Bibica trước giờ G
Bibica vẫn đang phát triển bình thường nhưng tốc độ chưa được như mong muốn”, ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Bibica, mở lời một cách chậm rãi khi tiếp chúng tôi tại văn phòng Công ty. Khuôn mặt của người đàn ông đã 25 năm gắn bó với Bibica không giấu được vẻ mệt mỏi. Ông cho biết sau khi giảm 7% vào năm ngoái, doanh thu của Bibica năm nay có khá hơn nhưng nhiều khả năng cũng chỉ tăng khiêm tốn ở mức 5%, mặc dù kế hoạch đặt ra là 15%.
Với một công ty đang ở tuổi dậy thì như Bibica, việc tăng trưởng với tốc độ chậm như thế không phải là điềm lành cho tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường bánh kẹo Việt Nam vào năm 2018 (với mục tiêu 3.000 tỉ đồng doanh thu, tức gấp 3 lần hiện nay).
Bước ngoặt không ngờ
Xuất phát điểm là một phân xưởng bánh kẹo của nhà máy Đường Biên Hòa, đến năm 1999, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa với vốn điều lệ 25 tỉ đồng đã ra đời. Dòng sản phẩm chính khi đó của Công ty chủ yếu là bánh kẹo, mạch nha và rượu.
Từ năm 2000-2007, Bibica đã tăng trưởng rất tốt. Hệ thống phân phối được mở rộng ra khắp cả nước. Nhiều sản phẩm lần lượt ra đời và tìm được chỗ đứng trên thị trường như bánh snack, bánh trung thu, bánh cookies, bánh bông lan kem, sô-cô-la, bánh mì tươi, thực phẩm dinh dưỡng. Công ty cũng lấn sang phân khúc đồ uống với việc cho ra mắt bột ngũ cốc nhãn hiệu Netsure vào năm 2005.
Tốc độ gia tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Bibica giai đoạn 2004-2007 lần lượt là 29%/năm và 55%/năm. Công ty cũng nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên 107,7 tỉ đồng vào tháng 9.2007 và đổi tên thành Công ty Cổ phần Bibica.
Cuộc đời của Bibica đã rẽ sang hướng khác khi Công ty kết hôn với tập đoàn bánh kẹo Hàn Quốc Lotte Confectionery (gọi tắt là Lotte) vào tháng 10.2007 bằng việc chuyển nhượng 30% cổ phần Bibica cho đối tác này. Các lãnh đạo của Bibica hy vọng sẽ được thụ hưởng từ đối tác Lotte sức mạnh công nghệ, kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển, được hỗ trợ về sản xuất, quản lý, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường, không những tại Việt Nam mà cả ở nước ngoài.
Đại hội cổ đông năm 2008 đã thể hiện sự kỳ vọng lớn này của Bibica vào Lotte. Năm đó, Đại hội đã bầu ông Dong Jin Part làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bibica và năm sau được thay bằng ông Jung Woo Lee. Đến nay, đối tác Hàn Quốc vẫn giữ 2 trong tổng số 5 ghế trong Hội đồng Quản trị Bibica.
Đứa con quan trọng đầu tiên trong cuộc hôn nhân này là dây chuyền sản xuất bánh Chocopie cao cấp với nhãn hiệu Lotte Pie tại nhà máy Bibica miền Đông, với công nghệ sản xuất của Lotte Hàn Quốc. Dây chuyền có tổng giá trị đầu tư lên tới 220 tỉ đồng và được đưa vào vận hành vào tháng 2.2010.
Thế nhưng, kết quả lại không tương xứng với những gì mong đợi. Công nghệ sản xuất của Lotte có thể phù hợp với Hàn Quốc nhưng khi mang sang Việt Nam với điều kiện môi trường khác hẳn đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, theo ông Chiến, sản phẩm này không thành công vì không tạo được sự khác biệt với sản phẩm Chocopie trước đó của Orient (Hàn Quốc) vốn đã rất nổi tiếng trên thị trường.
