Bia nội đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt
Thị trường bia, rượu, nước giải khát VN có sự cạnh tranh quyết liệt và dự báo sẽ có “sao đổi ngôi” khi VN đang chuẩn bị tham gia các hiệp định tự do hoá thương mại, như ASEAN - AFTA và TPP.
Là một chuyên gia về chiến lược, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Chủ tịch HĐQT TCty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Bia Gài Sòn) - ông Phan Đăng Tuất đã có cuộc trò chuyện với PV.
* Thưa ông, năm 2013, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như sản xuất tăng trưởng chậm, tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp không huy động được vốn cho sản xuất kinh doanh... Bia Sài Gòn có gặp phải những khó khăn tương tự không?
Đúng là năm 2013, tình hình kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, tồn kho tăng... Tuy nhiên, với Bia SG tình hình không quá khó khăn như vậy.
Tuy còn một số thành viên còn một số khoản nợ tồn đọng từ các năm trước nhưng không đáng kể, lượng tồn kho sản xuất bia là lượng gối đầu, không phải là tồn kho chậm tiêu thụ nên không đáng ngại.
So với các năm trước, tốc độ tăng trưởng sản xuất của Bia SG khá ổn định, dự kiến năm nay sẽ tăng trưởng ở mức từ 6-8% so với năm 2012. Cả năm 2013, Bia SG sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỉ lít bia...
* Thị trường bia, rượu, nước giải khát VN được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng kỷ lục và mức độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Trước bối cảnh đó, ông là người có quan điểm phải đưa sản phẩm đến với khách hàng, vì khách hàng. Vậy đâu là chiến lược kinh doanh của Bia SG?
Hiện nay, các hãng bia lớn trên thế giới gần đều đã có mặt tại VN như Mỹ, Nhật, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan,... tạo nên một thị trường vô cùng sôi động. Bên cạnh đó, độ dãn cách của các phân khúc thị trường quá lớn. Không ở đâu như ở VN, có thể uống một cốc bia hơi với giá 6.000 đồng, nhưng cũng có thể mua 1 lít bia với giá lên tới 2 triệu.
Mấy hôm trước, thị trường vừa đón nhận một hãng bia với giá 2,5 triệu đồng (2 lít), tức bình quân 1,25 triệu đồng/lít bia, chênh lệch về giá trị tới 200 lần. Chính vì thị trường có độ sai biệt lớn, nhiều đối thủ cạnh tranh, với nhiều cấp độ giá cả, thì việc đáp ứng phân khúc thị trường là cực kỳ khó khăn.
Trước bối cảnh đó, Bia SG đã có chiến lược nhất quán, coi thương mại là mặt trận hàng đầu, chất lượng sản phẩm là nền tảng, và hoạt động quản lý là yếu tố quyết định. Trong chính sách thương mại thì nội dung cốt lõi là tìm đến khách hàng, mà cụ thể là tìm đến người uống bia... để phục vụ tốt nhất.
"Thương mại là mặt trận hàng đầu, chất lượng sản phẩm là nền tảng, và hoạt động quản lý là yếu tố quyết định."
* Cho tới nay, những thông tin về việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài tại Sabeco vẫn chỉ là đồn đoán. Để tăng khả năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, chiến lược tái cấu trúc Sabeco đang đặt ra thế nào, thưa ông?
Mục tiêu tái cấu trúc Sabeco tập trung chủ yếu vào 3 phương châm.
Thứ nhất là nhất thể hóa quy trình sản xuất- tiêu thụ, quán triệt từ sản xuất đến đầu ra (khâu tiêu thụ) và hậu đầu ra (chăm sóc khách hàng).
Thứ 2 là tái cấu trúc theo chiều hướng minh bạch hóa, mặc dù là DN chưa niêm yết trên sàn giao dịch nhưng chúng tôi là Cty đại chúng quy mô lớn, nên đã triển khai việc báo cáo tài chính, kiểm toán bán niên (6 tháng/lần).
Và cuối cùng là hiện đại hóa quản trị. Phương án tái cấu trúc Sabeco hiện chúng tôi đã trình Bộ Công Thương, và đang chờ bộ phê duyệt, phương án cuối cùng sẽ do bộ quyết định.
* Nhiều người tỏ ý lo ngại rằng, thời gian tới, khi VN tham gia các hiệp định ASEAN-AFTA, TPP, thuế suất thuế nhập khẩu các loại bia rượu nước giải khát xuống còn 0% sẽ là đòn cạnh tranh chí tử đối với các DN trong nước. Theo ông, Sabeco cần chuẩn bị những gì cho sự hội nhập ngày càng sâu rộng này?
Hiện nay, Bia SG đã XK đến 29 nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, và rất nhiều quốc gia khác. XK là một định hướng chiến lược lớn của Bia SG để mở rộng thị trường ra bên ngoài.
Tuy nhiên, để XK bia ra nước ngoài không đơn giản. Bia là sản phẩm mang tính khẩu vị và gu tiêu dùng cao, nên việc chen chân vào thị trường thế giới là việc rất khó khăn đối với những thương hiệu vốn chưa phổ biến.
Thứ 2, là chi phí marketting trên thị trường thế giới là một chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, hiện nay Bia SG vẫn bị khống chế chi phí cho quảng cáo, tiếp thị ở mức 10% chi phí trong kỳ nên không thể có tiền để làm các chương trình marketting ra nước ngoài.
Hiện việc XK chỉ thông qua các nhà phân phối nước ngoài, và Bia SG chỉ đủ chi phí để tham gia các hội chợ thương mại ở nước ngoài hoặc những sự kiện đơn lẻ. Trong khi đó, các hãng bia nước ngoài tại VN do không bị khống chế bởi chi phí quảng cáo như DN trong nước nên họ tiếp thị từ A đến Z.
Lo ngại khi VN hội nhập sâu với thuế suất lĩnh vực này xuống 0% là thử thách rất lớn đối với các DN VN. Điều này, chỉ có thể được cải thiện khi những bất cập nêu trên được tháo gỡ.
* Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 2013, ông có thông điệp gì gửi đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như cơ quan hoạch định chính sách để có những quyết sách cởi mở hơn cho sự phát triển của DN, đặc biệt là ngành bia, rượu, nước giải khát VN?
Trong bối cảnh khó khăn cũng là lúc doanh nhân cần có quyết tâm cao để hoàn thiện mình, để tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Mỗi doanh nhân chính là những người lính, càng trong gian nan thử thách càng kiên cường, thể hiện bản lĩnh người đứng đầu.
Thông điệp tôi muốn gửi đến nhân Ngày Doanh nhân, là trong một thế giới ngày càng phẳng, doanh nhân cần có sự hợp tác cả chiều dọc và chiều sâu để cùng phát triển, giảm chi phí, tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm...
Và quan trọng là cơ quan hoạch định chính sách cần đưa ra những tiêu chí chuẩn trị DN, theo thông lệ quốc tế để DN VN hoạt động bài bản hơn, không chỉ chạy theo lợi nhuận.
* Xin cảm ơn ông!