Young Marketers 2: Đề thi Bán kết “thời sự” và “cảm động”
Tiếp tục nắm bắt những vấn đề thời sự, nhưng nếu ở vòng loại Young Marketers 2 khai thác vấn đề an toàn tình dục của giới trẻ với sản phẩm cụ thể là bao cao su OK, thì ở vòng Bán kết, cuộc thi đã công bố một đề tài mang tính xã hội, thời sự và nhân văn rất cao: Giới tính thứ 3 trước nguy cơ đánh mất tình thương cơ bản và thiêng liêng của mỗi con người – Gia đình.
Nếu đề tài bao cao su khiến người trẻ hứng thú, thì đề tài về giới tính thứ 3 sẽ khiến họ… nghẹn lại. Khi xã hội vẫn đang đau đầu trước cấm cản hay cho phép, kỳ thị hay đón nhận giới tính thứ 3, thì đã bao giờ bạn lắng nghe tâm sự từ người trong cuộc, từ chính những người thân trong gia đình có con thuộc giới tính thứ 3. Đó không còn là những lời rẻ khinh, mà là những giọt nước mắt. Tại sao những giọt nước mắt ấy còn tồn tại? Do định kiến, hay xuất phát từ tình thương? Những câu hỏi mãi không tìm ra lời giải đáp ấy chính là động lực để Young Marketers mùa thứ 2 chọn đề tài này trở thành đề thi vòng Bán kết.
- ★ -
ĐỀ THI BÁN KẾT YOUNG MARKETERS 2
A. TÓM TẮT TÌNH HUỐNG:
Tại Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15 – 59 (nghiên cứu năm 2013 của iSSE - Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường). Trong một cuộc thăm dò trực tuyến của iSSE, chỉ có 5,31% gần như là công khai và 2,49% công khai về tình trạng giới tính của mình. Và 2 lý do cơ bản khiến họ không tiết lộ, là sợ xã hội kỳ thị (40,77%) và sợ gia đình không chấp nhận (39,40%).
Thực tế đúng là định kiến và kỳ thị là thách thức lớn nhất với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới. Theo khảo sát, 95% người đồng tính nam nói đã nghe những lời kỳ thị từ người khác về bản thân, 20% từng bị mất bạn bè, 15% bị gia đình đánh đập, xỉ vả… chỉ vì họ nói thật về mình. Và hơn thế nữa, nghiên cứu cho thấy, điểm đặc trưng trong xã hội Việt Nam là "người đồng tính không bị bạo hành trên đường phố nhưng lại gặp những vấn đề lớn, nghiêm trọng trong chính gia đình mình". 77% người được hỏi nói rằng họ sẽ rất thất vọng nếu con họ là người đồng tính (iSSE, 2013). Họ cảm thấy bị tổn thương, kinh ngạc, giận dữ, mắc cỡ hoặc hoang mang khi biết con mình đồng tính.Một số người tìm cách thay đổi con mình, thậm chí bắt ép con đi chữa bệnh tâm thần, trong khi một số người khác thì từ mặt, không quan tâm đến con nữa. Người đồng tính, song tính và chuyển giới, vì thế, thường có tâm trạng hoang mang, cô độc, là mầm mống dẫn đến những hành vi lệch lạc, tệ nạn xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì.
Cuối cùng, gia đình với mỗi người là chốn bình yên, nơi được bỏ lại sau lưng mọi bão giông, áp lực của cuộc sống, để được sống là chính mình, tự do, hạnh phúc. Chỗ dựa tinh thần quý giá ấy - quyền cơ bản của con người ấy, trên thực tế tại Việt Nam vẫn còn là điều xa xỉ đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Cộng đồng kỳ thị là khó khăn, là thách thức; còn gia đình kỳ thị – đó đích thực là bi kịch.
Với vai trò là 1 cơ quan ngôn luận uy tín hàng đầu Việt Nam, luôn tiên phong trong việc đưa ra những quan điểm cởi mở, tích cực, và sâu sắc về các vấn đề xã hội, báo TUỔI TRẺ muốn thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm thay đổi quan niệm & hành vi của các bậc phụ huynh về vấn đề đồng tính để các bậc phụ huynh có thái độ cởi mở hơn, chấp nhận hoặc tích cực với vấn đề này và với con cái của họ nếu con cái của họ nằm trong nhóm được đề cập.
Giả định các bạn làm việc trong bộ phận marketing của báo Tuổi Trẻ, hãy xây dựng kế hoạch truyền thông nói trên, trong thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 1/2014, với ngân sách xã hội hóa 10 tỉ đồng.
Với vai trò là 1 cơ quan ngôn luận uy tín hàng đầu Việt Nam, báo TUỔI TRẺ muốn thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm thay đổi quan niệm & hành vi của các bậc phụ huynh về vấn đề đồng tính.