Đã vậy, một cơn hỏa hoạn xảy ra vào tháng 5.2011 khiến cho dây chuyền phải tạm ngừng hoạt động, buộc Bibica phải nhập sản phẩm Lotte Pie từ Lotte Hàn Quốc để bán ra thị trường. Trớ trêu là giá nhập lại cao hơn giá bán khiến Bibica bị tổn thất. Tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2012 giảm đến 20% và góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động chung của Công ty trong bối cảnh sức mua nội địa tiếp tục yếu kém. Lợi nhuận sau thuế toàn công ty năm 2012 đã tụt giảm đến 44% so với năm trước.
Hiện nay, dây chuyền Lotte Pie đã hoạt động trở lại nhưng chỉ được 20% so với công suất thiết kế. Đầu tư hàng trăm tỉ đồng mà kết quả như vậy thực sự là nỗi thất vọng lớn đối với lãnh đạo cũng như cổ đông Bibica.
Không chỉ khó khăn về sản phẩm tiêu thụ, Công ty còn chịu sức ép từ các khoản đầu tư lớn khác. Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư năm 2012 là 236 tỉ đồng; trong đó, riêng nhà máy sản xuất tại Hưng Yên đã chiếm đến 208 tỉ đồng. Ông Chiến cho biết dự án này đang phải tạm dừng vì những vấn đề nội bộ cho dù Bibica đã trả chi phí thuê đất 5 năm nay.
Nhìn lại giai đoạn hợp tác với Lotte từ cuối năm 2007 đến năm 2012, kết quả kinh doanh không thực sự lạc quan. Dù doanh thu năm 2012 tăng gấp 2 lần so với năm 2007 nhưng lợi nhuận lại gần như không đổi. Chỉ số ROA (lợi nhuận/tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn) sau khi được cải thiện vào năm 2009 cũng đã giảm nhanh trong những năm sau đó.
Cạnh tranh trên thị trường bánh kẹo Việt Nam vẫn đang khốc liệt. Có đến khoảng 25% thị trường nội địa đang rơi vào tay đối thủ nước ngoài. Trong cuộc chơi này, các công ty trong nước như Bibica đang lựa chọn cho mình phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình với giá sản phẩm thấp hơn so với các công ty nước ngoài để có thể nhanh chóng chiếm được thị phần lớn. Nhờ đó, thị phần của Bibica, nếu tính toàn bộ thị trường bánh kẹo, đã tăng lên từ mức 8% năm 2008 lên khoảng 18% vào năm 2012, bằng phân nửa của Kinh Đô.
Tuy vậy, nếu đi sâu vào một số phân khúc khác ngoài thị trường bánh thì Bibica đang bị hụt hơi. Trên thị trường bánh kẹo có đường (chủ yếu là các sản phẩm kẹo ngọt và gum), chẳng hạn, Bibica vẫn đứng thứ ba về thị phần, sau Perfetti Van Melle và Hải Hà. Một đối thủ khác có liên quan trực tiếp đến Bibica là Lotte Vietnam (công ty 100% vốn của Tập đoàn Lotte) cũng tăng trưởng nhanh chóng tại phân khúc này, nhờ vào hệ thống phân phối được mở rộng hơn, đặc biệt là thông qua các kênh siêu thị hiện đại.
Rõ ràng, dù vẫn là một tên tuổi lớn trong ngành bánh kẹo Việt Nam nhưng để đạt được tham vọng dẫn dầu thị trường trong 5 năm tới, Bibica cần phải bứt phá mạnh mẽ hơn. “Để tăng trưởng tốt, điều quan trọng nhất là Hội đồng Quản trị phải đạt được sự đồng thuận, có cùng chung định hướng. Ban điều hành sẽ khó triển khai công việc kinh doanh nếu Hội đồng Quản trị không đồng thuận”, ông Chiến nói.
