Mô hình phát triển bền vững của ngành sữa
Chương trình Phát triển Ngành sữa Việt Nam đã được chính 2 giáo sư Michael Porter và Mark Kramer, cha đẻ của thuyết “Tạo lập giá trị chung cho cộng đồng” ghi nhận như một hình mẫu của việc tiên phong trong tạo lập giá trị chung. Ông Trần Quốc Huân, Phó Tổng Giám đốc FrieslandCampina Việt Nam (FCV), chia sẻ về chương trình này.
FCV làm thế nào để tạo lập giá trị chung với nông dân?
Thách thức trước hết xoay quanh từ “giá trị”. Đối với người nông dân, người có thu nhập thấp, liệu họ có giá trị gì có thể góp cho chuỗi giá trị của công ty? Giá trị đó nếu có thì cũng rất đơn giản, trong khi chi phí để tạo ra giá trị đó lại cao, phải giúp họ giảm chi phí, tăng giá trị như thế nào? Giá trị nòng cốt của người nông dân là sức lao động. Để có giá trị tăng thêm, người nông dân cần có đất. Tạo lập giá trị chung là doanh nghiệp cùng làm với nông dân.
17 năm qua, kể từ ngày đầu tiên tiếp nhận 190 kg sữa tươi của 10 nông dân, đến nay hàng ngày công ty đã mua vào 240 tấn sữa tươi từ mọi miền đất nước. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng sữa tươi từ các hộ nông dân cung cấp cho FCV là cao hàng đầu. Nếu như tiêu chuẩn Việt Nam về lượng tổng tạp trùng trong sữa tươi là 1.000.000 cfu/ml thì sữa tươi cung cấp cho FCV ở mức 200.000 đến 300.000 cfu/ml.
Trên 4.000 hộ nông dân cá thể đã được chúng tôi tập họp lại thành từng nhóm liên cư, liên địa. Và tại mỗi nhóm, chúng tôi đầu tư xây dựng một trạm làm lạnh. Nhân viên công ty tại mỗi trạm làm lạnh này kiểm tra chất lượng sữa của từng hộ khi đến giao sữa trước khi cân sữa. Các thiết bị này đều kết nối với hệ thống thông tin, các thông số này được tự động nhập vào hệ thống, phần mềm xử lý ngay lập tức để thông báo đến người nông dân bằng tin nhắn về số tiền mua sữa cho lần giao sữa đó. Nhờ có thể phân loại chất lượng sữa theo từng hộ nên chúng tôi có thể trả tiền sữa theo chất lượng, nhờ đó dẫn dắt, thúc đẩy người nông dân đầu tư tiền bạc và công sức vào việc áp dụng các khuyến cáo theo tiêu chuẩn GDFP (Thực hành chăn nuôi bò sữa tốt) và tiêu chuẩn HACCP về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông đâu là những yếu tố chính tạo nên lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với sữa Cô Gái Hà Lan?
Thuộc tính “bền vững” có thể nói là gốc rễ của của FCV. “Phát triển” muốn “bền vững” phải đáp ứng cùng một lúc các thách thức, các yêu cầu toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên, tài nguyên nhân lực và cả văn hóa nữa. Là công ty sữa, chúng tôi cần nguyên liệu, và tích cực nhất, chủ động nhất, hiệu quả nhất là chăm lo phát triển vùng nguyên liệu.
Trong nhiều cách phát triển nguồn nguyên liệu, chúng tôi đã lựa chọn đi về vùng nông thôn, đến với những người nông dân đang hoặc chưa chăn nuôi bò sữa, thiết lập một quan hệ đối tác với họ, cung cấp cho họ những điều kiện mà tự họ không thể nào có được, đó là tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn và tiếp cận thị trường. Nhờ đó tối đa hóa giá trị của người nông dân trong chuỗi giá trị chung, vừa làm tăng thu nhập cho người nông dân vừa đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu, và tăng hiệu quả sản xuất cho cả người nông dân và nhà máy. Với cách làm này, chúng tôi tin rằng đây là giải pháp cho sự phát triển bền vững và đổi mới nông thôn Việt Nam.