Quảng cáo Việt và bài học vàng từ thế giới
Bài học vàng từ thế giới
Kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông – quảng cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho thấy: Để không ngừng phát triển và theo kịp với xu thế, nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi, tự làm mới mình để sáng tạo những dịch vụ tiện ích nhất. Bài học thành công từ Google, Yahoo! là những ví dụ điển hình.
Tại Đại hội Quảng cáo châu Á lần thứ 28, ông John Merrifield, Giám đốc Sáng tạo của Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Các nhà quảng cáo ngày nay thay đổi chỉ 10% cấu trúc của họ so với nhiều năm trước, trong khi tại Google, cứ hai năm một lần chúng tôi lại thay đổi toàn bộ cấu trúc công ty”.
Ông John Merrifield khẳng định, chưa có thời điểm nào, cơ hội để phát huy sáng tạo lại tốt như bây giờ. Cứ mỗi phút có 100 giờ thời lượng video được đưa lên Youtube. Công nghệ đã và đang thay đổi theo cách mà các nhà marketing tương tác với người dùng. “Vấn đề không phải là người dùng làm được gì cho bạn, mà là bạn làm được gì cho họ”. “Tương lai không thuộc về những kẻ khổng lồ. Tương lai thuộc về những ai nhanh nhẹn và linh hoạt. Và tương lai, đòi hỏi những người dũng cảm”.
“Vấn đề không phải là người dùng làm được gì cho bạn, mà là bạn làm được gì cho họ”. “Tương lai không thuộc về những kẻ khổng lồ. Tương lai thuộc về những ai nhanh nhẹn và linh hoạt. Và tương lai, đòi hỏi những người dũng cảm”.
Bà Rose Tsou, Phó Chủ tịch Yahoo! khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chia sẻ về câu chuyện tái cấu trúc của Yahoo!. Xuyên suốt bài trình bày, bà nhấn mạnh xu hướng tương lai của marketing - “marketing nội dung”. 90% các nhà marketing tin rằng trong vòng 12 tháng tới, marketing nội dung sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là xu thế tất yếu, khi mà công nghệ đã làm thay đổi và cá nhân hoá trải nghiệm người dùng đến mức tối đa. Yahoo! đã và đang nỗ lực để đưa ra các phương thức marketing nội dung hiệu quả nhất trong khi vẫn duy trì được niềm tin của người dùng và tính trung thực của thương hiệu.
Ông Don Peppers, đồng sáng lập Tập đoàn Peppers & Rogers với khái niệm “Niềm tin tuyệt đối: Cạnh tranh trong kỷ nguyên khách hàng lên ngôi” khẳng định, để thành công, những nhà marketing của công ty cần phải giành được niềm tin tuyệt đối từ khách hàng. Niềm tin tuyệt đối này sẽ đến khi công ty thực hành nguyên tắc “đối xử với người khác như những gì mà bạn muốn được đối xử”. Khi đó, các công ty sẽ giành được giá trị khách hàng suốt đời - là tổng cộng những khoản chi và những lời giới thiệu của khách hàng.
Nhìn về Việt Nam , các chuyên gia đánh giá đây là một thị trường quảng cáo tiềm năng, với mức tăng trưởng khá ấn tượng khoảng 30%/năm nên doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày một tăng. Theo số liệu của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), cả nước hiện có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Số lượng nhiều như vậy nhưng các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu với quy mô nhỏ, thực hiện các công đoạn gia công, cung cấp dịch vụ phụ trợ…
Vì thế, trên thực tế, chỉ có khoảng 50 – 100 công ty được đánh giá là có hoạt động quảng cáo đúng bản chất. Trong đó, các công ty quảng cáo nước ngoài mặc dù số lượng ít, chỉ có 20 doanh nghiệp nhưng nắm giữ tới 80% thị phần quảng cáo.
Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch VAA cho biết, để có cơ hội phát triển và thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế hơn nữa, các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam cần phải tái cấu trúc, khai thác được tiềm năng của xu thế quảng cáo truyền thông hiện đại trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông số.
Tái cấu trúc tại Việt Nam
Nhìn nhận được tầm quan trọng của quảng cáo, Nhà nước Việt Nam đã có sự quan tâm đối với hoạt động quảng cáo từ khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế Việt Nam đã tích cực hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội ban hành tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước với hoạt động quảng cáo, một bước tiến cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, góp phần đưa hoạt động quảng cáo ở Việt Nam hòa nhập với thế giới, hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo ông Đinh Quang Ngữ, các doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam cần tái cấu trúc hai yếu tố:
Thứ nhất, tái cấu trúc độ mở của nền kinh tế. Quảng cáo phụ thuộc rất nhiều vào độ mở của nền kinh tế. Khi mở cửa thì các doanh nghiệp, hàng hóa nước ngoài tràn vào sẽ kéo theo sự phát triển của ngành quảng cáo – truyền thông.
Thứ hai, tái cấu trúc sự sáng tạo bằng cách đào tạo nhân sự bài bản và chuyên nghiệp. Ngành quảng cáo luôn đòi hỏi chuyên môn sâu, độ sáng tạo chuyên nghiệp, nên việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố cốt lõi tạo dựng thành công. Riêng đối với các doanh nghiêp có nhu cầu quảng cáo, cần nắm bắt được sự thay đổi của người tiêu dùng để điều chỉnh cách thức và loại hình tiếp thị sao cho đáp theo ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chia sẻ: Trước vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho, bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản…, truyền thông phải là lực lượng xung kích, là xúc tác mạnh, khởi động tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển nền kinh tế bền vững…
Trong quá trình tái cấu trúc, các doanh nghiệp truyền thông – quảng cáo Việt Nam cần đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu.
Ông David A.aaker, Phó Chủ tịch Prophet, chuyên gia hàng đầu về marketing cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc, các doanh nghiệp truyền thông – quảng cáo Việt Nam cần đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu. Để xây dựng một thương hiệu thành công, doanh nghiệp phải tìm được sự sáng tạo đủ lớn, tạo ra một lĩnh vực mới mà đối thủ chưa hề có, đồng thời thu hút, lôi cuốn được sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh đó, muốn thương hiệu của mình vượt qua được đối thủ cạnh tranh, ngoài yếu tố kinh doanh, thương hiệu đó cần phải gắn với những vấn đề mang tính xã hội, toàn cầu như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…