Câu view: View đây, like đây, ai mua không?

Buổi sáng, H.M. - biên tập viên của một trang thông tin điện tử tổng hợp - vào tòa soạn mở máy tính theo dõi lượt bạn đọc truy cập (pageview) của trang mình theo thói quen đầu ngày làm việc thì cô bỗng tá hỏa: lượt truy cập tăng gần như dựng đứng.

Cô còn ngạc nhiên hơn khi vào xem thứ hạng của trang mạng cô làm trên bảng xếp hạng: từ vị thứ hơn 100 trước đây bỗng vọt lên mấy chục bậc trong một hai hôm.

“Phóng hỏa tiễn” cho view

Nhìn thấy số lượt truy cập tăng đột biến, nhìn biểu đồ tăng dựng đứng trên bảng xếp hạng, H.M. không tin vào mắt mình. Có tin bài gì hay, có sự kiện gì hấp dẫn khiến bạn đọc đổ vào xem nên báo ta lập kỷ lục chăng?

Xem lại trang báo, H.M. không thấy tin bài gì nổi bật hơn so với ngày thường cả. Cô hỏi các đồng nghiệp, mọi người đều lắc đầu không biết. Thắc mắc, cô đi dò hỏi và cái bí mật kia dần dần hé lộ: các sếp đã dùng “tun” (tool - công cụ) để đẩy lượt truy cập lên một cách đột biến như... phóng hỏa tiễn.

Câu view: View đây, like đây, ai mua không?

Dịch vụ tăng like rao nhan nhản trên mạng

Thứ hạng của trang mạng trên các trang xếp hạng web được xem là chỉ số quan trọng nhất để các nhà quảng cáo đồng ý chi tiền quảng cáo và kéo theo nhiều lợi ích khác. Cho nên có trường hợp báo điện tử, trang mạng dẫu đã dùng mọi biện pháp để tăng lượt truy cập qua tin bài, kể cả dùng những thủ thuật câu view gây sốc nhất, mà vẫn lẹt đẹt trên bảng xếp hạng nên đành quyết định nhờ đến “tun”.

Thời gian qua, do nắm được thuật toán hoạt động của các trang xếp hạng nên giới công nghệ làm ra ít nhất hai loại “tun” để “phóng hỏa tiễn” cho trang web.

Thứ nhất, dùng những “tun” tự làm ra cài vào bên trong trang web để đẩy lượt truy cập lên, thường là với tốc độ tăng từ từ. Thứ hai, mua các “tun” của giới công nghệ (cả nước ngoài) để cài vào trang web của mình, trả phí hằng tháng hoặc hằng năm cho bên cung cấp “tun”. Số lượt truy cập tăng đột biến và biểu đồ tăng dựng đứng của trang mạng mà cô H.M. ngạc nhiên là nhờ loại “tun” thứ hai.

Do một số trang xếp hạng không phân biệt được đâu là số view thật và đâu là view giả nên mức độ xếp hạng không còn là tiêu chuẩn đối chiếu tin cậy với các nhà quảng cáo như trước nữa.

Ai quảng cáo trên báo giật gân? Một số trang mạng giật gân được nhà quảng cáo chọn, một số khác bị khước từ, phải ”đánh” doanh nghiệp để bắt mua quảng cáo.

Tuy nhiên, để lòe dư luận và những ai chưa biết hết thủ thuật tăng view này, một số trang mạng vẫn âm thầm cài “tun” tăng view theo tốc độ từ từ, ít trang nào dám tăng dựng đứng như trang mà cô H.M. đang làm việc vì sợ bị dễ nhận ra.

Ngủ dậy thấy cả triệu like

Các trang Facebook cũng là nơi các trang mạng theo xu hướng giật gân tập trung khai thác để “mồi chài” người đọc. Đưa tin bài 4T (tình, tiền, tù, tội) lên mạng vẫn chưa đủ, các trang mạng đăng đường chia sẻ tin bài (link) lên trang Facebook của mình để người đọc bấm vào đó, tăng lượng truy cập cho trang mạng.

Anh T.H. - người phụ trách một trang thông tin tổng hợp - cũng áp dụng cách này, nhưng một thời gian sau thấy số lượng tăng không đáng là bao trong khi áp lực tăng lượng truy cập cứ chực chờ mới thu hút được quảng cáo và tiếng tăm, anh vào mạng thì thấy vô số lời rao về dịch vụ tăng like (lượt thích) trên Facebook.

Vào Facebook, anh cũng thấy có dịch vụ “thăng hạng trang”, anh thử nhưng lượt tăng like ít và chậm, trong khi lời rao trên mạng thì toàn tăng cả triệu like trong thời gian ngắn. Vậy là anh đã tìm mua like “cấp tốc”.

“Có hai cách cho anh lựa chọn. Một là em cài “áp” (apps - ứng dụng) trò chơi, phong thủy, bói toán, chuyện cười... vào trang “phây” (Facebook) của anh. Bạn đọc tò mò bấm vào “áp” đó thì tự khắc sẽ bấm vào thích trang của anh. Nhưng cách này thì lượng like chỉ tăng từ từ. Còn nếu anh muốn nhanh, trong một đêm em sẽ tăng cho anh khoảng 50.000 like, trong vòng hơn nửa tháng anh sẽ có khoảng 1 triệu like. Tùy anh chọn”, M.Đ. - một bạn trẻ mà anh T.H. gặp theo điện thoại rao trên mạng - nói như vậy.