B. ĐỐI TƯỢNG MỤC TIÊU:
- Các bậc phụ huynh Việt Nam, 35 – 50 tuổi, ở Tp.HCM và Hà Nội (ưu tiên nhóm có con hoặc người thân trong nhóm đồng tính luyến ái, song tính hoặc chuyển giới).
- Thu nhập: ABC.
C. MỤC TIÊU CHIẾN DỊCH:
- Giảm tỷ lệ phụ huynh không chấp nhận con em mình là người đồng tính, từ 77% xuống còn 60%.
- Xây dựng và củng cố hình ảnh tích cực & vị trí dẫn đầu của báo Tuổi Trẻ với công chúng, tăng doanh số quảng cáo của báo Tuổi Trẻ trong thời gian diễn ra chương trình.
- Tác động phần nào đến quan điểm và thái độ của giới truyền thông để họ cùng tham gia vào định hướng tích cực về vấn đề chấp nhận nhóm cộng đồng đồng tính luyến ái, song tính hay chuyển giới.
D. LƯU Ý THỰC HIỆN:
Các nhóm phải thực hiện bài trình bày dưới định dạng PDF không quá 15 slides (quá 1 slide trừ 5 điểm), nộp về cho BTC qua email [email protected] trước 23:30 ngày 1/11/2013.
Ở vòng bán kết ngày 2/11/2013 (từ 08:30 đến 16:30) tại khách sạn Kim Đô, 133 Nguyễn Huệ, các nhóm sẽ trình bày trong 15 phút (quá 1 phút trừ 5 điểm), trả lời chất vấn của BGK trong 15 phút, để giành được điểm số của BGK theo thang:
- Thể hiện sự am hiểu sự thật ngầm hiểu của đối tượng mục tiêu và tính chất của thương hiệu đồng hành (20 điểm)
- Đạt được mục tiêu dự án (35 điểm)
- Phát triển ý tưởng sáng tạo (20 điểm)
- Đảm bảo tính khả thi (15 điểm)
- Trình bày xuất sắc (10 điểm)
Bài trình bày cần có tối thiểu các phần cơ bản sau:
- Phân tích bối cảnh & mục tiêu chương trình
- Sự thật ngầm hiểu của nhóm đối tượng mục tiêu và liên quan
- DNA/Cốt lõi thương hiệu của báo Tuổi Trẻ
- Chiến lược tiếp cận
- Ý tưởng lớn
- Chiến lược triển khai
- Các hoạt động chính
- Vai trò/sự xuất hiện của báo Tuổi Trẻ trong suốt chương trình
- Cách thức đánh giá, theo dõi kết quả
- ★ -
Ở đâu đó thiếu đi những người dám lên tiếng, để từ đó mới có những người dám lắng nghe. Và đó là tinh thần của những Young Marketers, của thế hệ tương lai đại diện nền marketing mới của đất nước.
Sẽ không có ai đúng, ai sai, đề tài này chỉ đơn giản lên tiếng cho một vấn đề mà xã hội tuy nhức nhói nhưng vẫn phớt lờ, vì vô tâm, hay mãi chẳng tìm ra cách giải quyết! Ở đâu đó thiếu đi một sự thấu hiểu, một vòng tay đón nhận, một cách nhìn thoáng hơn… Ở đâu đó thiếu đi những người dám lên tiếng, để từ đó mới có những người dám lắng nghe. Và đó là tinh thần của những Young Marketers, của thế hệ tương lai đại diện nền marketing mới của đất nước. Định hướng đúng nghĩa là khi các marketers trẻ hiểu rằng: Marketing không phải là nghệ thuật quảng cáo, mà là dùng tinh hoa của con người, hiểu tinh ý của con người, để khiến cuộc sống của chính con người ngày càng tốt đẹp hơn – “marketing with a cause”. Đó là thông điệp mà Young Marketers mùa 2 muốn gửi gắm ở vòng thi Bán kết.
Sẽ gay cấn, hấp dẫn? Hay sẽ nhiều tranh cãi, mâu thuẫn? Hoặc sẽ là những kế hoạch sáng giá có sức ảnh hưởng đến toàn xã hội?
Câu trả lời chỉ có tại cuộc thi Young Marketers mùa thứ 2: www.facebook.com/youngmarketersvn
Young Marketers 2 – Empower The Next Marketing Generation.
Ghi chú:
(*) Đề thi mang tính giả định và hoàn toàn phục vụ cho mục đích tìm ra các tiềm năng marketing để phát triển của cuộc thi Young Marketers mùa 2, 2013. Tất cả thông tin về các đối tượng (third party) được đề cập trong đề thi này chỉ sẽ được xem là thông tin đầu vào cho các nhóm thí sinh Vòng bán kết của cuộc thi để đưa ra phương án giải quyết.
(*) Tất cả quy định ở đề thi Vòng Bán kết Young Marketers mùa 2 bên dưới sẽ là quy định cuối cùng và cập nhật đến thời điểm đề thi được công bố.
Brands Vietnam