BlackBerry loay hoay tìm đường
Kế hoạch lội ngược dòng của BlackBerry hóa ra cũng đầy thất vọng như chiếc máy tính bảng Playbook.
Cú ngã đau
Đã không biết bao nhiêu lần cố gắng gượng để lấy lại ánh hào quang đã mất, BlackBerry cuối cùng cũng đã phải buông xuôi. Ngày 23/9 vừa qua, nhà sản xuất điện thoại thông minh này đã đồng ý bán mình với giá 4,7 tỉ USD cho một nhóm nhà đầu tư Canada, đứng đầu là Fairfax Financial Holdings. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu tháng 11 tới.
Cú ngã của BlackBerry quá đau và quá nhanh. Mặc dù vẫn còn hàng triệu khách hàng doanh nghiệp trung thành với thiết bị và dịch vụ của BlackBerry và nhiều người tiêu dùng vẫn còn mê đắm những website như crackberry.com, nhưng doanh số bán hàng của công ty đã bị sụt giảm thảm hại do sự cạnh tranh gay gắt từ Apple và các loại điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android của Google.
Nỗ lực gần đây nhất của BlackBerry là tung ra một loạt điện thoại mới trong đó có chiếc BlackBerry Z10, nhưng cũng đã thất bại ê chề.
Ngày 27/9 vừa qua, công ty cho biết đã ghi giảm giá trị tài sản xấp xỉ 934 triệu USD trong quý II của năm tài chính 2014 kết thúc vào ngày 31/8/2013, do lượng điện thoại tồn kho không bán được. Điều này là lý do chủ yếu khiến cho công ty lỗ gần 1 tỉ USD trong quý này.
Kết quả kinh doanh tồi tệ đã khiến giá cổ phiếu BlackBerry giảm mạnh và chẳng có gì ngạc nhiên khi nhóm nhà đầu tư Canada, đứng đầu là Fairfax, đã tận dụng thời cơ này để đưa ra đề nghị mua lại. BlackBerry đang trong tình thế bất lợi nên đã chấp nhận giá rẻ như bèo là 4,7 tỉ USD, tương đương 9 USD/cổ phiếu.
Vàchuyện phải đến
Ông Prem Watsa, ông chủ của Fairfax Financial Holdings, công ty đầu tư đứng đầu nhóm thâu tóm này biết BlackBerry rất rõ. Trước khi ra giá mua lại, Fairfax đã sở hữu khoảng 10% cổ phần trong BlackBerry và ông Watsa cũng có chân trong Hội đồng Quản trị của BlackBerry. Nhưng ông đã từ chức vào tháng 8/2013 khi Hội đồng Quản trị BlackBerry thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét, đánh giá các lựa chọn chiến lược nhằm quyết định tương lai của BlackBerry, trong đó có việc bán công ty, thành lập liên doanh hoặc hợp tác.
Ông Watsa, từng được nhiều người ví như Warren Buffett của Canada, có tiếng là một nhà đầu tư hay đi ngược xu hướng chung. Với đặc điểm này, ông sẽ đặt cược rất lớn vào hướng đi mới của BlackBerry nếu thương vụ với BlackBerry được hoàn tất. Sau khi chứng kiến lượng hàng bán ra của chiếc Z10 quá ảm đạm, BlackBerry mới đây đã tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường tiêu dùng, nhường sân chơi lại cho các đối thủ như Apple, Samsung. Nhưng cho dù có từ bỏ mảng tiêu dùng thì mảng bán thiết bị cho khách hàng doanh nghiệp của công ty cũng sẽ rất chật vật để tồn tại khi ngày càng nhiều công ty cho phép nhân viên sử dụng iPhone của Apple, điện thoại cài hệ Android và các thiết bị cá nhân khác trong văn phòng và các nhà máy.
Còn gì để bán?
Hiện tại, mảng phần mềm của BlackBerry – vốn cho phép doanh nghiệp quản lý và bảo mật thông tin cho các thiết bị di động mà nhân viên của họ sử dụng – vẫn còn được ưa chuộng. Tuy nhiên, công ty này đang chậm chân hơn so với các đối thủ như MobileIron và Airwatch trong việc thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đó là việc các doanh nghiệp đang phải xử lý thông tin từ hàng loạt thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác của nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Sự tăng trưởng của mảng dịch vụ quản lý thiết bị sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với BlackBerry nếu công ty muốn trụ được trong cuộc chơi này. Hãng này mới đây cho biết, doanh thu trong 3 tháng kết thúc vào cuối tháng 8 vừa qua chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân nửa doanh thu là đến từ mảng dịch vụ. Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của mảng dịch vụ đối với tương lai BlackBerry, nhất là khi hãng đã quyết định từ bỏ mảng điện thoại dành cho thị trường tiêu dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, BlackBerry có thể sẽ là một mảnh ghép chiến lược phù hợp đối với một công ty công nghệ khác, vốn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, mức giá mua lại BlackBerry của Fairfax – chỉ 9 USD/cổ phiếu – là quá thấp và cho rằng một tổ chức khác có thể ra giá cao hơn để mua lại mảng doanh nghiệp cũng như các tài sản khác có giá trị của Blackberry, chẳng hạn như danh mục bản quyền.
Doanh thu trong 3 tháng kết thúc vào cuối tháng 8 vừa qua chỉ đạt 1,6 tỉ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
IBM và Microsoft, vốn có nhiều khách hàng doanh nghiệp, là hai trong số những người mua tiềm năng. Hội đồng Quản trị của BlackBerry cũng đã nói rằng, sẽ xem xét các đề nghị mua lại khác. Theo một số nguồn tin thân cận với vụ việc, ngoài Fairfax, một số quỹ đầu tư tại Mỹ và Canada và có thể là một số hãng công nghệ ở châu Á cũng đang cân nhắc ra giá mua lại toàn bộ hoặc một phần của BlackBerry.
Hôm 2/10 vừa qua, một nguồn tin gần gũi với kế hoạch của Cerberus Capital Management cho biết, quỹ đầu tư này đang ngỏ ý xin được xem qua sổ sách và các hoạt động nội bộ của BlackBerry. Chưa rõ liệu điều này có nghĩa là Cerberus sẽ ra giá để mua lại BlackBerry hay không. Trước mắt BlackBerry đã đồng ý về nguyên tắc bán lại công ty cho Fairfax. Mặc dù Hội đồng Quản trị BlackBerry vẫn có quyền xem xét lời đề nghị khác tốt hơn, nhưng nếu đổi ý bán cho một công ty khác trước ngày 4/11/2013, công ty buộc phải trả cho Fairfax 157 triệu USD phí bồi thường hợp đồng.
Nếu thâu tóm được BlackBerry thì ông Watsa và các đồng minh trong nhóm đi mua của ông sẽ phải nhanh chóng đưa ra một kế hoạch giải cứu khả thi nếu không muốn chứng kiến BlackBerry trượt dài và có thể không còn cứu vãn được nữa.
Đối với BlackBerry, ông Watsa rất lạc quan. “Có thể đa phần mọi người không nghĩ như tôi, nhưng tôi tin rằng qua thời gian BlackBerry có thể sẽ quay trở lại thời kỳ thành công của ngày trước. Tôi cho rằng, mua lại Blackberry và đưa nó rời khỏi sàn chứng khoán có thể sẽ giúp công ty yên ổn tái cấu trúc mà không bị áp lực từ thị trường”, ông Watsa nói.