Thị trường chuyển phát nhanh: Nhanh tay, nhanh chân, nhanh mắt
Lần lượt nhảy vào thị trường Việt Nam theo hình thức hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong nước nhưng nhờ tiềm lực tài chính mạnh nên bốn tên tuổi lớn gồm DHL (Đức), TNT (Hà Lan), FedEx và UPS (Mỹ) đã nhanh chóng chiếm lĩnh mảng dịch vụ chuyển phát nhanh tại thị trường Việt Nam. Sau khi không còn các đối thủ nội địa, các DN nước ngoài này chuyển sang giai đoạn chiếm lĩnh thị phần và tính đến phương án tách khỏi mô hình liên doanh để trở thành những DN 100% vốn nước ngoài.
Nhanh ăn người
Trong một thời gian ngắn, những tập đoàn nước ngoài DHL, TNT, FedEx và UPS đã định hình được bản đồ thị trường chuyển vận tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện nay, DHL Express vẫn là DN dẫn đầu với hơn 40% thị phần. Ông Jerry Hsu, Giám đốc Điều hành DHL Express khu vực châu Á- Thái Bình Dương, tự tin cho biết:
"Trong 7, 8 năm qua, DHL đã đầu tư vào thị trường Việt Nam 25 triệu USD. Nhờ vậy, đến thời điểm này, dù có rất nhiều DN phát chuyển nhanh cùng tham gia thị trường nhưng DHL tự tin vẫn là đơn vị dẫn đầu, có lượng khách trung thành đông đảo".
Lợi thế trên hết mà DHL có được, theo chia sẻ của ông Jerry, là DHL gia nhập thị trường vào đúng thời điểm Việt Nam mở cửa năm 1988 và liên doanh với VNPT vào năm 2007, trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Chính VNPT là cửa ngõ đầu tiên để DHL Express tiến sâu vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù năm 2012 là năm có nhiều khó khăn nhưng vẫn là năm tài chính dương của DHL với mức tăng trưởng hai con số. Đặc biệt là dịch vụ mới VNQuickpost do DHL phối hợp với VietnamPost đã mở rộng được tới 34 tỉnh, thành và phát triển rất khả quan, tỷ lệ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước từ 20-30%.
Đến Việt Nam vào năm 1994, UPS cũng nhanh chóng tìm được liên doanh với Công ty CP Chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam (VNPost Express) để thành lập Công ty CP UPS Việt Nam, với vốn góp 51% của UPS và 49% của VNPost Express.
Trong năm 2012, khối lượng hàng hóa vận chuyển của UPS tại thị trường Việt Nam đã tăng hơn 20%, như chia sẻ của đại diện UPS: "Do ngay từ đầu, chiến lược của UPS là tập trung đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, cơ sở hạ tầng tại các trung tâm thương mại và công nghiệp trọng điểm như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh và các trung tâm mới này được đặt tại những vị trí chiến lược trong khu vực kinh doanh chính, nơi có nhu cầu cao đối với các dịch vụ logistics nên UPS có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển vào những năm sau.
Trong 2 năm qua, UPS cũng tạo được ưu thế cạnh tranh khi đầu tư dịch vụ Preferred LCL Ocean Freight, nhanh hơn 40% so với dịch vụ LCL (dịch vụ vận chuyển hàng lẻ bằng container) truyền thống từ cảng TP.HCM tới Mỹ. Năm 2012, các giải pháp theo dõi và chuyển phát tăng cường như Internet Pickup và UPS Quantum View Manage cũng được cung cấp tại Việt Nam trên website UPS.com.
Cùng thời điểm năm 1994, FedEx Express cũng có mặt tại Việt Nam thông qua việc bắt tay với một công ty chuyển phát nhanh tư nhân. Hiện tại, Fedex đang đứng thứ hai ở Việt Nam về cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, với thị phần khoảng 35%.
Xác định việc mở rộng dịch vụ tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh nên FedEx đã đưa máy bay Airbus A310 vào vận hành dịch vụ phát chuyển nhanh tại Việt Nam.
Với ưu thế này, năng suất nhận chuyển và phát của FedEx đã tăng gấp 5 lần so với trước đây, tương đương với 30 tấn/ngày. Thời gian vận chuyển từ Hà Nội cũng được rút ngắn 1 ngày so với trước.
