Sự sụp đổ của BlackBerry - Phần 7: Sa lầy
Research In Motion (RIM), hãng di động từng là kẻ tiên phong trong lĩnh vực wireless email, giờ đây đã không còn đứng trên đỉnh vinh quang trong thị trường điện thoại thông minh. Với Android, iOS, và thậm chí Windows Phone đang dần chiếm lĩnh thị phần, hãng di động có trụ sở tại Waterloo, Ontario đang dần chìm trong cuộc chiến để thích nghi. Năm vừa qua là một chặng đường đầy chông gai và cũng là một bước ngoặt với RIM - một tập đoàn từng được nhìn nhận là sáng tạo và luôn đổi mới. Nhưng đó cũng có thể là sự bắt đầu... cho đoạn kết của RIM.
"Research In Motion", giờ đã sắp thành "Research, no Motion".
Mục lục:
Phần 1: Waterloo run rẩy
Phần 2: Trầy trật trong ngoài
Phần 3: Ngày đầu dựng nghiệp
Phần 4: Trỗi dậy huy hoàng
Phần 5: Đỉnh cao
Phần 6: Đe doạ tiềm ẩn
Phần 7: Sa lầy
Phần 8: Tương lai mờ mịt
Phần 7: Sa lầy
Trên những phương diện khác, các vấn đề ở RIM còn sâu xa hơn cả một phần mềm lỗi thời. Mọi thứ đạt đến đỉnh điểm vào năm 2011, năm được biết đến như là năm của "Bức huyết thư".
Vào tháng 7, ngay trước khi RIM thông báo việc giảm thiểu nhân viên, trang web Boys Genius Report (BGR) - một trong những website công nghệ uy tín - công bố một bức thư gửi tới "lãnh đạo cấp cao của RIM." Trong bức thư, sự "chuyển mình"của công ty được miêu tả là "hỗn loạn" và lực lượng nhân viên cảm thấy "không có động lực" bởi sự thiếu sót trong lãnh đạo. Tác giả bức thư cũng miêu tả bản thân mình là một nhân viên trung thành với công ty và đang nói ra những sự thật khó nghe.
"Chúng tôi đã bỏ lỡ việc phản ứng lại trước sự đe doạ của iPhone khi sản phẩm này vừa ra mắt vào tháng Giêng 4 năm về trước," bức thư viết. "Chúng tôi đã cười và nói rằng họ đang cố gắng đưa cả chiếc máy tính vào một cái điện thoại, và điều đó không thể xảy ra. Chúng tôi đáng ra nên thực hiện việc chuyển tiếp giống như đang làm với QNX ngay từ lúc đó. Chúng tôi đã chậm chân tới 3 đến 4 năm. Đây là một sự thật khó có thể chấp nhận… nó là một sai sót mang tính chiến lược và chúng tôi biết ai là người phải chịu trách nhiệm."
Việc chậm chạp thay đổi đã khiến vị trí của RIM ngày càng bị đe doạ. Giờ đây công ty này vừa phải phát triển một hệ điều hành mới tên là BlackBerry 10, vừa phải duy trì phiên bản BlackBerry 7 cũ. Tất cả những fan của BlackBerry khi mua thiết bị mới sẽ phải lựa chọn giữa việc mua một sản phẩm đã lỗi thời hoặc đợi sự ra mắt chậm trễ của BB10. Đây là một tình huống phổ biến đến nỗi trường dạy kinh doanh còn có một cái tên cho nó: Hiệu ứng Osborne. Khi bạn công bố một sản phẩm mới, bạn có thể sẽ khiến khách hàng thích thú. Tuy nhiên nếu bạn để họ chờ đợi quá lâu cho việc mua sản phẩm mới, điều này có thể tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu. RIM hi vọng sẽ dùng BB7 như một sự thay thế tạm thời, tuy nhiên công này cũng cho rằng 80 đến 90 phần trăm người dùng tại Mỹ không sử dụng nó - không có nhiều lí do để mua điện thoại mới với một hệ điều hành đã chết, và những fan trung thành sẽ đợi đến ngày ra mắt của BB10.
