế nhưng, nhu cầu mạnh đối với cảm biến camera dùng cho điện thoại thông minh cũng không bù đắp được một thực tế là hiện nay, kết quả kinh doanh đối với các camera truyền thống cũng sử dụng cảm biến của Sony đang suy yếu. Cho đến nay, Sony đang tập trung vào mảng điện thoại thông minh ở thị trường châu Âu, trong khi sự hiện diện của hãng vẫn yếu ớt tại hai thị trường thiết bị di động lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Theo giới phân tích, nếu Sony đẩy mạnh hoạt động marketing ở các thị trường này thì sẽ có thêm cơ hội tăng lợi nhuận của mảng thiết bị di động. Một nữ phát ngôn viên của Sony cũng cho biết: “Sony hiện đang bành trướng mảng thiết bị di động tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác ngoài châu Âu và Nhật”.

Tuy vậy, chuyên gia phân tích Yasuo Nakane thuộc Deutsche Securities cho rằng, do các dòng sản phẩm quá dàn trải, hãng điện tử Nhật vẫn chưa thể làm tốt việc tích hợp và tinh gọn tổ chức để có thể bắt kịp chiến lược tập trung vào điện thoại thông minh và máy tính bảng. Thực tế, tại cuộc họp cổ đông mới đây của hãng, các cổ đông đã yêu cầu công ty phải tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa các cơ sở hoạt động. Daniel Loeb, ông chủ của quỹ đầu cơ Third Point đang nắm giữ cổ phiếu Sony đã đề nghị, hãng cần chia tách mảng giải trí qua việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) do mảng này bị quản lý kém.

Rõ ràng, lộ trình lội ngược dòng mà Sony vạch ra rất có thể sẽ không chỉ là 3 năm mà lâu hơn thế. Không biết nhà đầu tư có tin tưởng mà chờ được đến lúc đó, khi Sony đã nhiều lần lỗi hẹn?

Nguồn Doanh Nhân Online