Tuy chậm chân hơn Fedex một năm, nhưng TNT cũng nhanh chóng tìm được liên doanh với Vietrans với tên gọi TNT-Vietrans và đã đầu tư là 7 triệu Euro trong 4 năm.
TNT cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh khẩn cấp TNT ở 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông và Nhật Bản... thông qua việc chọn chuyến bay sẵn có sớm nhất để vận chuyển các chuyến hàng khẩn cấp từ Việt Nam đến bất kỳ thành phố chính nào ở Đông Nam Á chỉ trong vòng 6-16 giờ (bằng 1/4 thời gian vận chuyển thông thường) và dịch vụ này đã trở thành dịch vụ chủ lực mang lại lợi thế cho TNT tại Việt Nam.
Chậm người ăn
Một số DN chuyển phát nhanh có tên tuổi trong nước như Hợp Nhất, ViettelPost và VNPost... vẫn trụ được trong thị phần nội địa với mảng dịch vụ chuyển phát nhanh tài liệu, hàng hóa, bưu kiện có khối lượng nhỏ. Tuy nhiên, lợi thế này đang bị đe dọa trước sự mở rộng của các tập đoàn nước ngoài.
Theo ông Lương Ngọc Hải, Tổng giám đốc ViettelPost, trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013, mặc dù một số DN nước ngoài tìm hiểu thị trường chuyển phát nhanh nhưng mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa chưa có nhiều biến động.
Tuy nhiên, khi các hãng chuyển phát nhanh toàn cầu hướng sự quan tâm, tìm cách thâm nhập vào mảng dịch vụ chuyển phát nội địa thì chắc chắn các DN trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, sức ép cạnh tranh sẽ vô cùng lớn.
Lãnh đạo 2 DN lớn trong ngành là VietnamPost, ViettelPost đều nhận định, dù lợi nhuận của các dịch vụ chuyển phát quốc tế cao hơn nhiều so với dịch vụ nội địa song sự tham gia của các DN nội vào chuyển phát quốc tế vẫn hạn chế.
Một khó khăn lớn của DN bưu chính trong nước là việc kết nối ra quốc tế phụ thuộc rất lớn vào 4 nhà khai thác bưu chính có mạng lưới toàn cầu gồm TNT, UPS, DHL và FedEx.
Ông Hải cũng cho biết, đã có một số tập đoàn nước ngoài muốn hợp tác với ViettelPost nhưng chưa đi đến thỏa thuận vì ViettelPost đang muốn giữ quyền chi phối. Đòi hỏi của ViettelPost hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay tại thị trường trong nước, ViettelPost đang có những đầu tư chiều sâu để tạo đà phát triển bền vững và đã đạt được kết quả khả quan.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013, dù kinh tế rất khó khăn, nhưng doanh thu dịch vụ lõi là chuyển phát nhanh của Viettel vẫn tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện mạng lưới dịch vụ của Viettel Post đã có mặt tại 98% các huyện (trừ huyện đảo), 85% các xã trên cả nước.
Đối với thị trường nước ngoài, vào năm 2009, Viettel Post đã mở rộng mạng lưới kinh doanh dịch vụ sang Campuchia và trở thành doanh nghiệp bưu chính đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hiện mạng lưới của Viettel Post đã có mặt trên 23/23 tỉnh, thành phố của Campuchia.
"Dù tại các thị trường nước ngoài, Viettel Post sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ lớn như DHL và Fedex, nhưng chúng tôi sẽ có cách đi của riêng mình. Nếu như các công ty này thường triển khai các dịch vụ qua trung gian tại nước ngoài, thì chúng tôi sẽ đầu tư trực tiếp. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các dự án đầu tư và các chương trình xã hội của Tập đoàn Viettel tại nước ngoài", ông Hải cho biết.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011. Trong đó, riêng điện thoại di động và linh kiện, mặt hàng thường được xuất khẩu bằng đường hàng không, đã đạt kim ngạch 12,7 tỷ USD.
