Forbes định giá thương hiệu nổi tiếng như thế nào
Tạp chí danh tiếng Forbes sử dụng rất nhiều số liệu, như lợi nhuận, vốn, thuế thu nhập doanh nghiệp, hệ số P/E, và cả tầm quan trọng của doanh nghiệp để xây dựng bản danh sách thương hiệu danh giá công bố cuối tuần trước.
Các thương hiệu giá trị nhất năm nay là những cái tên có lợi nhuận khổng lồ trong các ngành công nghiệp mà danh tiếng đóng vai trò lớn. 100 thương hiệu giá trị nhất trải rộng trên 15 quốc gia và 20 ngành công nghiệp. Đại diện từ Mỹ chiếm tới hơn nửa danh sách, theo sau là Đức, Pháp và Nhật Bản. Công nghệ là lĩnh vực đóng góp nhiều và còn chiếm tới 4 trong 5 vị trí dẫn đầu.
Để có danh sách những cái tên tốt nhất, Forbes chọn ra khoảng 200 thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, với tiêu chí phải hoạt động tại Mỹ, tạp chí này đã bỏ qua một số thương hiệu lớn như hãng viễn thông Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc).
Đầu tiên, họ xác định lợi nhuận trước thuế và lãi suất của từng thương hiệu. Sau đó, Forbes tính trung bình lợi nhuận trong ba năm gần nhất và trừ một lượng bằng 8% vốn. Mục đích là đảm bảo các thương hiệu này có khả năng kiếm được ít nhất 8% vốn bỏ ra.
Sau đó, Forbes áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa tại nước sở tại của công ty mẹ để tìm ra lợi nhuận ròng. Rồi họ cộng thêm 1% lợi nhuận ròng cho các nhãn hàng tại lĩnh vực mà thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, trong ngành đồ uống và hàng xa xỉ, thương hiệu là điều tối quan trọng. Còn với hàng không, giá cả và sự tiện lợi được quan tâm hơn.
Sau khi lấy được lợi nhuận, họ nhân với hệ số P/E trung bình ba năm để ra giá trị thương hiệu. Với các công ty không niêm yết, họ sử dụng hệ số P/E của các doanh nghiệp đại chúng cùng ngành.
Theo đó, năm 2013, Apple là thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới trong ba năm liên tiếp, với 104,3 tỷ USD. Theo sau là Microsoft (56,7 tỷ USD) và Coca-Cola (54,9 tỷ USD).