M&A dịch vụ: Khẩu vị mới của Nhật
Các nhà đầu tư Nhật đang tìm kiếm cơ hội M&A ở mảng dịch vụ nhằm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước này tại Việt Nam.
Song hành cùng làn sóng đầu tư vào hàng tiêu dùng, sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm chế biến, mảng dịch vụ hỗ trợ như nghiên cứu thị trường và quản trị nguồn nhân lực cũng được các nhà đầu tư Nhật để mắt đến. Một trong những thương vụ nổi bật của lĩnh vực nhân sự hồi đầu năm nay là việc Tập đoàn en-japan, nhà cung cấp giải pháp về nhân sự cho biết mình đã góp vốn vào Navigos Group (sở hữu dịch vụ Vietnamworks và Navigos Search). Được ngân hàng Morgan Stanley tư vấn, en-japan đã mua đến 89,8% vốn của Navigos Group và dự kiến sẽ mua 10,2% còn lại vào năm 2016.
Ông Craig Saphin, Chủ tịch en world (thuộc en-japan), cho biết, ngoài tiềm năng của thị trường lao động trẻ hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, en-japan mua Navigos Group còn là để hỗ trợ các công ty Nhật đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Theo ông, càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp Nhật tuyển dụng các vị trí điều hành từ cấp trung đến cấp cao tại chỗ để quản lý hoạt động kinh doanh tại thị trường mới nổi này. Đại diện en-japan cho biết họ sẽ góp phần giúp các công ty Nhật mở rộng và phát triển hơn tại Việt Nam.
Tương tự như doanh nghiệp Hàn Quốc, công ty Nhật cũng có thói quen gắn bó chặt chẽ với nhau khi đầu tư ra nước ngoài. Ông Trần Ngọc Dũng, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành hãng nghiên cứu thị trường FTA Research, cho biết một trong những lý do Tập đoàn Intage (Nhật) quyết định mua lại doanh nghiệp là để phục vụ cho làn sóng các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam.
Việc Intage mua lại FTA Research cũng là một thương vụ đáng chú ý ở mảng dịch vụ nghiên cứu thị trường trong 2 năm trở lại đây.
Cuối năm 2011, Intage mua lại 80% vốn của FTA Research để kiện toàn dịch vụ của Tập đoàn và nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng Nhật ở Việt Nam.
Trước khi Intage mua lại FTA Research, hai bên đã có hơn 5 năm hợp tác với nhau.
Nếu như các tập đoàn Âu - Mỹ thường chỉ nhìn vào những con số để quyết định thì người Nhật lại khá “cảm tính” trong quá trình tìm hiểu các cơ hội M&A. Bên cạnh những tiêu chí không thể thiếu như tình hình kinh doanh, cơ sở vật chất hay nguồn nhân lực, thì phản hồi của khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng được Intage dùng làm cơ sở để đánh giá các đối tác tiềm năng. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn chính là yếu tố nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Dũng cho biết, trong suốt 5 năm hợp tác trước khi bán cho Intage, hai bên đã có khá nhiều dịp tiếp xúc với nhau thông qua việc ăn uống, đi cà phê hay đánh golf… những hoạt động tưởng như bên lề nhưng lại là cách để phía Nhật đánh giá văn hóa ứng xử và tính cách của chủ doanh nghiệp. Theo ông, người Nhật rất coi trọng tư tưởng dài hạn trong kinh doanh và mong muốn đối tác của họ cũng phải như vậy. Đây cũng là lý do khiến một số cuộc đàm phán M&A Nhật bị thất bại vì phía Việt Nam muốn bán để chạy.
Tư tưởng dài hạn của người Nhật còn được thể hiện rõ trong các điều khoản của thương vụ. Trước Intage, FTA Research từng được một số tập đoàn Anh và Mỹ đặt vấn đề mua lại nhưng chỉ yêu cầu ban lãnh đạo tiếp tục làm việc cho công ty trong khoảng 3 năm. Intage thì khác. Tập đoàn này bắt buộc lãnh đạo của FTA Research phải gắn bó tiếp ít nhất 7 năm và chưa có ý định mua 20% số vốn còn lại của Công ty. Phía Việt Nam cũng phải đợi hết khoản thời gian nói trên mới được quyền bán 20% này cho bên thứ ba.
