QR Code – Thế giới đã thành công như thế nào?
Chiến dịch giành được giải Vàng trong hạng mục Media Lion của Cannes Lion mang tên “Back to Vinyl – The office Turntable” do Ogilvy Đức tư vấn cho Kontor, hãng đĩa chuyên sản xuất nhạc dance lớn nhất thế giới. Một trong những điểm độc đáo của chiến dịch là việc sử dụng QR Code sáng tạo.
Trong những chiến dịch của Việt Nam, có thể thấy QR Code được sử dụng hời hợt, hiếm khi đem lại hiệu quả thực sự. Liệu do QR code đã hết thời hay do chúng ta chưa tìm được cách phù hợp để triển khai? Chúng tôi xin giới thiệu một vài chiến dịch áp dụng QR code thành công trên thế giới với ứng dụng vô cùng đa dạng và thú vị.
1. Chiến dịch “Back to Vinyl” (tạm dịch: Quay về thời đĩa than)
Như đã giới thiệu ở trên, đây là một chiến dịch của hãng đĩa Kontor lừng danh nhằm giới thiệu sản phẩm âm nhạc của Boris Dlugosch đến giới quảng cáo. Tuy nhiên họ chỉ nhắm cụ thể vào đối tượng mục tiêu ”khó nhằn” nhất: giám đốc sáng tạo của các agency, cũng để tránh tình trạng đĩa CD được gửi tràn lan và chỉ đến được tay thư kí hoặc thậm chí bị ném vào thùng rác.
Để tiếp cận nhóm đối tượng này cần một ý tưởng thật sự đột phá, phản ánh thực chất về doanh nghiệp và sản phẩm để tạo ấn tượng mạnh. Không có gì tuyệt vời hơn là sự kết hợp giữ công nghệ thông minh thời hiện đại và những công nghệ ”cổ điển” đã ra đời cách đây nhiều năm – chiếc đĩa than với màu vàng cam thời trang có thể được nghe bằng chính phong bì dạng hộp đi kèm. Không cần download. Không cần phụ kiện rườm rà. Chỉ cần một thiết bị kĩ thuật số duy nhất là bạn có thể thưởng thức âm nhạc trong chiếc đĩa than ấn tượng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm một cách để vượt qua tất cả những trở ngại để đưa chiếc đĩa đến cho đối tượng và thuyết phục họ nghe những sản phẩm âm nhạc này. Như những DJ thực thụ, chúng tôi biết luôn luôn có một cách khiến khách hàng bị cuốn hút thực sự: chơi nhạc bằng những chiếc đĩa than chuẩn và chất. Và đó chính là sản phẩm độc đáo gửi đến những giám đốc sáng tạo: không phải đĩa CD, file MP3 hay USB mà là những chiếc than theo phong cách cũ.”
Kết quả: 71% trong tổng số 900 office turntable gửi đi được kích hoạt. Tỉ lệ này cao hơn 64% tổng số tương tác với những chiến dịch trước đó của Kontor. 42% đã ghé thăm cửa hàng online của Kontor sau khi sử dụng The office turntable. Hãng đĩa cũng nhận được rất nhiều phản hồi hữu ích từ những nhân vật VIP trong ngành công nghiệp quảng cáo.
2. Chiến dịch của Victoria Secret – Sexier than Skin
Tiếp nối truyền thống marketing rất sáng tạo cho những sản phẩm nóng bỏng, Victoria Secret đã sử dụng QR code cho một chiến dịch quảng bá ”bí mật” của mình. Nhận ra một trong những tính chất đặc thù của QR code là việc mã hóa hình ảnh hoặc chữ viết có thể kích thích sự tò mò, ưa khám phá của người xem quảng cáo, Victoria Secret đã biến những poster quảng cáo của họ đặt tại vị trí công cộng trở thành một bí mật không thể không khám phá.
Tại các địa điểm công cộng đông người qua lại, Victoria Secret mạnh dạn cho đặt các poster hình những ”thiên thần” của hãng với đường cong nhạy cảm được che hững hờ bằng một QR code. Một người dùng hiện đại và cởi mở hẳn sẽ muốn scan những QR code này ngay lập tức để tìm ra thông điệp được in rất táo bạo trên poster: "Khám phá bí mật của Erin", "Khám phá bí mật của Lily",… và nhận được hình ảnh người mẫu với những trang phục lót gợi cảm của Victoria Secret. Bên cạnh bức hình đầy đủ của những người mẫu này, thông tin về sản phẩm cũng như hướng dẫn để mua hàng online cũng được tự động hiển thị, khuyến khích hành động mua hàng từ người xem.
Kết luận: ”Sexier than skin” là một chiến dịch marketing du kích có thành công ngoài sức mong đợi với hiệu quả tối đa từ nguồn lực tối thiểu. Chiến dịch đã nhận được rất nhiều phản hồi đa chiều từ phía người xem, tuy vậy không ai có thể phủ nhận những chiến dịch khai thác sự sexy một cách hợp lí hoàn toàn có thể gây tiếng vang lớn và mang lại thành công cho thương hiệu.
