Câu lạc bộ nhãn hàng 1 tỷ USD
Unilever: Cuộc rượt đuổi doanh số
Đến Việt Nam trước đối thủ P&G (năm 1994 và 1995 thành lập công ty liên doanh), Unilever (một trong 10 tập đoàn lớn nhất Hà Lan, xét theo doanh số) đã tạo lập một "đế chế” trong ngành hàng tiêu dùng.
Theo thống kê, Unilever hiện có khoảng 400 nhãn hàng trải khắp các lĩnh vực như: chăm sóc cá nhân (personal care), dịch vụ tại nhà (home care), thực phẩm; trong đó có 14 nhãn đạt doanh số trên 1 tỷ USD/năm. Nhiều mặt hành trong "rổ 1 tỷ USD" này đã có mặt tại Việt Nam, có thể kể đến như: Dove, Lifebouy, Comfort, Lipton hay Omo...
Nếu P&G tập trung nhiều vào phát triển thị trường thì từ lâu, Unilever đã tăng cường chiến lược "khoét sâu" vào "miếng bánh thị phần" ở những thị trường mới nổi. Và kết quả là năm 2012, doanh thu của Unilever toàn cầu đạt hơn 50 tỷ EUR. Riêng các thị trường mới nổi đã chiếm đến 55% trong kết quả kinh doanh này.
Tuy xét trên bản đồ doanh thu toàn cầu của Unilever, Việt Nam là một thị trường hiếm khi được nhắc đến so với Trung Quốc, Ấn Độ hay Philippines; nhưng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với quy mô dân số trẻ và tăng trưởng khá lớn, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ của nhiều tập đoàn chuyên sản xuất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) quan tâm.
Nếu P&G tập trung nhiều vào phát triển thị trường thì từ lâu, Unilever đã tăng cường chiến lược "khoét sâu" vào "miếng bánh thị phần" ở những thị trường mới nổi.
Theo thống kê của BMI, trong số 10 tập đoàn thực phẩm lớn trên thế giới thì có ba "đại gia" tập trung mạnh nguồn lực vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam là Unilever, Danone và Nestlé.
Tại Việt Nam, sau khi mua lại 33,3% cổ phần của đối tác trong liên doanh vào giữa năm 2009, Unilever đã tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Unilever là một trong số hơn 40 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với quy mô vốn lớn tại TP.HCM.
Đến năm 2012, ước tính vốn đầu tư của Unilever Việt Nam đã đạt trên 281,5 triệu USD. Hãng sản xuất hàng tiêu dùng này đã đặt 5 nhà máy tại Biên Hòa (Đồng Nai), huyện Củ Chi, quận Thủ Đức (TP.HCM) và Hà Nội.
Song song với đầu tư, Unilever đã mạnh tay quảng bá sản phẩm. Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, trong Top 20 hãng chi tiêu nhiều cho quảng cáo trong năm 2011 thì UnileverBestFood &Elida P/S Vietnam., Ltd đứng thứ 8, với kinh phí 8,621 triệu USD.
Ngoài ra, trong Top 20 ngành hàng chi tiêu nhiều cho quảng cáo (năm 2011), mặt hàng Knorr của Unilever đứng thứ 2 (sau Dr.Thanh của Tân Hiệp Phát), với tổng kinh phí lên đến 6,94 triệu USD; trong khi không ngành hàng nào của P&G lọt vào Top 20.
Cùng với chiến lược phủ khắp các kênh truyền thông, mở rộng hệ thống phân phối, doanh số của Unilever kể từ năm 1995 đến nay đã không ngừng tăng trưởng, từ 10 triệu USD đã lên đến 240 triệu USD trong năm 2002.
Theo BMI, trong 5 năm qua, doanh số của Unilever Việt Nam tăng trưởng bình quân hàng năm là 18,5% và đạt con số 700 triệu USD trong năm 2010. Đồng thời, theo thống kê của StoxPlus, năm 2012, ước tính doanh số của Unilever tại Việt Nam là trên 1 tỷ USD.
