Tàu to gặp sóng cả
Có lẽ chưa bao giờ các thuyền trưởng – chủ doanh nghiệp lại gặp phải nhiều sóng to gió lớn như vậy trên thương trường. Ngay cả những con tàu lớn nhất cũng có thể rơi vào tình cảnh của tàu Titanic.
Vào đầu quý 4/2013, danh sách các đại gia lừng lẫy một thời, nay vì thua lỗ mà mang công mắc nợ ngày càng dài ra và số nợ cũng leo thang lên con số hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng.
Bão nợ nần, thua lỗ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai, tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của Tập đoàn đạt 32.980 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 19.367 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 12.657 tỷ đồng.
Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành bao gồm công ty mẹ và 14 công ty con, hoạt động chính là chế biến gỗ và trồng rừng nguyên liệu, hiện đang nợ 13 ngân hàng với số tiền 1.174 tỉ đồng. Nếu tính thêm các món nợ khác ngoài ngân hàng thì tổng số tiền nợ này có thể lên đến gần 1.500 tỷ đồng. Tập đoàn Cà phê Thái Hòa cũng đang gánh khoản nợ với 10 ngân hàng khoảng 1.200 tỷ đồng, thêm với khoản nợ 100 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu. Chẳng trách, Thái Hòa đang đứng ngồi không yên.Trong khi đó, Mai Linh vừa phải tìm cách huy động 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhằm lấy tiền trả ngay (800 tỷ đồng) cho số nợ vay ngắn hạn. Phần còn lại để đầu tư thêm vào việc làm ăn đang gặp nhiều khó khăn.
Cùng với nợ ngân hàng, nợ lương nhân viên, nợ từ các nguồn huy động khác, nhiều đại gia khác còn đang đứng đầu danh sách nợ thuế. Ví như Công ty Sông Đà Thăng Long đang nợ 283 tỷ đồng tiền thuế. Công ty cổ phần Cầu 12 – Cienco 1 cũng nợ tới 81 tỷ đồng. Viglacera Hà Nội cũng đang nợ thuế hơn 70 tỷ đồng…
Dĩ nhiên, các con nợ này cũng khiến các khổ chủ – ngân hàng lao đao. Chỉ riêng vụ Gỗ Trường Thành (TTF) đã có 13 ngân hàng “dính trấu”. Tính sơ sơ, riêng Ngân hàng Ngoại thương – Chi nhánh Bình Dương có dư nợ cho vay đối với TTF là trên 232 tỉ đồng, Ngân hàng Quân đội trên 177 tỉ đồng, Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM là trên 174 tỉ đồng, Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh Bình Dương là trên 162 tỉ đồng, Ngân hàng Kiên Long – Chi nhánh Bình Dương trên 99 tỉ đồng, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội – Chi nhánh Phú Nhuận trên 79 tỉ đồng…
Trong khi đó, Tập đoàn Thái Hòa đang làm khổ 10 ngân hàng, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Agribank, Vietcombank và VDB…
Đó là chưa kể đến những chủ nợ “be bé” như các khách hàng, đối tác, người lao động mà chỉ cần một khoản nợ nhỏ từ các đại gia cũng có thể khiến họ lâm vào phá sản hay giải thể, ảnh hưởng đến đời sống gia đình.
Nhân tài như lá mùa thu
Ông Hồ Huy, Tổng giám đốc Mai Linh từng công khai thừa nhận những sai lầm trong kinh doanh của mình và đang gắng sức sửa sai. Điều này cũng có thể nhìn thấy tại Hoàng Anh Gia Lai với hàng loạt quyết định mau chóng và táo bạo của Bầu Đức khi đề ra mục tiêu đến cuối năm 2013 giảm nợ xuống còn 10.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu lên trên 13.000 tỷ đồng. Hầu hết các đại gia buộc phải nỗ lực thực hiện cuộc “vạn lý trường chinh” nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc biến những chú voi khổng lồ thành nai con thon thả thật không dễ dàng gì, kể cả khi vời đến các công ty tư vấn với số tiền không nhỏ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCGL) cho biết, khi công ty ăn nên làm ra thì nhiều nhân sự muốn đảm trách các công việc quan trọng. Nhưng khi QCGL lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, khó khăn bịt bùng thì tuyển được người dám gánh vác công việc lãnh đạo và quản lý thật là khó khăn.
