Cuộc chiến mới của những thương hiệu cũ

Mặc dù nhận định tình hình kinh doanh năm nay còn khó khăn do sức mua yếu, nhưng các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước đều căng sức mở rộng hệ thống hoặc làm mới mình.

Cả nước đã có sự hiện diện của hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị ở các thành phố lớn và hàng trăm điểm bán lẻ của các tập đoàn bán lẻ trong, ngoài nước. Bất chấp thị trường bán lẻ hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng các thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam rất tích cực củng cố và gia tăng sự hiện diện của mình. Tại thời điểm này, thay vì mở rộng hệ thống, các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước đều tập trung vào việc cải thiện mình, nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thông qua nâng cấp dịch vụ, chất lượng sản phẩm và duy trì giá cả cạnh tranh.

Cuộc chiến mới của những thương hiệu cũ

Mở thêm siêu thị trong giai đoạn này là bài toán mà các doanh nghiệp bán lẻ phải rất cân nhắc.

Nội, ngoại cùng tăng tốc

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện nay có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ quốc tế. Tuy chưa có nhân tố mới nào chính thức tham gia thị trường trong thời gian gần đây, nhưng các thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam rất tích cực trong việc củng cố và gia tăng sự hiện diện của mình.

Tới thời điểm này, BigC (thuộc Tập đoàn Casino – Pháp) đã có 18 siêu thị trên toàn quốc, còn Metro thì có tới 19 điểm bán lẻ. Tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản là Aeon cũng đang đầu tư mạnh vào 2 trung tâm thương mại, dự kiến sẽ mở cửa trong năm 2014, trong đó có 1 trung tâm ở TP.HCM. Đây là những bước đi đầu tiên của Aeon trong việc hiện thực hóa kế hoạch từ nay đến năm 2020 – đầu tư 1,5 tỷ USD mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc mới có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, nhưng đến nay đã sở hữu 4 siêu thị, trung tâm thương mại và đang tăng tốc đầu tư hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại trên cả nước.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, Vinatexmart cũng lên kế hoạch đến năm 2015 mở khoảng 200 siêu thị, điểm bán lẻ, trong đó dự kiến sẽ mở thêm 20 siêu thị, điểm bán lẻ trong năm nay. Với vị trí nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Co.opmart cũng không ngừng tăng tốc. Chỉ tính riêng năm 2012, hệ thống này đã mở thêm 8 siêu thị, nâng tổng số siêu thị lên con số 61. Năm nay, ngoài một số siêu thị mở mới, hệ thống này còn khai trương đại siêu thị Co.opXtraplus ở Thủ Đức (kết hợp bán sỉ và bán lẻ). Kế hoạch đến hết năm 2015, Co.opmart sẽ sở hữu 100 siêu thị.

Cuộc chiến mới của những thương hiệu cũ

Chấp nhận lỗ vì chiến lược dài hơi

Theo các doanh nghiệp, thị trường bán lẻ đã gặp khó khăn từ 2-3 năm nay. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng do sự tăng nhanh về số lượng các siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh thành. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại Saigon Co.op ví von: “Chiếc bánh vẫn vậy, nhưng ngày càng có nhiều người tham gia chia phần nên dĩ nhiên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.

Do vậy, việc mở thêm siêu thị trong giai đoạn này là bài toán mà các doanh nghiệp bán lẻ phải rất cân nhắc bởi doanh thu của thị trường rất chậm. Theo ông Hòa, trung bình Saigon Co.op phải cộng thêm 2 năm chịu lỗ (ngoài thời gian lỗ theo lộ trình cho phép) cho những dự án mới. Giám đốc đối ngoại một hệ thống siêu thị nước ngoài cũng thẳng thắn thừa nhận, doanh thu chỉ thật sự tốt ở những siêu thị tại các thành phố lớn. Nhiều siêu thị tại các tỉnh nhỏ, doanh thu hàng ngày rất thấp, không đủ để… trả tiền điện. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn chấp nhận chịu lỗ để duy trì hoạt động và liên tục nâng cấp, tự làm mới mình để chuẩn bị cho chiến lược dài hơi.

Cuộc chiến mới của những thương hiệu cũBà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại BigC cho biết, khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục tạo áp lực đối với sức mua, thị trường nói chung và các nhà bán lẻ nói riêng, trong đó có BigC. Điều đó bắt buộc nhà bán lẻ phải nhận định thị trường thật sát để hoạch định kế hoạch kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng.

Theo bà Trang, đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho lĩnh vực bán lẻ nhờ các yếu tố đông dân, tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập tăng cao, nhưng thị phần bán lẻ hiện tại còn thấp nên Tập đoàn Casino (chủ thương hiệu BigC) xác định sẽ đầu tư lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của thị trường. Vì vậy, tình hình kinh tế khó khăn nhất thời không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của BigC tại Việt Nam.

Chọn giải pháp tạm thời ngưng mở rộng, Metro vừa tiến hành sửa chữa khu vực bán hàng tươi sống tại các siêu thị của mình. Ông Philippe Baccac, Tổng Giám đốc Metro Việt Nam cho biết, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thông qua cải thiện dịch vụ, sản phẩm. Đây là cách tốt nhất để thành công. Chỉ có cách cải thiện mình, vượt trội hơn các doanh nghiệp khác mới có thể thành công.

Nguồn Doanh Nhân Online