Trong đó, một số nhãn hàng của Unilever đang chiếm giữ các vị trí cao trong nhóm đầu của thị trường Việt Nam như: bột giặt, lăn khử mùi, dầu gội... Riêng bột giặt, với 3 nhãn (Omo, Viso, Suft), Unilever đang nắm trong tay 65% thị phần của thị trường có doanh số hơn 15.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia tư vấn thương hiệu, Unilever đang làm tốt việc củng cố và thiết lập hệ thống phân phối tại các đô thị lớn từ các cửa hàng bán lẻ đến siêu thị. Tuy nhiên, tại nông thôn, vẫn còn nhiều khoảng trống cho các đối thủ trong nước. Song, điều này không đồng nghĩa với việc Unilever "thất thế” mà vấn đề là họ chưa tung hết lực.
Trong trường hợp Unilever cũng phát triển mô hình "Shakti" (nhân viên nhận đặt hàng qua điện thoại và giao hàng đến tận các tiệm tạp hóa nhỏ trong các ngỏ ngách của vùng nông thôn Ấn Độ) thì liệu rằng, các DN sản xuất ngành hàng FMCG nội địa có đủ sức chạy theo, ông Hoàng đặt vấn đề.
Vinamilk: Bước qua mốc 1 tỷ USD
Năm 2011 là thời điểm đánh dấu doanh thu của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) vượt mốc 1 tỷ USD. Năm 2013, chỉ sau 9 tháng, công ty này đã đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Nếu hỏi các quỹ đầu tư tài chính, cổ phiếu nào đáng quan tâm nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chắc chắn câu trả lời đầu tiên là VNM. Tại hội thảo "Quay về cốt lõi" tổ chức tại TP.HCM vào tháng 10/2013, Dominic Scriven, Giám đốc Điều hành Dragon Capital, đã đề cập đến VNM như là một điển hình cho DN kinh doanh thành công với ngành nghề cốt lõi.
Theo Dominic, trong thời điểm khó khăn, những công ty có ngành cốt lõi có thể kiếm nguồn vốn dễ dàng và được thị trường đánh giá cao. Điều này có thể thấy qua tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại dành cho cổ phiếu VNM, luôn đạt mức giới hạn tối đa 49% (cổ đông nước ngoài năm 2010 là 46%; chiếm 48,99% năm 2011 và 2012 là 49%).
Vinamilk phải mất gần 10 năm mới đạt đến cột mốc doanh thu 1 tỷ USD bằng con đường khuếch trương ngành nghề cốt lõi. Năng lực cốt lõi của VNM, hay nói đúng hơn là lợi thế cạnh tranh của VNM được xác lập trong ngành sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa.
Tăng trưởng doanh thu bình quân của VNM từ 2008 - 2012 là 34%. Từ năm 2010 - 2012 không có nợ vay dài hạn. Tổng tài sản đến 2012 đạt 19.698 tỷ đồng (năm 2008 là 5.000 tỷ) và giá trị vốn hóa của VNM là 3,52 tỷ USD; tăng 52,6% so với 2011.
VNM đang chiếm ưu thế trong 4 ngành chủ lực (sữa nước, sữa đặc, sữa bột và sữa chua) từ mức độ chiếm lĩnh thị trường, số lượng nhà máy cho đến tốc độ phát triển hệ thống phân phối.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn xây dựng thương hiệu từng khẳng định, trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, chưa doanh nghiệp nào có thể vượt qua VNM và Unilever về kênh phân phối.
Vinamilk phải mất gần 10 năm mới đạt đến cột mốc doanh thu 1 tỷ USD bằng con đường khuếch trương ngành nghề cốt lõi. Năng lực cốt lõi của VNM, hay nói đúng hơn là lợi thế cạnh tranh của VNM được xác lập trong ngành sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa.