3. Chiến dịch của Heineken
Bên thềm festival Open’er Music tại Ba Lan, Heineken đã cho thực hiện chiến dịch U – code và sử dụng QR code để nhấn mạnh và hỗ trợ cho thông điệp mới của hãng: "Open your world".
Với nhiệm vụ phổ biến thông điệp mới của hãng trong concert Open’er Music, Heineken đã bắt đầu chiến dịch bằng một câu hỏi rất đơn giản "Why do people go to music festivals? (Lí do khiến mọi người lại đến các festival âm nhạc?). Câu trả lời vô cùng đơn giản: âm nhạc và cơ hội để kết bạn. Ý tưởng để đưa những người yêu âm nhạc đến gần nhau hơn bằng ứng dụng QR code đã ra đời. Đến với Open’er Music, tất cả mọi người có thế tìm đến với activation booth (điểm hoạt động) của Heineken để tạo cho riêng mình một đoạn giới thiệu bản thân theo cách riêng và được mã hóa bằng QR code. Mã này sau đó được in ra giấy dán và gắn lên quần áo của họ. Những QR code với nội dung độc nhất đã trở thành cầu nối xóa tan đi những ngại ngùng ban đầu của những người tham gia festival. Họ tự tin (và có lí do chính đáng) để tiếp cận một đối tượng khác để scan QR code và bắt chuyện làm quen. Rất nhiều người tham gia festival đã có thêm bạn mới và hơn hết, thông điệp mới của Heineken vì thế cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội một cánh rộng rãi bởi người tham gia.
Kết quả: Trong vòng 3 ngày của festival, hơn 5.000 QR code đã được tạo ra và hàng chục nghìn người có cơ hội tiếp xúc với thông điệp ”Open your world” như Heineken mong muốn. Chiến dịch của Heineken đã thành công rực rỡ trong việc tiếp cận đối tượng mục tiêu với một chi phí vừa phải.
4. Chiến dịch Budlocks của Budweiser
Một ví dụ thành công khác trong việc sử dụng QR code là chiến dịch Budlocks của hãng bia Mỹ Budweiser tại Ecuador để kéo dài "Happy Hour" với QR code. Với chương trình này, trong khoảng thời gian Happy Hour tại các địa điểm nhất định, khi mua bia Budweiser, khách hàng sẽ nhận được một mã QR, khi được scan tại chiếc đồng hồ điện tử Budlock, mã này sẽ tự động gia tăng thời gian của Happy Hour trên đồng hồ, giúp khách hàng có thêm thời gian để hưởng những ưu đãi đặc biệt của địa điểm giải trí. Chiếc đồng hồ Budlock đã tăng nhận diện thương hiệu Budweiser từ việc tặng khách hàng những lợi ích thiết thực với nhu cầu của họ.
Kết quả: Trong khoảng thời gian thực hiện chiến dịch, Budweiser đã gia tăng được hơn 6.000 phút Happy hour và đưa chiến dịch đến với 50.000 người với hơn 44.000 người là khách hàng mới của hãng.
Trên thực tế, QR code có thể đem lại những kết quả thành công vượt mong đợi nếu được sử dụng sáng tạo và mang đến những trải nghiệm bất ngờ, đặc biệt là áp dụng với những ”Activation” cụ thể. Tuy vậy, cũng có một vài chú ý khi sử dụng QR code như sau:
- Điều đầu tiên, và đương nhiên, đảm bảo rằng ý tưởng và phương pháp bạn sử dụng phù hợp với doanh nghiệp, chiến dịch: hãy lập kế hoạch sau đó hành động luôn luôn kèm theo mục tiêu cụ thể.
- Để đọc được QR code cần một chiếc smartphone hoặc tablet, phải cài ứng dụng đọc được QR code. Vì vậy rào cản để ”chạm” tới khách hàng tiềm năng là rất lớn. Bạn hãy đảm bảo rằng, thông tin chức đựng trong mã code của bạn thực sự hấp dẫn để kích thích hành động của cộng đồng.
- Chú ý luôn luôn có call-to-action thực sự hấp dẫn và link đến một địa chỉ có thể đọc được trên mobile/tablet.
- Sử dụng QR code có kích thước phù hợp và ở những nơi khách hàng có thể dễ dàng đứng và scan mã code. Tuyệt đối tránh những vị trí quá xa không thể scan được, vị trí nguy hiểm hoặc không phù hợp,…
- Kiểm tra, kiểm tra và kiểm tra: hãy đảm bảo các phiên bản của những dòng máy mobile/tablet khác nhau đều có thể đọc được thông điệp của bạn.
- Cuối cùng, theo dõi kết quả: Bạn có thể tìm hiểu những ai, bao giờ, bao lâu, và dòng hoạt động của người scan mã QR. Customer insights (thông tin về khách hàng) luôn là tài sản quý báu mà công nghệ mới trên mobile có thể mang lại cho doanh nghiệp.