Cần mạnh tay với quảng cáo phản cảm

Quảng cáo là cách gần nhất để các nhãn hàng tiếp cận với khách hàng. Tuy nhiên “văn hoá” quảng cáo ở Việt Nam dường như chưa được chú ý.

Gần đây những mẩu quảng cáo phản cảm ngày càng nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ, cần phải chấn chỉnh kịp thời…

Cách đây không lâu, hoa hậu Mai Phương Thúy đã phải vất vả để trần tình về “sự cố” trong một clip quảng cáo dầu gội. Nội dung clip nói về cô gái trẻ trung, xinh đẹp có mái tóc dài óng ả được người yêu đưa về nhà giới thiệu, do Mai Phương Thúy làm diễn viên. Khi mẹ chàng trai hỏi bí quyết để có mái tóc đẹp của cô gái: “Cháu duỗi tóc ở tiệm à?”. Đáp lại câu hỏi niềm nở này, cô gái tươi cười trả lời bằng câu: “À không, chỉ là Rejoice thôi mà!”. Câu trả lời này bị cho là vô lễ, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, với hoàn cảnh được hỏi. Và cô gái nào lần đầu về ra mắt gia đình người yêu mà nói câu tương tự như thế, chắc chắn sẽ mất điểm thảm hại.

Cần mạnh tay với quảng cáo phản cảm

Hình ảnh đầy nhân văn trong các clip quảng cáo bột giặt Omo.

Ở thời điểm này, truyền hình đang hàng ngày phát clip quảng cáo một loại bột giặt. Một mảnh vải lớn hàng trăm mét được dùng trùm lên một quả cầu lớn, ban tổ chức yêu cầu hàng trăm trẻ em làm “cực bẩn” quả cầu bằng cách đổ mực viết, vết bùn đất, sôcôla, nước cam… lên, rồi mở ra để giặt. Hay đoạn quảng cáo khác, ban tổ chức cho người lớn vô tư làm “cực bẩn” miếng vải lớn trải ở sân vận động rồi… đem đi giặt. Xem quảng cáo, ai cũng bất bình vì chẳng khác nào họ dạy trẻ con sống lãng phí và vô trách nhiệm!

Cũng quảng cáo bột giặt, cũng làm bẩn áo, nhưng cách mà các nhân vật trong clip quảng cáo bột giặt Omo Tết 2007, 2012 lại mang đậm tính nhân văn. Thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên ý tưởng “chủ động làm bẩn” được sử dụng, nhưng rõ ràng có những sự khác biệt rất lớn trong các clip quảng cáo nêu trên.

Tiếp tục chuyện quảng cáo trên truyền hình, trong clip quảng cáo tương ớt Trung Thành từng được phát sóng cũng vấp phải sự phản đối của nhiều khán giả truyền hình vì hình ảnh và ý tưởng hơi “lố”. Clip quảng cáo mở đầu bằng hình ảnh một cô gái ngồi ăn trên một tòa nhà cao tầng, vẩy mãi mới được giọt tương ớt cuối cùng. Nhưng không may giọt tương này lại văng ra ngoài cửa sổ, rơi xuống, trúng mặt một chàng trai đang đi đường. Cô gái liền lao ngay xuống, và khi đối mặt với chàng trai thì cô nàng thè lưỡi liếm giọt tương ớt trên mặt anh kia.

Cần mạnh tay với quảng cáo phản cảm

Quảng cáo bánh kem Oreo có hình ảnh con trai “cướp” bánh của bố gây phản cảm.

Chưa nói đến ý tưởng quảng cáo quá phóng đại khi lao đến mấy tầng lầu xuống dưới đường chỉ để tìm một giọt tương ớt, chỉ cần nhìn hình ảnh cô gái thè lưỡi liếm giọt tương trên mặt một người đàn ông lạ đã thấy quá vô duyên. Những quảng cáo như thế này không những không tôn thêm giá trị cho sản phẩm mà có khi lại khiến người tiêu dùng ngán ngẩm, dị ứng hơn.

Còn rất nhiều clip quảng cáo các sản phẩm khác đang được chiếu tràn lan trên truyền hình chứa đầy bạo lực, ý nghĩa không trong sáng, hỗn hào với người lớn… cũng ít nhiều gây bức xúc cho khán giả truyền hình khi đưa ra những chi tiết phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ em. Đơn cử như quảng cáo thạch sữa chua Natty, quảng cáo bánh kem Oreo, hạt nêm Maggi, nước tẩy Vim...

Bên cạnh đó, rõ ràng với sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo, phải chăng đã đến lúc các nhà sản xuất, nhà quảng cáo cần tính toán đến những quảng cáo ngắn gọn, xúc tích để sao vừa phù hợp với các yếu tố bên ngoài, song cũng đem lại cảm giác dễ chịu cho người xem.

Trong khi thế giới đã đạt đến tính nghệ thuật và tính đột phá của những ý tưởng trong quảng cáo, với những quảng cáo cực ngắn, chủ yếu dùng hình ảnh để gây ấn tượng, thì quảng cáo của Việt Nam vẫn loay hoay sử dụng ngôn ngữ để miêu tả tính năng của sản phẩm là chính. Đã đến lúc những người làm quảng cáo cần hiểu rằng, văn hóa trong quảng cáo là rất cần thiết trong quá trình đưa một sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn.

“Luật Quảng cáo có hiệu lực từ tháng 01/01/2013. Tại khoản 3, Điều 8, Chương I, cấm: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nhưng vì sao các clip quảng cáo ấy vẫn lên sóng đều đều?”

Nguồn Dùng hàng Việt