Riêng trong ngành công nghiệp thực phẩm, hệ thống trên 200.000 điểm bán lẻ của VNM (tính đến cuối năm 2012) và 250 nhà phân phối của VNM là con số "mơ ước" của các đối thủ trong cùng ngành. Chuyên gia này cũng cho rằng, trong lĩnh vực FMCG, chỉ cần một phút "xao lãng" có thể DN sẽ bị đối thủ soán ngôi. Đó là lý do mà trong chiến lược phát triển, VNM không ngừng đầu tư.
Để trở thành "nhân vật số 1" trong ngành sữa tại thị trường nội địa, VNM đã từng trải qua giai đoạn thâu tóm những doanh nghiệp cùng ngành. Theo đó, sau khi cổ phần hóa Công ty năm 2003, VNM đã thâu tóm Công ty CP Sữa Sài Gòn và tăng vốn điều lệ lên 1.590 tỷ đồng vào năm 2004.
Tiếp sau đó, VNM đã mua cổ phần còn lại của đối tác trong công ty liên doanh sữa Bình Định. Đồng thời, một năm sau khi niêm yết trên HOSE (2006), nhà sản xuất sữa này đã mua cổ phần chi phối của Công ty sữa Lam Sơn và đổi tên thành Công ty CP Sữa Lam Sơn để đến năm 2010 thâu tóm hoàn toàn công ty này.
Cũng trong năm 2010, VNM đã nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần từ Công ty TNHH F&N (tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore để xây nhà máy chế biến sữa bột và bột dinh dưỡng có công suất 54.000 tấn/năm) và góp 12,5 triệu USD chiếm 19,3% vào Công ty TNHH Miraka tại New Zealand.
Cũng từ 2009-2010, VNM đã cơ cấu lại một số khoản đầu tư khác như bia, cà phê... Thực tế, đến năm 2010, VNM đã chuyển nhượng nhà máy sản xuất cà phê tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) cho Trung Nguyên với giá trị khoảng 40 triệu USD.
Hiện, trong 4 ngành mũi nhọn của mình, VNM giữ vị trí dẫn đầu ở 3 lĩnh vực. Cụ thể, với lợi thế sở hữu đến 11 nhà máy có khả năng sản xuất sữa chua, trải dài từ Bắc - Trung - Nam, Vinamilk có thể giải quyết bài toán chi phí vận chuyển và sẵn sàng phục vụ cho người tiêu dùng một cách nhanh chóng.
Đó là lý do mà Vinamilk đang chiếm đến 90% thị phần ngành sữa chua. Trong khi đó, sữa đặc cũng dễ dàng chiếm lĩnh 80% thị phần với thương hiệu sữa "Ông Thọ”. Theo số liệu phân tích từ các công ty chứng khoán về lợi thế cạnh tranh của VNM, sữa nước của VNM cũng nắm giữ 50% thị phần (con số này năm 2010 là 40,9% và năm 2008 là 21,4%) và sữa bột là gần 30%.
Nếu tính chung cho toàn bộ các sản phẩm từ sữa, VNM đang dẫn đầu với 39% thị phần. Điều này không có nghĩa VNM sẽ dừng đầu tư, đặc biệt là việc phát triển nguồn nguyên liệu sữa, vốn là điểm yếu của không chỉ VNM mà của ngành công nghiệp sản xuất sữa của Việt Nam.
Theo đó, VNM đang hướng đến xây dựng thêm 4 trang trại nuôi bò sữa tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, nâng tổng số trang trại lên con số 9 và theo kế hoạch đến năm 2016, tổng đàn bò của VNM sẽ ở mức 28.000 con, vượt xa con số 8.200 con của năm 2012.
Như vậy, nguồn vốn đầu tư của VNM trong giai đoạn 2012-2016 cho mục tiêu mở rộng nhà máy và phát triển đàn bò ở vào khoảng 10.275 tỷ đồng.