Nếu khách hàng không cảm thấy hứng thú với việc mua một hệ điều hành đã chết thì cũng không ngạc nhiên khi các nhân viên không muốn làm việc với một thứ như vậy. Tuy nhiên theo như Maclean’s, công ty này chia nhỏ nhóm phát triển BB10 ra với hi vọng tạo nên một cảm giác liên kết và nồng nhiệt như ở một startup bên trong một công ty lớn hơn. Biện pháp tương tự đã thành công với các công ty khác, trong đó có Apple, tuy nhiên trong trường hợp này đây lại là một thảm hoạ có thể đoán trước được. Những người không làm việc với BB10 nhận ra rằng công việc của họ với legacy code (là loại source code cho các hệ điều hành không còn được sử dụng nữa) sẽ sớm trở nên lỗi thời. Điều này tạo ra một cuộc ganh đua giữa các nhân viên trong khi công ty đang cần một nỗ lực chung, dẫn đến việc đình công và suy đồi đạo đức.
Nếu khách hàng không cảm thấy hứng thú với việc mua một hệ điều hành đã chết thì cũng không ngạc nhiên khi các nhân viên không muốn làm việc với một thứ như vậy.
Alastair Sweeny, tác giả cuốn "BlackBerry Planet: The Story of Research In Motion and the Little Device that Took the World by Storm", cho rằng sự hỗn loạn tại RIM không phải là điều gì mới: việc nguồn nhân lực bỗng tăng lên gấp 4 lần kéo theo sự xuất hiện của quan liêu và hơi hướng chính trị, của sự trì trệ trong công việc. Sweeny miêu tả các nhân viên ở BlackBerry là “Ai cũng tỏ vẻ như đang làm việc chăm chỉ.” Ông cũng so sánh điều này với một công ty công nghệ danh tiếng khác: Microsoft, về tính quan liêu trong bộ máy tổ chức. RIM đã mất đi sự nhiệt huyết của một startup, nhưng lại không đủ khả năng để phát triển thành một công ty chín muồi. Một nhân viên giấu tên cho biết “Chúng tôi không còn là một công ty sáng tạo và nhiệt huyết, giờ đây chúng tôi chỉ vùi đầu vào công việc bàn giấy.”
Chúng tôi không còn là một công ty sáng tạo và nhiệt huyết, giờ đây chúng tôi chỉ vùi đầu vào công việc bàn giấy.
Một công ty đang trên đỉnh điểm của sự thành công có thể phải trải qua một chút trì trệ, nhưng điều này cũng khiến những nhân lực tài ba nhất ra đi. RIM không chỉ phải trải qua một cuộc di cư tập thể của các nhân viên mà còn gặp khó khăn trong việc tuyển người mới. Nếu như bạn là một kĩ sư có tài và nhiều triển vọng, chắc chắn rằng bạn sẽ chọn chuyển đến Thung lũng Silicon để làm việc cho Facebook hay Twitter thay vì ở lại Waterloo, Ontario. Việc cắt giảm nhân lực vào năm trước cũng chỉ để giảm số lượng nhân công chứ không phải để loại bỏ những thành phần trì trệ trong công ty. Bên cạnh đó, rất nhiều người giỏi chọn cách tìm một nơi làm việc khác – hoặc thậm chí bị buộc phải ra đi.
John Murai từng là một học sinh tại Đại học Waterloo và đã từng cân nhắc về chuyện làm việc tại RIM. Không phải với tư cách là một nhân viên mà là một lập trình viên. Đã từng có kinh nghiệm viết app cho iOS, anh nghĩ đến việc sẽ tiếp tục làm điều đó cho PlayBook. Tuy nhiên anh nhận ra việc này quá khó khăn và đã viết hẳn một bài viết trên blog của mình, "You Win, RIM! (An Open Letter To RIM's Developer Relations)" Bài viết trở nên lan truyền (viral) và có 33,000 lượt truy cập trong ngày đầu tiên. Không lâu sau đó, Tyler Lessard, khi đó là Phó giám đốc phụ trách mảng Quan hệ với Lập trình viên đã gặp Murai trong một buổi cà phê.