Hơn hai năm sau khi mua lại FTA Research, chiến lược “hỗ trợ đồng hương” của Intage đã có thể được nhìn thấy qua cơ cấu doanh thu của công ty này. Trong năm 2012, doanh thu từ khối Nhật của FTA Research đã tăng lên, chiếm 50% tổng doanh thu, mặc dù chỉ có 20/60 khách hàng của họ đến từ đất nước mặt trời mọc. Cũng trong năm ngoái, tăng trưởng doanh thu từ khối Nhật của FTA Research đã đạt 100%, trong khi doanh thu từ những khách hàng còn lại chỉ tăng được 10%.
Ở lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực, sau thương vụ en-japan mua Navigos Group, việc tập đoàn Recruit Holdings đầu tư vào Anphabe cũng rất đáng chú ý. Recruit Holdings là tập đoàn giải pháp nhân sự Nhật với doanh thu 10,52 tỉ USD vào năm ngoái. Còn Anphabe thì sở hữu và vận hành mạng cộng đồng các nhà quản lý với hơn 85.000 thành viên, đồng thời chuyên cung cấp các giải pháp quản trị nhân sự tập trung vào phân khúc cao cấp.
Đầu tháng 9.2013 vừa qua, Anphabe công bố vừa hoàn tất việc nhận đầu tư để bước đầu chuyển quyền sở hữu 19,8% cổ phần cho Recruit Holdings với lộ trình nâng dần tỉ lệ sở hữu của tập đoàn Nhật này tại công ty trong tương lai. Khoản đầu tư này được Recruit Global Incubator Partners (RGIP), công ty con trực thuộc tập đoàn Recruit Holdings, thực hiện. Theo ông Akihiko Okamoto, Chủ tịch RGIP, bên cạnh tiềm năng của thị trường nhân sự Việt Nam, sự khác biệt trong định hướng kinh doanh của Anphabe chính là lý do khiến họ quyết định đầu tư vào công ty này.
Là một tập đoàn lớn của Nhật, Recruit Holdings thực hiện chiến lược mở rộng bằng M&A theo hai con đường: mua lại công ty có doanh thu lớn đã thành công trên thị trường và đầu tư vào công ty nhỏ nhưng tiềm năng phát triển lớn.
Thương vụ Anphabe rơi vào trường hợp thứ hai vì công ty này sở hữu một mạng cộng đồng doanh nhân lớn và là đơn vị cung cấp nhóm dịch vụ xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Anphabe, cũng đồng ý với tư tưởng dài hạn của người Nhật.
Con đường Anphabe đang đi không giống bất kì công ty dịch vụ nhân sự nào của Việt Nam. Đại diện Anphabe chia sẻ rằng mục tiêu trong thời kỳ đầu của công ty là xây dựng cho được một mạng cộng đồng đông vui với nhiều hoạt động kết nối cho các nhà quản lý chứ chưa đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy doanh thu lúc đó chủ yếu đến từ hoạt động marketing cho các thương hiệu muốn xây dựng hình ảnh hướng đến cộng đồng này.
Ở giai đoạn hai, khi đã thu hút trên 50.000 thành viên, Công ty mới bắt đầu liên kết với các đơn vị săn đầu người uy tín và tư vấn cho người tìm việc cấp cao. Hiện nay, khi lượng thành viên đã vượt qua con số 85.000, cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn từ RGIP, Anphabe đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ nhân sự mới cho doanh nghiệp, trong đó nổi bật là nhóm dịch vụ xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.
Bên cạnh Unilever, khách hàng thứ hai sử dụng dịch vụ xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng của Anphabe là Suntory PepsiCo (Nhật), công ty đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh nước giải khát của PepsiCo Việt Nam.