Mới đây, đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành (TTC Express) cũng đã thông qua phương án chuyển nhượng 70% cổ phần của các cổ đông lớn cho 3 nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH MTV Dịch vụ Gia Lý, Công ty KLN (Singapore) PTE.,LTD và Công ty CP Kerry Intergrated Logistics (Hồng Kông).
Tín Thành đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để hợp thức hóa chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông lớn cho những nhà đầu tư chiến lược này. Như vậy, sau 13 năm hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, Tín Thành đã có thương hiệu mới là Kerry TTC Express, chính thức trở thành một trong những DN chuyển phát có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù dư luận tiếc cho Tín Thành vì bị các cổ đông nước ngoài nắm giữ 70% cổ phần và nắm quyền chi phối, nhưng Ban lãnh đạo công ty này vẫn cho rằng, khi hợp tác với đối tác nước ngoài, Tín Thành tăng năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định và quan trọng nhất là học tập được kinh nghiệm và cách làm của họ nhằm mục đích đưa DN trở thành nhà khai thác bưu chính, chuyển phát chuyên nghiệp, đội ngũ gần 2.000 nhân viên Công ty sẽ có được phong cách làm chuyên nghiệp, bài bản.
Trước đó, VietnamPost cũng đã tách ra hoạt động độc lập với viễn thông và đã tự thân vận động để tìm đường đi riêng, giữ chân khách hàng hiện có, đồng thời gia tăng thêm khách hàng mới. Đến năm 2011 VietnamPost đã đạt được lợi nhuận 32,5 tỷ đồng, trong khi năm 2010 lỗ gần 350 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc Vietnam Post chọn hợp tác với DHL Express trong dịch vụ chuyển phát nhanh VNQuickpost nhằm kết hợp lợi thế về hệ thống giao dịch rộng khắp của Vietnam Post và chất lượng mạng chuyển phát phủ rộng toàn cầu của DHL Express đã giúp hai bên mở rộng tiếp cận đến phân khúc khách hàng tầm trung với giá cước ở khoảng giữa của dịch vụ chuyển phát nhanh EMS của Vietnam Post và dịch vụ chuyển phát quốc tế của DHL Express.
Trên cơ sở đó, sẽ có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 14%, lợi nhuận tăng trung bình 52% và năng suất lao động tăng 16%/năm.
UPS "động thủ"
UPS mua lại 49% cổ phần của VNPost Express và trở thành hãng chuyển phát nhanh đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, mở đầu cho những kế hoạch tách khỏi các liên doanh hiện hữu của các hãng chuyển phát nhanh khác.
Cuối năm 2012, UPS đã đưa ra kế hoạch tiếp tục tổ chức lại mạng lưới chuyển phát đường không, đường bộ và giảm hơn 10% mạng lưới vận chuyển hàng không quốc tế, đồng thời UPS cũng thỏa thuận mua lại TNT Express với giá khoảng 6,77 tỷ USD.
Theo tính toán của UPS, việc mua bán này sẽ làm cho UPS trở thành một "hãng đứng đầu toàn cầu trong ngành giao nhận" với doanh thu hằng năm hơn 60 tỷ USD, giúp UPS có vị trí tốt hơn trên các thị trường đang nổi tại châu Á, Trung Đông và châu Âu, mở rộng mạng lưới vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong nội bộ châu Âu.
Kế hoạch này cũng sẽ mở rộng hoạt động của UPS ở châu Á và Mỹ Latin, đặc biệt là ở Trung Quốc và Brazil, mặc dù hoạt động của TNT Express ở các quốc gia này đang bị thua lỗ.
Theo phân tích của TNL Global, thị phần của cả TNT (6%) và UPS (10%) tại châu Á đều tương đối nhỏ bé so với DHL (36%) và FedEx (21%). Vì vậy, sau khi mua bán thành công, thị phần của 2 hãng này gộp lại sẽ đạt 16%, cho phép UPS cạnh tranh hiệu quả hơn khi đương nhiên trở thành đối thủ lớn thứ ba trong khu vực.
