PR trong nội bộ, tại sao không?

Hầu hết các doanh nghiệp chỉ lo quảng cáo rầm rộ bên ngoài mà quên, hoặc không biết, để có thể đi đường dài, phải bắt đầu xây dựng thương hiệu ngay từ trong nội bộ, với chính những nhân viên của mình.

Đó là chủ đề đã được mổ xẻ tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu cho nguồn nhân lực và bằng nguồn nhân lực” do câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (thuộc Saigon Times Club) và Công ty cổ phần Le & Associates (L&A) phối hợp tổ chức hôm qua, 21-3.

“Khi tính đến chuyện đầu tư vào một doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thường quan tâm trước tiên đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp đó. Nhưng xem ra hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố nguồn nhân lực”, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng giám đốc L&A, nhận định.

PR trong nội bộ, tại sao không?

Xây nhà từ nền móng

Nói đến việc tạo lập một doanh nghiệp, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm, chiến lược, kế hoạch kinh doanh… Nhưng khi bắt tay vào xây dựng, thì “ngôi nhà” doanh nghiệp nên được khởi công từ cơ chế quản lý nền tảng, bao gồm hệ thống quản lý, văn hóa doanh nghiệp, và "đạo" của doanh nghiệp, theo diễn giả Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty quảng cáo tiếp thị Stormeye.

Hệ thống quản lý gồm những quy định, chính sách cụ thể về công việc và trách nhiệm của từng thành viên. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành một cỗ máy khô cứng và không có tình người nếu thiếu văn hóa doanh nghiệp là các tiêu chí hành xử trong công ty, bắt đầu từ các tính cách của lãnh đạo, người phải đi đầu làm gương trong ứng xử và mối quan hệ với mọi người, ông Trung phân tích.

Nhưng ông nhấn mạnh đến cái "đạo" của doanh nghiệp, cụ thể là tầm nhìn và sứ mạng của công ty mà người lãnh đạo cần đặt ra, hơn nữa còn phải làm cho mọi nhân viên biết rõ và thấm nhuần điều đó. Một tầm nhìn và sứ mạng có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng không chỉ thu hút sự chú ý của xã hội về phương diện quảng cáo mà còn kích hoạt tinh thần của nhân viên, khiến họ hăng hái đóng góp vì biết rõ mình đang đi đến đâu.

“Khi tính đến chuyện đầu tư vào một doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thường quan tâm trước tiên đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp đó. Nhưng xem ra hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố nguồn nhân lực”, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng giám đốc L&A, nhận định.

Không thể chỉ đơn giản là công ty làm ra một sản phẩm và mong muốn bán được càng nhiều càng tốt, nhưng nhiều là bao nhiêu và sẽ phát triển đến đâu thì… hồi sau sẽ rõ. Chia sẻ quan điểm này, bà Mỹ Lệ cho biết trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, bà nhận thấy đây là một thiếu sót rất phổ biến.

Có thể điểm qua vài ví dụ về cái gọi là tầm nhìn và sứ mạng. Biti’s nổi tiếng với khẩu hiệu “Nâng niu bàn chân Việt”, cà phê Trung Nguyên khẳng định sứ mạng “tạo dựng thương hiệu hàng đầu qua việc mang lại cho người thưởng thức cà phê nguồn cảm hứng sáng tạo và niềm tự hào trong phong cách Trung Nguyên đậm đà văn hóa Việt”, ngân hàng Á Châu là “Ngân hàng của mọi nhà”, bệnh viện FV đặt mục tiêu trở thành “Nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu ở châu Á”…

Chuyện “hái sao trên trời”?

Một số ý kiến cho rằng chưa đảm bảo được chuyện cơm áo gạo tiền cho nhân viên thì làm sao dám bắt họ mơ ước xa xôi. Vậy phải chăng chỉ có các công ty tầm cỡ mới đặt ra những hoài bão lớn lao?

Theo diễn giả Hồ Thụy Nhàn Khanh, Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty Nestle Việt Nam, mọi công ty lớn đều xuất phát từ những cơ sở rất nhỏ, vấn đề là họ dám ước mơ và quyết tâm theo đuổi mục tiêu, thể hiện ở sự chuyên nghiệp ngay từ những bước đi đầu tiên.

Ông Trung dẫn ra câu chuyện về biểu tượng quả táo của Leo Burnett, nhà sáng lập Leo Burnett Worldwide, một trong những công ty quảng cáo hàng đầu thế giới.

Leo Burnett mở công ty quảng cáo tại Chicago, Mỹ năm 1935, đúng vào thời kỳ Đại suy thoái của nước Mỹ. Một tờ báo ở Chicago đã vội vã suy đoán ông sẽ sớm thất bại và phải ra đường… bán táo. Đọc được những dòng này, ông quyết tâm rằng mình phải làm ngược lại: cho táo chứ không bán.

Từ đó, tại bàn tiếp tân của văn phòng công ty, luôn có một khay táo đỏ và tất cả nhân viên cũng như khách hàng đều có thể lấy một quả. Cho tới nay, tại tất cả các văn phòng Leo Burnett ở 84 quốc gia, vẫn luôn có một khay táo trên bàn tiếp tân. Hành động nhỏ nhưng nói lên quyết tâm rất lớn. Và biểu tượng quả táo được đánh giá là mẩu quảng cáo thành công nhất của Leo Burnett.

Leo Burnett còn đưa ra một biểu tượng nữa trong nội bộ công ty: bàn tay với đến những vì sao. Ông giải thích, có thể bạn không lấy được vì sao nào nhưng chắc chắn là với tư thế hướng đến các vì sao thì bạn sẽ không vớ phải một nắm bùn!

Hãy bắt đầu từ những cam kết

PR trong nội bộ, tại sao không?Bà Mỹ Lệ khẳng định, việc tạo ra sứ mạng và tầm nhìn không khó, vì không tốn kém và thời gian triển khai là dài hạn, nó không đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt được trong vài ba năm mà ví như ngọn đèn hải đăng dẫn lối cho con tàu công ty trên đường phát triển. Người chủ doanh nghiệp chỉ cần đầu tư suy nghĩ, triển khai thành những cam kết với nhân viên và quyết tâm thực hiện.

Bà Lệ cũng lưu ý, tháp công ty càng phát triển thì khả năng truyền thông trong nội bộ càng yếu, vì vậy cần có phương pháp để mọi nhân viên từ cấp cao đến cấp thấp nhất đều nắm được tầm nhìn và sứ mạng của công ty. Một đại diện của Mentos chia sẻ cách làm của công ty mình là sử dụng bản tin nội bộ, các hội nghị, hội trại và đặc biệt là chương trình đào tạo nhận thức cho nhân viên mới.

Theo ông Trung, tầm nhìn có thể là những gì rất thiết thực, ví dụ như mười năm nữa, mọi nhân viên đều có nhà riêng và xe con. Và dù là mục tiêu nào, người lãnh đạo cũng phải đưa ra những cam kết rất cụ thể với nhân viên như: bảo đảm có lương tháng 13, chắc chắn có những khoản thưởng, lương sẽ tăng 20% vào năm tới… Và cả ban giám đốc cùng nhân viên phải chạy đua cho những cam kết này.

Về chính sách lương bổng và phúc lợi, bà Khanh giải thích, doanh nghiệp không cần phải chạy đua với các công ty trả lương cao gấp 5-10 lần, vấn đề là phù hợp với mô hình công ty và cam kết thực hiện đúng như những gì đã đề ra.

Nguồn BMG