Nghe Sói kể chuyện làm nghề
Dẫu là một cuốn sách bàn về nhiều câu chuyện trong ngành quảng cáo, marketing, nghề copywriter... nhưng Ý tưởng này là của chúng mình (NXB Trẻ) không phải là cuốn sách để sau khi đọc xong người ta có thể gấp lại và cười thỏa nguyện: biết hết “mánh lới” rồi nhé!
Dẫn dắt câu chuyện là một chàng “độc thân vui tính”, 26 tuổi, tự nhận mình là Sói ăn chay, người đã có bốn năm chinh chiến tại các công ty quảng cáo lớn ở VN.
Chuẩn bị tâm thế để “du hành” trong một thế giới ngồn ngộn của ý tưởng tuyệt vời, thế nhưng đọc xuyên suốt gần 300 trang viết xong, người đọc mới lờ mờ nhận ra quảng cáo chỉ là một cái cớ hợp lý để tác giả và những người bạn cùng làm trong ngành phơi bày những lý do đã khiến họ ở lại với nghề đến tận hôm nay.
Câu chuyện của người “bán chữ lấy tiền” nhưng phía sau đó lại là những nỗi lòng. Làm chiến dịch quảng cáo cho một nhãn sữa dành cho người cao tuổi cũng là lúc người ta chột dạ mình đã hờ hững với ông bà, cha mẹ như thế nào. Lúc chạy chương trình cho các nhãn hàng tuổi teen lại thấy “những cái đầu nhuộm bảy màu xì tin không còn lố lăng mà là sự sáng tạo ngây ngô, điều mà những người mãn... teen đã đánh rơi mất do gánh nặng của sự trưởng thành”. Lúc làm dự án cho một nhãn xe tay ga lại thấm thía “cần phải yêu thương phụ nữ dù đôi khi họ giết mình chỉ bằng ánh liếc như dao”... Làm đi để biết mỗi dự án là một bài học cuộc đời cần ôn lại, để sau đó ta vẫn là ta nhưng khác nhiều rồi!
Đối với những người đã dày năm trong nghề, câu chuyện của cuốn sách không có gì mới mẻ, thậm chí những bài học kinh nghiệm từ thực tế đôi khi còn khủng khiếp hơn rất nhiều những trải nghiệm non trẻ mà tác giả tập sách đã kinh qua. Thế nhưng bất lợi về tuổi nghề đôi khi lại là “phép lợi thế” để những nhìn nhận về cuộc sống của tác giả gần gũi thú vị hơn như lời khuyên hãy năng ở bên những “viên ngọc cười”, rằng mỗi khi muốn viết cho nhãn bia lại phải lục Đại gia Gatsby của F. Scott Fitzgerald để tìm cảm hứng thượng lưu xa xỉ, đụng đến thiếu nhi là phải lận lưng ngay Totto-chan, cô bé bên cửa sổ, Chú mèo dạy hải âu bay hay Con voi của nhà ảo thuật - để có chất liệu làm kế hoạch nhưng rồi khi khép trang sách lại thấy mình được “quẹo” về tuổi thơ, ngồi viết copy bỗng thấy lòng nhí nhảnh lạ...
Với ba phần gãy gọn Mầm non ý tưởng, Vựa ý tưởng và Hậu trường ý tưởng, cuốn sách có thể sẽ là cách đơn giản nhất để người đọc tìm thấy một lý tưởng làm việc ý nghĩa cho chính mình. Và đó cũng là lý do để dù có lắm “ân oán” nhưng đến giờ tác giả tập sách vẫn chưa bao giờ có ý định... bỏ nghề, vì đơn giản đó là cách dễ dàng nhất anh được tiếp xúc hằng ngày với sự sáng tạo.
Đôi điều về Sói
Sói ăn chay là tên gọi thân mật mà bạn bè đặt cho Huỳnh Vĩnh Sơn - tác giả tập sách Ý tưởng này là của chúng mình - đang được nhiều người trẻ chuyền tay nhau đọc. Tập sách tập hợp 100 bài viết (trong đó có bốn bài của bạn bè) của Huỳnh Vĩnh Sơn trên website toiyeumarketing.com - một diễn đàn ra đời cách đây năm năm khi Sơn vừa bước vào nghề và nhận thấy có quá nhiều thắc mắc từ những bạn trẻ về ngành quảng cáo Việt. “Cuốn sách mất hai năm để tập hợp và chỉnh sửa. Tôi rất vui vì nhiều bạn đọc đã email về cho tôi để chia sẻ nhiều bí mật của họ. Cách đây một hôm tôi vừa nhận được một bức thư rất dài của một bạn trẻ, bạn là người thích viết lách nhưng lại chọn thiết kế làm công việc chính. Bạn nói với tôi bạn đã quyết định nghỉ việc và muốn được làm những gì bạn biết chắc mình sẽ làm tốt nhất” - Sơn kể.