Google đã từ bỏ thương hiệu Nexus?
Kể cả sau khi hội nghị Google I/O 2013 đã kết thúc, tin đồn về về những sản phẩm “thuần Android” vẫn không ngừng xuất hiện. Giờ đây chúng ta không dùng cụm “thuần Android” chỉ để nói về các thiết bị Nexus nữa, mà đã bao gồm cả smartphone của Samsung và có thể là cả HTC nữa. Hơn nữa với việc thương hiệu Nexus gần như vắng mặt hoàn toàn tại sự kiện I/O, liệu có phải nó đã bị Google bỏ rơi?
Có rất nhiều tin đồn và dự đoán gần đây cho rằng HTC sẽ đưa ra một phiên bản đặc biệt của chiếc HTC One, có tên “Google Edition” và đem lại “trải nghiệm Nexus” cho khách hàng. HTC One là một sản phẩm đáng chú ý bởi những gì nó làm được. Mặc dù vẫn còn một vài lỗi nho nhỏ, Sense 5.0 và BlinkFeed hoạt động rất tuyệt vời. Chưa có một smartphone nào sở hữu thiết kế loa ngoài ấn tượng như vậy, và kể cả khi bộ phận marketing của HTC đã hơi quá khi nói về camera UltraPixel, One vẫn là một thiết bị chụp ảnh đẹp. Các điểm yếu còn lại cũng tương đối nhỏ, như không có khe cắm thẻ nhớ.
Trong khi đó LG cũng là tâm điểm của những dự đoán xung quanh việc nhà sản xuất nào sẽ chịu trách nhiệm gia công thiết bị Nexus tiếp theo của Google. Với việc LG ngầm phủ định sẽ tiếp tục hợp tác với Google, một lần nữa câu hỏi này lại bị bỏ ngỏ.
Buổi ra mắt Samsung Galaxy S4 với “trải nghiệm Nexus” rất được đón nhận tại hội nghị Google I/O dành cho các nhà phát triển. Với cấu hình siêu khủng của mình, chắc chắn việc xử lý phiên bản Android gốc chẳng đáng nhằm nhò gì với Galaxy S4. Ngoài màn hình lớn và camera tốt hơn, cộng với kết nối LTE, liệu Google có tiếp tục theo đuổi mẫu máy này trong tương lai để cung cấp “trải nghiệm Android nguyên gốc”?
Theo phân tích của trang công nghệ PhoneArena, điều này là hoàn toàn có thể và chúng ta có lý do để bàn luận về nó. Đầu tiên, mặc dù Google và LG đã đạt được một số thành công nhất định với Nexus 4, vẫn có những vấn đề đã ảnh hưởng đến doanh số của thiết bị này. Vào thời điểm khi vừa mới ra mắt, việc thiếu nguồn cung là vấn đề nghiêm trọng nhất và thường xuyên được bàn đến. Sau đó là hệ thống của Google không đủ để đáp ứng các truy cập của khách hàng. Các thế hệ trước trong dòng Nexus cũng đã gặp phải vấn đề tương tự. Xem xét những gì mà Google phải xử lý mỗi ngày, việc hệ thống Google Play không “tải nổi nhiệt” gây ngạc nhiên tương đối lớn.
">Có thể sẽ có người cho rằng Google nên tiếp nối thành công đạt được với Nexus 4, và lý do chính là sự thành công ấy. Tuy nhiên với nhu cầu quá lớn của khách hàng như vậy, có lẽ Google cũng nên có kế hoạch khác. Chúng ta có thể nhìn Google như là nạn nhân của sự thành công của chính mình khi bán máy “phá giá”.
Mặt khác, việc LG muốn rút khỏi chương trình Nexus cũng dễ hiểu. Samsung đã sử dụng Android để dựng nên một dòng sản phẩm đỉnh cao mà vẫn có người không nhận ra điều ấy. Dòng Nexus không phải là con đường sẽ đưa LG đến thành công tương tự – thứ mà LG muốn. LG cũng cần phát triển và duy trì hình ảnh của mình với những thiết bị mang dấu ấn của mình.
Việc Google đạt được thỏa thuận với Samsung, cho phép cài hệ điều hành Android gốc vào Galaxy S4 không có gì khó khăn. Hãng điện tử Hàn Quốc đã có dây chuyền sản xuất, cấu hình phần cứng không có gì thay đổi và một hệ điều hành nguyên bản đến mức hơi “thô sơ” – chắc chắn là dễ quản lý hơn so với phiên bản phần mềm của Samsung. Các đơn đặt hàng có thể được xử lý bởi Google hoặc Samsung bởi thiết bị này không khóa mạng và không hề có trợ giá. Khách hàng biết họ sẽ tận hưởng những gì và Galaxy S4 Google Edition cũng không đi kèm các ứng dụng của Samsung như S Health hay S Voice v.v. Đặc biệt đối với những người dùng đam mê công nghệ, thích vọc vạch, Galaxy S4 chạy Android nguyên bản chính là những gì họ luôn mong ước còn bởi cấu hình khủng, chất lượng lắp rắp khá.
Tất nhiên họ cũng sẽ phải chấp nhận sự vắng mặt của các ứng dụng Samsung, trong đó có cài đặt camera. Nói cách khác, mọi dấu hiệu về Galaxy S thế hệ mới nhất từ Samsung sẽ không còn. Ngoài ra, cái giá 650 USD cũng không hề dễ chịu đối với nhiều người. Tuy nhiên có lẽ những điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh số của Galaxy S4, với cả 2 phiên bản.
Dường như đây cũng là lý do khiến HTC muốn tham gia vào cuộc chơi bằng chiếc HTC One. Đây sẽ lại là một sự kết hợp hoàn hảo nữa giữa phần cứng “đỉnh” và phần mềm nguyên gốc của Google. Mặt khác, hình ảnh của HTC từ trước đến nay đã gắn liền với giao diện Sense (hay có tên TouchFlo từ thời Windows Mobile). Việc loại bỏ hình ảnh ảnh ấy đi trên chiếc HTC One về nhiều khía cạnh cũng không tạo ra được sự khác biệt nào so với đối thủ Galaxy S4 Google Edition.
Không nghi ngờ gì, mô hình hoạt động đã thay đổi khi Google không công bố bất cứ thiết bị Nexus nào hay thậm chí một phiên bản Android mới tại I/O năm nay. Sự ra mắt của Samsung Galaxy S4 Google Edition có thể là sự khởi đầu cho một mô hình hợp tác mới giữa Google và các nhà sản xuất trong việc đưa trải nghiệm Android nguyên gốc đến với người dùng. Hoặc có thể là một bước gây sự chú ý trong khi Android 5.0 đang được phát triển.
Nếu dòng Nexus biến mất, chưa chắc đó đã là một điều xấu. Các nhà sản xuất đang tạo ra những cỗ máy khá tuyệt và Google hoàn toàn có thể hợp tác với họ để nâng cao trải nghiệm Android thuần túy.