Hầu như tất cả những gì mà Murai viết, Lessard đều đã biết từ trước đó. Sự thất bại của RIM trong việc tạo ra một nền tảng đủ tốt cho các nhà phát triển đã khiến đội ngũ của Lessard phải đau đầu từ lâu. "Khi họ nhận được những bài báo chỉ trích từ bức thư của tôi," Murai nói, "bỗng nhiên sếp của họ nói rằng, 'Bây giờ các anh đã biết chỗ nào cần phải sửa rồi, giờ thì hãy đi sửa nó đi.' Dường như những gì tôi viết chính là chất kích thích để khiến mọi thứ thay đổi."
Sau này, thay vì làm việc tiếp với nền tảng PlayBook, Murai tự thành lập công ty riêng của mình tên là Maide và chuyển sang phát triển app cho iOS. Tyler Lessard rời khỏi RIM, tuy nhiên người quản lý mới của mảng Quan hệ với Lập trình viên, Alec Saunders lại nhìn thấy tương lai tươi sáng cho các developer. Ông nói với tờ The Verge rằng, "Lần đầu tiên, công ty của chúng tôi đã có một đội ngũ hỗ trợ." Nếu Saunders đang ám chỉ điều gì thì đó chính là việc giờ đây RIM đã hiểu rằng công ty này là một công ty về phần mềm cạnh tranh trực tiếp với Apple. Họ cũng đang nhắm tới các nhà phát triển Android bằng cách cung cấp một công cụ để chuyển app từ Android sang BlackBerry OS, kèm theo những chiếc PlayBook miễn phí. Saunders thường đưa ra các số liệu của RIM để miêu tả việc BB AppWorld đang phục vụ 6 triệu lượt tải về mỗi ngày, tạo ra doanh thu cho các nhà phát triển cao hơn 40% so với trên Android Market. Đã từng có thời RIM tập trung vào phát triển phần cứng, nhưng giờ đây việc xây dựng một hệ sinh thái cho phát triển app đồng nghĩa với việc tập trung mạnh hơn vào phần mềm. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự cần thiết phải thu hút thêm nhân lực để biến các nhà phát triển trở thành một đội ngũ hỗ trợ.
Tuy nhiên không dễ dàng để thuyết phục các lập trình viên trong khi đã có tới 2 nền tảng khác cho việc phát triển app đang cạnh tranh trực tiếp với RIM.
Tuy nhiên không dễ dàng để thuyết phục các lập trình viên trong khi đã có tới 2 nền tảng khác cho việc phát triển app đang cạnh tranh trực tiếp với RIM. Chỉ cần nhìn vào thị trường của RIM cũng như vị trí trong tâm trí các nhà phát triển, Saunders hiểu rằng mình còn nhiều việc phải làm. "Đúng, chúng tôi đang trải qua một sự lột xác, và tất cả các công ty khác, nhất là những các công ty phát triển nền tảng phần mềm đều sẽ phải trải qua chuyện này," Saunders nói, "Thử thách của tôi là khi bạn cầm một thiết bị BB10, tôi sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ không thốt lên 'Các app đâu hết rồi?'"
Một developer người Ai-len, Steven Troughton-Smith tham dự một buổi giới thiệu HĐH PlayBook 2.0 OS vào năm nay tại BlackBerry DevCon Europe. Anh đã rất ấn tượng về giao diện và mong muốn sớm được thấy các thiết bị BlackBerry mới chạy BB10. "Nếu họ có thể khiến mọi thứ giống hệt như những gì họ thể hiện trong buổi demo này," anh nói, "thì đây sẽ là một hệ điều hành đáng mong đợi. Và có thể với một chút may mắn, mọi người sẽ đua nhau nâng cấp thiết bị BlackBerry của họ; họ sẽ thấy các thiết bị này cũng đẹp và tuyệt vời như là iPhone hay điện thoại Android hoặc Window Phone." Anh cũng đã chuyển app từ Android sang PlayBook và nhận thấy rằng hệ thống framework cho developer rất tuyệt vời. "Nếu họ có thể tiếp tục tạo ra các sản phẩn chất lượng và nếu BlackBerry 10 thực sự được bán ra," anh nói, "Tôi không thấy bất cứ lí do nào để không phát triển app cho hệ điều hành này. Nếu nó thực sự tốt."