Theo dữ liệu từ Financial Times, UPS sau khi thôn tính TNT Express sẽ trở thành hãng giao nhận lớn nhất châu Âu, DHL xuống vị trí thứ hai với số phần trăm thị phần sát nút (39% và 36%). FedEx có khoảng 10% thị phần và những đối thủ khác (phần lớn là bưu chính các nước có dịch vụ giao nhận trong EU) chiếm 14% còn lại.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo tiết lộ của UPS là "thỏa thuận chưa thành", nên đầu năm 2013, UPS đã quyết định mua lại 49% cổ phần của VNPost Express và trở thành hãng chuyển phát toàn cầu đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo ông Jeff McLean, Tổng giám đốc Công ty UPS Việt Nam, sau khi nắm toàn bộ quyền sở hữu tại UPS Việt Nam, UPS có thể linh hoạt hơn khi mở rộng hoạt động và tăng cường hợp tác với các DN Việt Nam.
Trước động thái này của đối thủ, DHL Express cũng đầu tư hàng loạt hạng mục, cụ thể tăng thêm 5 chuyến bay từ Hồng Kông đến TP.HCM. Theo ông Christopher Ong, Giám đốc Điều hành Liên doanh DHL - VNPT: "DHL hiện là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất có thể cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cho Vũng Tàu và Đồng Nai nhờ việc mở rộng thêm các chuyến bay từ trạm chung chuyển Hồng Kông mới mở này".
Tiếp theo đó, DHL đã mở chương trình Go Green, nâng số lượng xe tải nhỏ vận tải nội địa thêm 25 xe, tăng năng lực vận tải thêm 37% và tiết kiệm nhiên liệu được 15%, cải thiện được dung lượng chở hàng và sử dụng hiệu quả nhiên liệu, đồng thời khai trương trạm trung chuyển Đà Nẵng với diện tích mở rộng gấp đôi, lên 650.000m2, đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo đảm tài sản vận chuyển Thế giới (TAPA).
Ông Christopher Ong cho biết thêm, chu chuyển thương mại Việt Nam với thế giới đang tăng nhanh với mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 33% và nhập khẩu hơn 25%, buộc DHL luôn linh hoạt và làm mới để cung ứng giải pháp vận chuyển kịp thời. Chẳng hạn, DHL đã thuê hẳn một chiếc chuyên cơ Boeing 737 cho việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nơi khác và ngược lại.
Bên cạnh đó, nhắm vào các phân khúc hàng hoá đặc thù như dược phẩm, các sản phẩm công nghệ cao, DHL không ngừng tung ra các giải pháp tiếp cận khối DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Song, một chiến lược hoàn toàn khác của DHL với UPS là dù thời điểm hiện nay DN chyển phát nhanh được phép hoạt động độc lập 100% vốn nước ngoài, nhưng DHL tuyên bố sẽ không "tách riêng" khỏi liên doanh với VNPT vì cho rằng, liên doanh này vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh cho cả đôi bên.
Phía Fedex, ông Nguyễn Duy Bình, Tổng giám đốc FedEx Vietnam, cho biết:
"Quan tâm đến nhu cầu của khách hàng và phục vụ một cách tốt nhất, đó là cách chúng tôi duy trì sức mạnh cạnh tranh. Ngoài ra, tầm nhìn dài hạn cũng có ảnh hưởng lớn tới vấn đề cạnh tranh. Đơn cử, với đặc thù kinh doanh sử dụng nhiều nhiên liệu trong bối cảnh giá xăng dầu cao hiện nay, khi nhìn về dài hạn, phải làm sao vừa tăng được năng suất, vừa giảm được chi phí, trong đó có chi phí nhiên liệu. Chính từ tầm nhìn đó, FedEx quyết định đầu tư máy bay lớn hơn, có thể chở hàng nhiều hơn, xa hơn và tiết kiệm năng lượng tốt hơn như Boeing 777".
Mặc dù vậy, theo nhiều phân tích cho thấy, việc UPS Việt Nam trở thành DN chuyển phát 100% vốn nước ngoài đầu tiên được ví như dấu hiệu mở đầu cho các thương vụ thể hiện sự thâm nhập sâu hơn của các DN bưu chính lớn trên thế giới vào thị trường Việt Nam.
Dự báo, nhiều khả năng thời gian tới các hãng chuyển phát nhanh toàn cầu DHL, UPS và TNT sẽ tính đến phương án tách khỏi mô hình liên doanh để trở thành những DN 100% vốn nước ngoài.