Sabeco: Lấn lướt đối thủ ngoại
Năm 2010, Sabeco đã vượt qua mốc tiêu thụ 1 tỷ lít bia, một nỗ lực lớn của nhà sản xuất bia hàng đầu Việt Nam trước gần 30 nhãn bia nước ngoài, trong đó có những ông lớn như: APB, Carlsberg, SABMiller... Năm 2011, sản lượng tiêu thụ của Sabeco đạt 1,228 tỷ lít. Sang năm 2013, Sabeco hướng đến sản lượng 1.300 tỷ lít, tăng 3% so với 2012.
Trong số các doanh nghiệp nhà nước thực hiện lộ trình IPO, Sabeco là một cái tên được các quỹ đầu tư và những nhà sản xuất cùng ngành "ngắm" khá kỹ, trong đó có những đối thủ như Carlsberg và cả APB.
Những số liệu thống kê cho thấy, bia là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng "vượt khủng hoảng" tại thị trường Việt Nam, tức không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Đồng thời, đây là ngành có tốc độ cạnh tranh rất khốc liệt.
Không ít DN đã phải "ngậm ngùi" giã từ sân chơi như việc nhà máy bia Phú Yên đã phải bán cho Masan với giá 12 triệu USD, hay bia Huda đã bị hãng bia Đan Mạch Carlsberg "nuốt chửng".
Hoặc nhãn bia Laser của Tân Hiệp Phát đã "khai tử" không lâu sau khi xuất hiện trên thị trường (năm 2003), mà nguyên nhân được xác định là do "bị chặn" các đường phân phối và định vị sai phân khúc; hay trường hợp "bia kiểu Úc" của Fosters cũng không trụ nổi ở thị trường Việt Nam.
Dù mới đây, thị trường đón thêm tên tuổi hàng đầu thế giới là Anheuser-Busch InBev, nhưng rõ ràng, với mức độ "trung thành thương hiệu" và thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam thì Sabeco vẫn giữ vững ngôi đầu.
Xét theo phân khúc, Sabeco đang dẫn đầu dòng bia phổ thông. Còn VBL đang giữ ưu thế thị trường ở phân khúc cao cấp với nhãn hàng Heineken. Theo Euromonitor, khoảng 80% thị phần bia Việt Nam đang nằm trong ba hãng là Sabeco, Habeco và VBL.
Cũng theo đánh giá của BMI, Carlsberg và Habeco đang chiếm giữ 33% thị phần bia Việt Nam và chủ yếu "làm mưa làm gió” ở thị trường phía Bắc; trong khi đó, khu vực phía Nam vẫn là lãnh địa của Sabeco.
Để bứt phá trước sự bám đuổi của các đối thủ ngoại, từ năm 2008, Sabeco đã tăng cường các khoản đầu tư cho việc mở rộng công suất nhà máy.
Hiện, Sabeco đang nắm 33% thị phần bia Việt Nam và hai con "át chủ bài" của Sabeco vẫn là bia Sài Gòn và bia 333. Cũng theo BMI, để bứt phá trước sự bám đuổi của các đối thủ ngoại, từ năm 2008, Sabeco đã tăng cường các khoản đầu tư cho việc mở rộng công suất nhà máy.
Cụ thể, Sabeco đã tăng sản lượng sản xuất lên 21% nhờ vào việc xây dựng nhà máy bia với công suất 50 triệu lít/năm tại Ninh Thuận năm 2010, sau khi xây dựng nhà máy 200 triệu lít/năm tại Củ Chi (TP.HCM) vào tháng 3/2008.
Riêng trong năm 2009, Sabeco đã hoàn thành ít nhất 6 nhà máy sản xuất bia: Nhà máy Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (công suất 30 triệu lít/năm), Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Nội (công suất 90 triệu lít/năm)... Cũng trong năm này, Sabeco đã tăng 21 bậc trong nhóm các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới (đứng thứ 33).
Cũng từ thời điểm này, doanh thu bán hàng của Sabeco liên tục gia tăng, từ 14.956 tỷ đồng năm 2009 đã đạt hơn 24.332 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2010. Không dừng lại ở đó, cũng từ năm 2009, công ty này đã tăng cường xuất khẩu bia sang châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và Campuchia...