Soi giá trị thật và bí mật tăng trưởng cổ phiếu Masan
Những thương vụ mua bán-sáp nhập đình đám, thu hút được nhiều nguồn vốn khủng từ các định chế tài chính lớn trên thế giới, sản phẩm tiêu dùng phủ sóng cả nước hay giá cổ phiếu trên sàn cao ngất ngưởng là những điều mà nhà đầu tư nhắc tới khi nói về Tập đoàn Masan.
Đâu là những lý do dẫn tới thành công này và nhà đầu tư còn có thể trông chờ được gì từ cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan?
Chọn đúng người
Được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ khi đó là 32 tỷ đồng, sau chưa đến 10 năm hoạt động, vốn điều lệ của Tập đoàn Masan hiện đã là 7.051 tỷ đồng, tăng trên 220 lần.
Doanh thu cũng tăng từ mức 422 tỷ đồng năm 2006 lên 10.389 tỷ đồng trong năm 2012. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán của Masan vào ngày 20/09/2013 là 58.174 tỷ đồng, lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bí quyết lớn lên một cách nhanh chóng của Masan chính là biết "đứng trên vai người khổng lồ".
Hàng loạt định chế tài chính lớn trên thế giới như Kohlberg Kravis Roberts (KKR), J.P. Morgan, Standard Chartered, Mount Kellett Capital Management, Orchid Capital Investments Pte.Ltd, Goldman Sachs Group, Inc và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đang có quan hệ đối tác với Tập đoàn Masan.
Đầu năm 2013, KKR đã mua 21,84 triệu cổ phiếu của Masan Consumer, một công ty con chủ lực trong Tập đoàn Masan.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan mới đây cũng thông qua phương án phát hành 100-200 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với mức giá chuyển đổi tối thiểu 100.000 đồng/cổ phiếu.
Khá được giá khi bán cổ phiếu cho các định chế tài chính quốc tế và tái cấu trúc Tập đoàn đã giúp vốn chủ sở hữu của Masan tăng lên một cách nhanh chóng.
Vốn chủ sở hữu của MSN từ mức chỉ có 472 tỷ đồng năm 2008 đã tăng lên đến 15.233 tỷ đồng vào cuối quý 2/2013, với thặng dư vốn gần 8.000 tỷ đồng, bất chấp đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp nghiệp bị đình đốn trong hoạt động.
M&A: "át chủ bài" của kế hoạch mở rộng hoạt động
Nhờ có nguồn vốn dồi dào và chiến lược nhất quán, MSN nhanh chóng mở rộng kinh doanh thông qua các thương vụ M&A và đầu tư mạnh vào các sản phẩm hiện hữu. Thương vụ đình đám nhất là việc MSN nắm quyền chi phối Công ty TNHH Khai thác và chế biến Khoáng sản Núi Pháo từ tay Dragon Capital, bằng cách hoán đổi cổ phần cho quỹ đầu tư này. Năm 2013, MSN sẽ có doanh thu đầu tiên từ dự án này.
Một thương vụ lớn khác của MSN cũng được giới kinh doanh chú ý là việc mua lại 53,2% cổ phiếu, tương đương 14,14 triệu cổ phiếu Vinacafé Biên Hòa (VFC) với số tiền hơn 1.209 tỷ đồng. Ngoài ra, MSN cũng công bố việc mua lại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) với số tiền là 2.035 tỷ đồng (sở hữu 40%) hay mua 63,5% cổ phần nước của Vĩnh Hảo với giá 85.000 đồng/cổ phần và hiện đang thương thảo mua lại Công ty Bia và Nước giải khát Phú Yên.
Có thể thấy, ngoài phát triển mạnh các sản phẩm của các thương hiệu truyền thống như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Vinacafe cũng như các nhãn hàng mới như Kokomi, Wake Up, MSN còn đẩy mạnh việc M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng khác.
Với "lợi thế kinh tế theo quy mô" qua mạng lưới phân phối rộng lớn, khả năng xây dựng thương hiệu, quản lý chuỗi cung ứng và kỹ năng quản lý cùng dòng vốn dồi dào được kỳ vọng giúp MSN tăng sức mạnh cạnh tranh trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Ngoài các lĩnh vực sản xuất, Masan cũng có phần đầu tư vào lĩnh vực tài chính. Theo báo cáo tài chính quý II/2013, Masan Group đang nắm giữ 30,44% cổ phần của Techcombank, (gồm 15,68% sở hữu trực tiếp và 14,76% trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm phát hành bởi Techcombank), tương đương số tiền đầu tư là 8.842 tỷ đồng.