Nhưng sự đồng thuận này có vẻ không dễ gì đạt được trong bối cảnh 3 tay chơi lớn nhất là cổ đông nội Bibica (đại diện là ông Chiến), SSI và Lotte đang có quan điểm trái ngược nhau đối với những vấn đề nổi cộm của Bibica. Tất cả những mâu thuẫn này dự báo sẽ khiến cho bầu không khí Đại hội cổ đông Bibica vào ngày 28.10.2013 nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Cuộc hôn nhân thất bại
Kể từ khi Lotte đặt chân vào Bibica, kết quả kinh doanh của Bibica đã không được như mong đợi. Điều này xuất phát từ những nội dung hợp tác mang tính nguyên tắc giữa hai bên nhưng khi thực hiện lại đi theo những chủ đích riêng, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Bibica. Ví dụ, về mặt hợp tác xuất khẩu, Lotte cho biết sẽ hỗ trợ Bibica xuất khẩu nhưng trong điều khoản hợp tác lại không đặt tiêu chí về doanh số, về giá… Khi triển khai trên thực tế lại có những chính sách riêng gây hại cho Bibica như trường hợp của nhãn hàng Lotte Pie.
Kể từ khi Lotte đặt chân vào Bibica, kết quả kinh doanh của Bibica đã không được như mong đợi. Điều này xuất phát từ những nội dung hợp tác mang tính nguyên tắc giữa hai bên nhưng khi thực hiện lại đi theo những chủ đích riêng, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Bibica.
Trong việc phát triển thị trường xuất khẩu mới, ông Chiến cho biết Lotte cũng không được hỗ trợ gì nhiều. Chẳng hạn, doanh số xuất khẩu hằng năm khoảng 60-80 tỉ đồng hầu như là do Bibica tự làm. “Lotte cũng không sẵn lòng đưa sản phẩm của Bibica vào hệ thống phân phối của mình. Lotte cũng có một công ty con tại Việt Nam và dường như đã ưu tiên nguồn lực để phát triển công ty con này”, Ông Chiến nhận xét.
Trả lời NCĐT, Lotte cho rằng họ đã đưa các sản phẩm của Bibica vào hệ thống siêu thị Lotte Mart và các siêu thị có liên quan. Các sản phẩm của Bibica đều được hỗ trợ miễn phí để trưng bày ở các vị trí tốt nhất, thay vì phải trả chi phí cao như các sản phẩm bánh kẹo khác. Lotte cũng đã đưa sản phẩm Bibica ra thị trường quốc tế. “Tuy nhiên, việc này chưa mang lại thành quả lớn. Nếu Bibica cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như tăng được tính cạnh tranh về giá thì chắc chắn sẽ đem lại thành công lớn hơn”, Lotte nói.
Mâu thuẫn xung quanh việc Lotte có ý định biến Bibica thành công ty con hay không cũng là một nội dung cần làm rõ tại Đại hội cổ đông lần này. Trong buổi họp báo gần đây, Lotte cho biết không hề có ý định thay đổi tên hay thôn tính thương hiệu Bibica và luôn coi việc đầu tư vào Bibica là đầu tư chiến lược với mục tiêu phát triển Công ty. “Việc tăng cổ phần tại Bibica lên 38,6% nhằm thể hiện cam kết lâu dài của Lotte với Bibica nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung”, Lotte nói trước báo giới.
Tuy vậy, động thái gia tăng thành công tỉ lệ sở hữu lên 43,1% mới đây cho thấy tham vọng của Lotte có lẽ không dừng lại ở việc đầu tư chiến lược. Trước đây, Lotte từng yêu cầu Bibica thiết lập chung một hệ thống quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP). Theo đó, thông tin quản lý của Bibica sẽ được chuyển hết về máy chủ của Lotte bên Hàn Quốc, tức tất cả thông tin về Bibica sẽ được Lotte kiểm soát. Đó là điều ông Chiến không hề muốn.