TIMELINE: SỰ TRÌ TRỆ CỦA HĐH BLACKBERRY 10
Tháng 4 năm 2010: RIM công bố sẽ mua lại QNX Software Systems từ tập đoàn Harmon International. Các bài báo chỉ viết về công ty sản xuất "một thiết bị được gắn trong xe hơi"; hoàn toàn không đề cập gì về hệ điều hành mới BlackBerry OS.
Tháng 8 năm 2010: Bloomberg báo cáo về việc một sản phẩm tablet BlackBerry mới sẽ bao gồm một hệ điều hành được phát triển dựa trên QNX, với hệ thống lập trình hoàn toàn mới, khác hẳn so với BlackBerry 6.
Tháng 12 năm 2010: RIM mua lại Swedish UI designers The Astonishing Tribe.
Tháng 5 năm 2011: Tại hội nghị BlackBerry World Conference hàng năm, RIM công bố BlackBerry 7. Hệ điều hành mới này không tương thích với các thiết bị cũ, cũng như không hoạt động được với PlayBook OS.
Tháng 8 năm 2011: Bloomberg đưa tin về việc chiếc điện thoại thế hệ mới sẽ hỗ trợ các app Android sau khi được tung ra vào đầu năm 2012. Nhiều tin đồn xoay quanh việc một thiết bị BlackBerry mới với tên gọi "Colt" sẽ được ra mắt vào quý đầu tiên của năm 2012.
Tháng 10 năm 2011: RIM công bố BBX, thế hệ tiếp theo của hệ điều hành dựa trên nền tảng QNX. "Nó sẽ được dùng cho cả điện thoại và máy tính bảng và các thiết bị khác," nhà sáng lập QNX, Dan Dodge nói. "Cả công ty đang cùng đi theo một nền tảng và mục tiêu chung."
Tháng 11 năm 2011: RIM công bố việc các thiết bị điện thoại của họ sẽ có chung độ phân giải và tỷ lệ khung hình với PlayBook, khiến cho việc phát triển giữa các thiết bị khác nhau trở nên dễ dàng hơn. Todd Wood, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Thiết kế của RIM tiết lộ cho Pocket-Lint rằng các smartphone mới sẽ không chỉ "đẹp, quyến rũ, độc đáo mà còn đầy thích thú." Các bức ảnh chụp một thiết bị BBX mới, chiếc BlackBerry "London."
Tháng 12 năm 2011: Phản ứng lại với cuộc chiến về nhãn hiệu bắt đầu từ tháng 10, RIM thay đổi tên gọi của hệ điều hành sắp ra mắt thành BlackBerry 10, thay vì BBX như cũ. Công ty này cũng thông báo về việc đang cần một "highly integrated dual-core LTE platform" nhưng hiện tại vẫn chưa tìm tìm ra, và các thiết bị BlackBerry 10 sẽ không được ra mắt cho đến tận cuối năm 2012.
Tháng 1 năm 2012: Các tờ báo liên tục đưa tin về việc RIM đã dừng việc cho ra mắt BlackBerry Colt và BlackBerry Milan, và sẽ chỉ còn một thiết bị BlackBerry 10 sắp tới cho năm 2012. Đại diện của công ty này nói rằng thiết bị mới có tên "London" sẽ có mặt tại Mobile World Cỏngess vào tháng 2, tuy nhiên sẽ chính thức bán ra vào quý thứ 3 năm 2012.
Mời các bạn đón xem phần 8 của loạt bài "Sự sụp đổ của BlackBerry: Tương lai mịt mờ".