Masan: thuyền to sóng lớn
Kết quả kinh doanh của Masan được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Doanh thu năm 2012 của Tập đoàn đạt 10.389 tỷ đồng và tăng trưởng doanh thu kép năm 2010 – 2012 đạt 36,4%. Kết quả này ngoài do tăng trưởng hữu cơ thì có phần đóng góp từ việc hợp nhất công ty con mới mua lại.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại có phần "lăn tăn" về lợi nhuận của Masan. Cụ thể, năm 2010, Masan Group đạt lợi nhuận sau thuế là 2.283 tỷ đồng, năm 2011 giảm xuống chỉ còn 1.973 tỷ đồng và năm 2012 còn 1.260 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của Tập đoàn đạt 4.270 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II/2013 doanh thu thuần của Masan Group đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 1.111 tỷ đồng, tăng 7,1%, sự gia tăng này có công rất lớn của Masan Consumer. Điều này lý giải phần nào "bí mật" của sự tăng trưởng vượt bậc của Masan trong thời gian qua.
Công ty Vinacafé Biên Hòa (VCF) mới trở thành công ty con của MSN và đã đạt doanh thu nửa đầu năm 2013 là 843 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận lại chỉ đạt 52 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Với công ty Masan Consumer sản xuất các sản phẩm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Wake Up có lợi nhuận sau thuế nửa đầu 2013 đạt 931 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do Masan Consumer và các công ty con đã tăng cường đầu tư vào xây dựng thương hiệu để củng cố vị trí dẫn đầu của mình và đồng thời đầu tư vào phát triển và mở rộng ngành hàng mới.
Với mảng tài chính, cũng như nhiều ngân hàng khác, hiện tại Techcombank đang gặp không ít khó khăn. Nợ xấu của ngân hàng này trong quý II lên đến 5,28% một mức cao so với trung bình ngành. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2013 của Techcombank chỉ đạt 653 tỷ đồng, giảm 61,84% so với cùng kỳ. Trước đó, quý IV/2012, ngân hàng này lỗ đến 1.216 tỷ đồng. Sự khó khăn của Techcombank thể hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận từ công ty liên kết trong nửa đầu năm 2013 âm 73 tỷ đồng, còn năm 2012 âm 337 tỷ đồng. Phần giảm này có phần do phân bổ lợi thế thương mại của Proconco sau khi Masan mua lại Proconco trong năm 2012.
Giá cổ phiếu Masan có hấp dẫn?
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu MSN đang đứng ở mức 82.500 đồng/cổ phiếu, so với mức đỉnh gần nhất 130.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/3/2013 đã giảm 36,53%. Chỉ số khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MSN trong những năm gần đây cũng khá thấp, năm 2011 đạt 14,89%, 2012 đạt 8,47%. Trước đó, năm 2009 và 2010, ROE đều đạt trên 20%. ROE của MSN giảm mạnh là do vốn đầu tư các dự án mới đang ở giai đoạn đầu tư nên chưa tạo ra doanh thu.
Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, theo dự báo của nhiều tổ chức, tăng trưởng bán lẻ trong những năm vừa qua trung bình chỉ đạt khoảng 14-15%. Về lý thuyết điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của Masan Consumer. Tuy nhiên, thực tế trong những năm vừa qua tăng trưởng của lĩnh vực này luôn đạt được tốc độ rất cao.
Với chiến lược M&A các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng cùng với phát triển mạnh các sản phẩm hiện hữu sẽ làm cho sức cạnh tranh Masan ngày càng lớn. Đặc biệt, lợi thế sở hữu hệ thống phân phối lớn với hơn 180 nhà phân phối và trên 176.000 điểm bán hàng, lớn hơn cả hai "đại gia" là Vinamilk và Unilever (nhánh thực phẩm), sức mạnh của Masan là điều không thể phủ nhận.
Mảng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận đột biến cho Masan trong thời gian tới là Dự án Núi Pháo đã đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 5/2013 và dự kiến sẽ đóng góp doanh thu đáng kể vào MSN các năm tiếp theo.
Đối với Techcombank một công ty liên kết của Masan đang gặp không ít khó khăn, lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, Techcombank vẫn là một ngân hàng lớn và về dài hạn có triển vọng phát triển khá tốt. Do vậy, với chiến lược đầu tư dài hạn thì những khó khăn ngắn hạn Techcombank sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
Hiện nay, nhà đầu tư đang trả giá cổ phiếu MSN gấp 4 lần giá trị sổ sách, là một mức giá rất cao so với trung bình của thị trường. Tuy nhiên, việc rất nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới chấp mức giá MSN quanh mức 100.000 đồng/cổ phần cho thấy họ tin tưởng vào khả năng phát triển dài hạn của Masan.