Rất may, các cổ đông nội Bibica đang được sự hậu thuẫn của tay chơi thứ ba là SSI khi ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, xác nhận với NCĐT rằng nhóm cổ đông liên quan đến SSI (hiện nắm gần 35% cổ phần) vẫn sẽ ủng hộ cổ đông nội Bibica và chống lại việc thâu tóm, nếu có, của Lotte.
Lotte sẽ rút khỏi Bibica?
Sau những rắc rối nói trên, vấn đề quyền lực của Lotte tại Bibica đã được đặt ra. Lotte cho rằng cổ đông nội ngồi ghế thành viên Hội đồng Quản trị đến 2 nhiệm kỳ là không đúng luật. Vấn đề này có vẻ đang trở nên nghiêm trọng khi trong buổi họp báo, Lotte cho biết có thể sẽ nhờ pháp luật can thiệp. Nếu kết quả chưa thỏa mãn, họ sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Bibica.
Lotte cũng cho rằng kể từ năm 2009 đến nay, các thành viên Hội đồng Quản trị người Hàn Quốc đều không tham gia trực tiếp vào việc điều hành Công ty và những quyết định chủ chốt. Về vấn đề này, ông Chiến từ chối bình luận vì cho rằng đây là phát biểu của người không có đủ thẩm quyền (phát biểu của ông Seok Hoon Yang, Giám đốc Tài chính của Bibica). “Nhưng nếu là phát biểu với tư cách thành viên Hội đồng Quản trị, người đó phải xem lại vì vị trí và vai trò của thành viên Hội đồng Quản trị không hề nhỏ”, ông Chiến nói.
Điều 115 Luật Doanh nghiệp Việt Nam quy định thành viên Hội đồng Quản trị sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm nếu không tham gia các hoạt động của Hội đồng Quản trị trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
Một vấn đề quan trọng khác mà Lotte đề cập đến là quy chế bầu cử Hội đồng Quản trị hiện tại không theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Theo Lotte, phải bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. “Cách làm hiện nay chỉ bầu nội bộ và bầu lại hoặc bầu mới 1-2 thành viên mỗi năm là hành vi làm mất quyền đề cử cơ bản được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Điều này đã giới hạn quyền, cơ hội tham gia vào Hội đồng Quản trị của các cổ đông nhỏ lẻ”, Lotte nói.
Trên thực tế, ông Chiến cho biết quy chế bầu cử hiện tại đã được đưa vào Điều lệ Công ty từ năm 2005 và hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hơn nữa, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi văn bản cho Bibica khẳng định rằng cơ chế bầu cử là do Đại hội cổ đông quyết định và nếu Lotte muốn thay đổi quy chế này, cần thuyết phục được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số cổ phiếu biểu quyết chấp nhận. Đây cũng là quan điểm của luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính, khi cho rằng quy chế bầu cử cần được Đại hội cổ đông thông qua.
Ngoài ra, theo điều lệ bầu cử của Bibica, năm 2013 này sẽ đến lượt 2 vị trí trong Hội đồng Quản trị Bibica mà Lotte đang giữ được bầu lại. Việc Lotte lo âu bị mất quyền lực là điều dễ hiểu, đặc biệt khi quá trình hợp tác với Bibica không mấy suôn sẻ. “Hiện nay, Lotte nghĩ chỉ có bầu lại và không có bầu mới. Thực chất là Bibica thay đổi vị trí thành viên Hội đồng Quản trị rất nhiều. Ngoài ra, việc có duy trì được chiếc ghế Hội đồng Quản trị hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng thuyết phục các cổ đông khác, dù là cổ đông lớn”, ông Chiến giải thích.
Xem ra có quá nhiều mục đích riêng khó mà dung hòa được giữa các bên liên quan trong cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Bibica. Hậu quả tệ hại nhất có thể thấy là tiềm năng tăng trưởng của một trong những công ty bánh kẹo lớn nhất Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.