Câu view: View đây, like đây, ai mua không?Hỏi làm sao có thể tăng số like nhanh khủng khiếp như vậy, M.Đ. nói do tìm hiểu biết được thuật toán tăng like của Facebook và nói thêm: “Anh làm nhanh đi, vì dạo này Facebook biết có chuyện này nên thay đổi thuật toán liên tục. Anh không làm liền, họ thay đổi thuật toán thì em không làm được đâu”.

Anh T.H. suy nghĩ và đồng ý tăng 500.000 like trong vòng nửa tháng với “giá sỉ” là 150 đồng/like, rồi giao mật mã (password) và quyền admin (chủ trang) cho M.Đ..

Đêm đó mặc dù đã được M.Đ. dặn: “Anh cứ yên tâm ngủ đi, sáng mai ra sẽ thấy tăng 50.000 like đầu tiên, xong xuôi rồi anh chuyển tiền cho em”, nhưng anh T.H. không ngủ được vì tò mò muốn biết làm sao có thể làm được chuyện mà cả năm hì hục đưa link lên mạng anh cũng không có con số trong mơ đó được.

Anh mở Facebook của mình để theo dõi thì thấy số like trên trang của anh tăng vùn vụt như đồng hồ nước nhảy số. Đến sáng trang đã có thêm khoảng 50.000 like. Và cứ thế, sau mấy đêm nữa, trang đã có 500.000 like.

Anh hí hửng đi khoe với các nhà quảng cáo, lấy lý do là trang có nhiều tin bài hay nên trang Facebook tăng like. Một số nhà quảng cáo tỏ ra hài lòng, nhưng không ngờ có một nhà quảng cáo hỏi lại “Mua like chứ gì?” và chỉ ra bằng chứng cho anh thấy: số lượng like của trang thì cao nhưng số lượng like cho từng tin bài không tương xứng, đặc biệt là số bình luận (comment) quá ít.

Khắc phục sơ sót này, nhiều công ty quảng cáo “thầu” quảng cáo cho các trang mạng có lập Facebook tìm ra cách để tăng số “thích” tin bài và số comment nhiều tương xứng, và giá dịch vụ cho việc này khá cao chứ không ở mức rẻ 150 đồng cho mỗi like.

Thế nhưng dù cách nào, tăng từ từ hay tăng vùn vụt, tăng giá rẻ (150 đồng/like) hay giá cao tiền nào của ấy (400-500 đồng/like), tin bài đưa lên trang rồi chia sẻ link lên “phây” cũng là những tin bài giật gân, 4T mới hi vọng có được view cao. Một số trang mạng khi tìm đến nhờ dịch vụ tăng like bây giờ cũng chấp nhận tốn tiền hơn để có số like cao mà “thật” hơn, để từ đó hút thêm nhiều người từ Facebook vào trang mạng của mình, đẩy số view tăng cao.

Câu view: View đây, like đây, ai mua không?Hoạt động “chuyên nghiệp”

Trong cộng đồng mạng xã hội hình thành những nhóm vài chục người, mỗi người giữ vài chục tài khoản Facebook để đi câu like (thích), những website, công cụ trao đổi like hoạt động “chuyên nghiệp”. Đội ngũ tham gia bán like Facebook ngày càng đông và có thể thấy nhan nhản khắp trên mạng với các quảng cáo “đảm bảo 100% like thật và là like VN”.

Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - phó giám đốc Công ty Emerald Digital Marketing, đa số người bán like các mạng xã hội hiện nay là những cá nhân trẻ có kiến thức về công nghệ, việc bán like có thể mang về cho họ một nguồn thu nhập kha khá lại dễ dàng khiến ngày càng nhiều người tham gia hoạt động này. Về lâu dài, việc sử dụng like do mua bán sẽ mang lại những hiệu quả không tốt. “Có thể mô tả tình trạng này như việc trả tiền cho người khác hại mình vì chính các số liệu ảo đó sẽ làm nảy sinh nhận định sai lầm về sự yêu thích thương hiệu của người tiêu dùng. Việc “tự sướng” với các con số không phải đơn giản có thể lập luận là “số lớn thì cũng nhiều người tham gia”, mấu chốt của vấn đề là khi các chỉ số bị gian lận, không ai có thể biết được trong đó có 50% hay 99,99% là số ảo ngoài đơn vị được thuê thực hiện điều đó” - ông Thành nói.

Ông Nguyễn Ngọc Long, một blogger chuyên theo dõi mảng truyền thông xã hội, cho rằng việc mua like, mua lượng người theo dõi có thể tạo được hiệu ứng đám đông do tâm lý hùa theo mỗi khi lướt qua một nội dung nào có nhiều người đọc, like của người Việt. Theo ông Long, có thực tế đáng buồn là một bộ phận bạn trẻ lại thích các giá trị ảo hơn giá trị thật, vì những hiệu quả dễ thấy trước mắt theo kiểu “mì ăn liền” mà không chú ý đến hậu quả lâu dài. Chính những việc này đã dần dần gây ra tâm lý khó chịu cho người dùng Facebook nghiêm túc và làm mọi người nghi ngờ rằng trên mạng xã hội cái gì cũng ảo.

Nguồn Tuổi Trẻ Online