Đế chế hàng tiêu dùng Masan và các thương vụ M&A

Thông qua mua bán, sáp nhập những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Tập đoàn Masan cho thấy rõ tham vọng trở thành đế chế hàng tiêu dùng.

Thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam trở nên sôi động trong những năm gần đây với nhiều thương vụ lớn, giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô và thị trường. Trong đó, Tập đoàn Masan luôn được lấy làm ví dụ cho chiến lược phát triển thông qua mua bán - sáp nhập.

Bước chân đầu tiên trên con đường M&A của Masan là thâm nhập vào thị trường nước giải khát thông qua việc mua chi phối 50,3% cổ phần Vinacafe vào năm 2011. Sau đó tỷ lệ được tăng lên 53,2% vào năm 2012. Tổng giá trị đầu tư của thương vụ này là 58 triệu USD.

Đế chế hàng tiêu dùng Masan và các thương vụ M&A

Masan phát triển thông qua các vụ mua bán, sáp nhập thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Các bước đi ngày một rõ rệt hơn khi hồi đầu năm 2013, Masan tiếp tục tiến sâu hơn vào ngành giải khát khi mua 24,9% cổ phần của nước khoáng Vĩnh Hảo. Đến tháng 3 thì Masan mua thêm cổ phần và tăng tỷ lệ sở hữu lên 63,5%. Theo tiết lộ của Tập đoàn, giá trị của thương vụ này vào khoảng 21 triệu USD.

Trước đó, Masan mở rộng sang chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2011 khi mua 40% cổ phần của Công ty cổ phần sản xuất thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco), với giá trị đầu tư là 94 triệu USD. Đây là doanh nghiệp lớn thứ hai trong ngành thức ăn chăn nuôi, giữ khoảng 10% thị phần trên cả nước.

Những thương vụ này đã tạo ra giá trị cộng hưởng lớn cho Tập đoàn trên con đường vươn tới hình thành một đế chế hàng tiêu dùng. Cụ thể, sau khi mua lại Vinacafe Biên Hòa, Masan giới thiệu Wake Up và Kachi, nhãn hiệu hợp tác đầu tiên giữa hai bên. Mạng lưới phân phối của Vinacafe hợp nhất với ngành hàng tiêu dùng của Masan sau khi được mua lại. Hệ thống này đã tăng từ 32 nhà phân phối và 93 đại lý kinh doanh lên 180 nhà phân phối và đến 176.000 điểm bán hàng. Vinacafe cũng áp dụng chính sách thu tiền trước khi giao hàng giống như những điều khoản hiện hành đối với các sản phẩm của Masan giúp cải thiện vốn lưu động.

Với một mạng lưới phân phối sâu rộng hơn, Vinacafe đã đạt những kết quả kỷ lục vào cuối năm 2012 đánh dấu bằng mức doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 2.115 tỷ và 298 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng là 33% và 41%. Cũng với công thức trên, Masan đang trong quá trình sáp nhập Vĩnh Hảo vào nền tảng hoạt động của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan để tận dụng tối đa các giá trị, lợi thế của hai bên.

Lãnh đạo của Masan cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng.

Tham vọng của Masan càng được khẳng định khi trong một trao đổi với báo chí gần đây, lãnh đạo của Masan cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng. Các doanh nghiệp được chọn phải có thương hiệu mạnh, nằm trong những vị trí dẫn đầu trong thị trường liên quan… Bên cạnh đó là các tiêu chí về khả năng tạo ra dòng tiền mạnh, lãi gộp cao và cơ hội tăng trưởng sau khi sáp nhập.

Cùng với ngành hàng tiêu dùng, vào năm 2010, Masan đã mua dự án mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) và lấn sân vào lĩnh vực khai khoáng. Theo lãnh đạo Masan, đây là giao dịch phi tiền mặt. Sau 3 năm, hồi tháng 5 vừa qua, Masan mới bắt đầu sản xuất thương mại tại Núi Pháo. Do đó, các chuyên gia cho rằng, chưa thể đánh giá sự thành bại của thương vụ này vì ngành khai khoáng đòi hỏi thời gian dài hơi hơn để thấy hiệu quả.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, Giáo sư Nigel Denscombe - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Denscombe tại Tokyo và New York, cho rằng, Masan là một trong những doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng ấn tượng với đóng góp của M&A. Kể từ khi niêm yết năm 2009, vốn hóa của doanh nghiệp này đã tăng hơn 4 lần, song song với 4 thương vụ mua bán, sáp nhập lớn.

Nhóm chuyên gia Vietnam M&A Forum đúc kết công thức thành công của Masan trong thời gian qua là “nguồn lực vốn quốc tế cộng chất xám bản địa và quản trị hiện đại”. Trong đó, họ nhấn mạnh vai trò của yếu tố đầu tiên là “nguồn lực quốc tế” vì qua các thương vụ này Masan đã xây dựng được quan hệ hợp tác với một loạt đối tác nước ngoài như TPG, BankInvest, KKR, R.F. Chandler và Mount Kellett… Masan cũng thừa nhận những mối hợp tác này đã giúp Tập đoàn có được nguồn vốn làm đòn bẩy cho tăng trưởng.

Đế chế hàng tiêu dùng Masan và các thương vụ M&A

Các thương vụ M&A của Masan

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Maybay KimEng cho rằng, vai trò của những người đứng đầu Tập đoàn có dấu ấn lớn trong việc giúp Masan tận dụng các nguồn vốn quốc tế. “Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt, trong đó có Masan từng sinh sống, làm việc ở nước ngoài rất lâu nên có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các đối tác, nguồn vốn”, ông Khánh lý giải.

Chia sẻ với VnExpress.net, lãnh đạo Masan cho rằng nguồn vốn và nền tảng hoạt động là những nhân tố then chốt tạo nên sự thành công của những thương vụ M&A. “Tập đoàn Masan có khả năng huy động vốn trong khi Công ty Hàng tiêu dùng Masan có một nền tảng hoạt động tốt về marketing, hệ thống phân phối, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, và chuỗi cung ứng”.

Ông Khánh nhận định Masan là một trong những doanh nghiệp nội có tầm nhìn rộng. Thông thường, doanh nghiệp khi mở rộng một lĩnh vực phải tuyển dụng nhân sự, xây dựng hệ thống… mất khá nhiều thời gian. “Tuy nhiên, Masan thay vì làm những điều đó thì họ thâu tóm các đơn vị vốn đã có vị trí trong ngành. Điều này giúp tận dụng được thế mạnh như nguồn lực, thương hiệu sản phẩm, nhà máy, hạ tầng…”, chuyên gia cho hay.

Vị này cũng cho rằng, chiến lược M&A của Masan có một điểm khác biệt so với nhiều doanh nghiệp khác đó là tiêu chí chọn đối tác để thực hiện thương vụ. Nhiều đơn vị nhăm nhe vào những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, sống thoi thóp. Trong khi đó, Masan chọn những đơn vị có triển vọng thuộc top đầu ngành, thậm chí sẵn sàng chi giá rất cao.

“Tuy nhiên, chỉ những đơn vị có tiềm lực tài chính mới sẵn sàng chi mạnh tay như vậy”, ông Khánh nói.

Nguồn VnExpress