Tại Mai Linh, sau nhiều thời gian đi tìm nhà lãnh đạo có thể nhận chức vụ CEO để ông Hồ Huy rảnh tay tập trung vào công tác của Hội đồng quản trị, một ứng cử viên đã xuất hiện là bà Bùi Bích Lân. Tuy nhiên, sau vỏn vẹn 8 ngày nhận nhiệm sở, Tổng giám đốc mới của Mai Linh đã xin từ chức. Cực chẳng đã, ông Hồ Huy đành phải tiếp tục nhiệm vụ chỉ sau 8 ngày tưởng chừng nhẹ gánh.
Tương tự, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Hoàng Anh Gia Lai đã miễn nhiệm 3 nhân sự chủ chốt của tập đoàn, bao gồm ông Lê Hùng – Thành viên HĐQT; ông Nguyễn Văn Tốn – Trưởng Ban kiểm soát và mới đây nhất là ông Trà Văn Hàn – Phó Tổng giám đốc. Ông Trà Văn Hàn có thâm niên làm việc tại HAGL trên 20 năm, là một trong những nhân sự lâu năm nhất của Tập đoàn. Tuy cả ba ông được điều chuyển sang Công ty An Phú, cũng là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai, nhưng điều đó cũng có nghĩa là việc điều hành tập đoàn mẹ Hoàng Anh Gia Lai lại do Bầu Đức tiếp tục gánh vác. Và vì vẫn phải tiếp tục tự chèo, tự bơi trong khi sóng cả, gió to nên các thuyền trưởng – các đại gia này không còn cách nào khác, buộc phải tự bơi vào bờ hoặc… chìm nghỉm.
Tinh thần Jack Welch
Tái cấu trúc và lãnh đạo thành công tái cấu trúc là chiến lược mà các đại gia muốn sống sót trước nguy cơ phá sản buộc phải thực hành một cách vững vàng. Bài học từ Jack Welch, CEO huyền thoại của Tập đoàn GE – Mỹ có thể là điều mà họ cần tham khảo.
Trước khi nhậm chức, nếu như mỗi bộ phận của GE thường có 9 đến 11 cấp độ hành chính thì vào năm 1991, Jack đã cắt xuống còn 4 đến 6 cấp. Điều này cho phép ông chuyển giao quyền lực trực tiếp đến các cấp lãnh đạo thấp hơn, nơi mà – theo ông – vấn đề thường phát sinh đầu tiên và các giải pháp cũng gần như sẵn có. Ông đã giảm số nhân viên văn phòng từ 1.700 xuống còn 1.000. Sự cắt giảm liên tục diễn ra ở mọi bộ phận. Tính ra, GE đã cắt giảm tổng cộng 180.000 lao động. Jack đã bán đi một số bộ phận kinh doanh chủ chốt và cắt giảm tới 50% lao động vào những năm 80.
Tất nhiên là các quyết định này thật không dễ dàng gì, vì nó đã tác động tiêu cực đến tinh thần làm việc. Người lao động phân thành hai thái cực: một phía khâm phục, kính trọng; phía kia căm ghét. Nhiều tổ chức lao động đã phát ngôn chống đối Jack. Tuy nhiên, thực tế đã chứng tỏ sự cắt giảm khốc liệt mà J. Welch thực hiện chính là điều mà GE thực sự cần. Jack đề cao khả năng tập trung cao độ vào công việc, coi đó là chìa khóa để GE có thể trở thành công ty thứ nhất hoặc thứ hai về thị phần trong mọi lĩnh vực kinh doanh mà công ty tham gia.
Tuy nhiên, khi mọi việc đã ổn hơn, Jack đã dịch chuyển trọng tâm quản lý từ mục tiêu cắt giảm chi phí, hợp lý hóa cấu trúc sang mục tiêu hướng đến giá trị con người. Jack khẳng định sự chuyển hướng sẽ không thể diễn ra trước khi thực hiện hợp lý hóa cấu trúc công ty: “Nếu công ty có cấu trúc quá cồng kềnh, những giá trị đó sẽ không thể thực sự giúp công ty phát triển”.
Cựu CEO của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Việt Nam tiết lộ: “Đời làm CEO của tôi đã qua nhiều thăng trầm. Kinh nghiệm là cần phải bình tĩnh, chịu đựng những giờ phút khó khăn nhất và chờ thời cơ để xoay chuyển tình thế. Qua cơn sóng to gió cả, thuyền sẽ cập bến bình yên thôi. Vượt sóng lớn cũng là lúc thử sức lực và bản lĩnh của mình”.