Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Các doanh nghiệp gốc Hoa đang đóng góp bao nhiêu vào GDP của Việt Nam? Không thể ước tính được tỉ lệ này. Nhưng trong số nhiều tên tuổi doanh nghiệp tại Việt Nam, không thể không nhắc đến những cái tên như Sacombank, Kinh Đô, Thiên Long, Thái Tuấn, Đức Phát, Đại Đồng Tiến, Minh Long hay Biti’s. Những công ty này đều do các ông chủ gốc Hoa gầy dựng nên từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn Đổi Mới. Theo thời gian, các ông chủ gốc Hoa này đã gặt hái được những thành quả tốt.

Vưu Khải Thành trong cộng đồng doanh nhân gốc Hoa

Công ty Kinh Đô của hai anh em Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên, là doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo từ năm 1993 và hiện nay đã trở thành tập đoàn thực phẩm đạt doanh thu hơn 4.000 tỉ đồng năm 2012, dù đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm vì đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, còn có công ty Thiên Long của ông Cô Gia Thọ, một doanh nghiệp khởi đầu vào năm 1981 chuyên sản xuất bút bi quy mô nhỏ và trưởng thành 30 năm sau đó, với doanh thu hơn 1.200 tỉ đồng cùng tỉ suất lợi nhuận 20%.

Công ty Biti’s của gia đình Vưu Khải Thành cũng cùng thời với công ty của các ông chủ người Hoa nói trên. Họ đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành da giày Việt Nam, chiếm 15% thị trường trong nước với doanh thu nội địa hơn 1.000 tỉ đồng và tỉ trọng xuất khẩu đạt 50% trong cơ cấu doanh thu công ty năm 2012.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải ThànhKhi nhìn lại con đường phát triển của Biti’s nói riêng và các doanh nghiệp gốc Hoa nói chung, có thể nhận thấy điểm chung nhất chính là sự căn cơ trong kinh doanh của họ. Họ đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ, sau đó phát triển kinh doanh dựa trên tiêu chí “sản lượng lớn là mục tiêu chủ đạo”. Kim chỉ nam này đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải để tâm tham khảo. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam, từng cho biết, bà cũng lèo lái con tàu doanh nghiệp trên đường tiến đến 3 tỉ USD theo phương châm này.

Bên cạnh sự căn cơ, các doanh nghiệp gốc Hoa có một lợi thế khác: thông hiểu những thị trường lân cận Việt Nam, những nơi có nhiều người Hoa như Trung Quốc, Đài Loan hay Campuchia. Điều này đã giúp họ rất nhiều trong quá trình mở rộng quy mô kinh doanh.

Công ty Thiên Long, chẳng hạn, sau khi chiếm được thị trường bút viết tại Việt Nam từ năm 2007 đã nghĩ đến xuất khẩu, cho đây là con bài chủ lực để có thể tiếp tục tăng trưởng. Và trong số những thị trường xuất khẩu tiềm năng thì Trung Quốc đã nổi lên như một sự lựa chọn của họ. Biti’s cũng thế.

Năm 1982, Vưu Khải Thành cùng vợ khởi đầu Biti’s với số vốn 200 triệu đồng, với 15 nhân công và những chiếc máy rỉ sét năng suất thấp, để sản xuất các loại dép cao su xuất khẩu, thị trường chủ yếu là Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng mọi việc chỉ suôn sẻ đến cuối thập niên 1980. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Biti’s cũng mất luôn thị trường chính.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, mặt hàng dép xốp cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Giày dép Thái Lan, Trung Quốc làm bằng chất liệu mới, đẹp, nhẹ và tiện lợi hơn dép cao su đã trở thành mặt hàng thời thượng tại Việt Nam khi đó. Xuất khẩu bết bát, bán trong nước cũng không xong, vợ chồng ông vẫn không bỏ cuộc và quyết định “công du” Đài Loan vào năm 1989, với hy vọng tìm cơ hội mới.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Dù Biti's được nhiều quỹ đầu tư tiếp cận, nhưng ông bà Vưu Khải Thành đều từ chối.

“Mọi hy vọng và nỗ lực đều không bị phụ”, bà Lai Khiêm, vợ ông Thành cho biết. Đến Đài Loan, họ đã nhìn thấy một loại dép xốp đặc biệt làm bằng chất liệu hạt nhựa EVA, có thể cạnh tranh được với dép xốp đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi đó, và họ nắm ngay cơ hội này. Vợ chồng Vưu Khải Thành ngày đêm tìm hiểu công nghệ EVA và dành tiền mua dây chuyền sản xuất mang về Việt Nam.

Ba năm sau khi phát triển sản phẩm này, công ty của gia đình họ Vưu trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành giày dép được xuất khẩu chính thức vào thị trường Trung Quốc. Theo bà, Trung Quốc, một thị trường đông dân, có thói quen sử dụng hàng tiêu dùng tương đồng với Việt Nam.

Ông Khải Thành đã chọn Tây Nam Trung Quốc là địa bàn để phát triển doanh nghiệp. Đây là khu vực giáp với Việt Nam, dân số hơn 420 triệu người với thị trường giày dép bị bõ ngỏ. Ông nhận thấy các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ mải mê xuất khẩu mà quên mất các thị trường rộng lớn của họ. Thế là, trong khi giày dép Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam bằng chiêu bài giá rẻ thì Biti’s nghĩ đến chuyện ngược lại: chinh phục thị trường đối thủ bằng các sản phẩm chất lượng tốt, có giá phải chăng.

Kết quả là sau nhiều năm phát triển, đến nay, doanh thu của Biti’s tại thị trường Tây Nam đã chiếm tới 80% tổng doanh thu của Biti’s trên toàn Trung Quốc. Năm 2006, ông Khải Thành tiếp tục đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế ở biên giới Lào Cai với tổng vốn 40 triệu USD, nằm cách cửa khẩu 50m, để mua nguyên liệu và sau đó, sản xuất giày dép và bán qua biên giới.

Trên tổng thể, Biti’s đã mở rộng chuỗi trung gian phân phối ở Trung Quốc lên 30 đơn vị với gần 500 đại lý bán lẻ, tiêu thụ hơn 2 triệu đôi/năm, tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm khoảng 30%.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải ThànhThắng ở thị trường Trung Quốc, ông Khải Thành tiếp tục xuất hàng sang Campuchia và Lào, những thị trường hấp dẫn trong khối Đông Dương. Và ông đã xây dựng ở 2 nước này được hơn 1.000 điểm bán lẻ. Vợ chồng ông cũng nỗ lực đưa hàng vào các nước Đông Âu và Trung Đông. Thành công của ông Khải Thành lúc ban đầu đã giúp Biti’s nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) của các đối tác Tây Âu, điều mà ít doanh nghiệp Việt Nam thời đó có được.

Có thể thấy, ông Cô Gia Thọ của Công ty Thiên Long và ông Vưu Khải Thành của Công ty Biti’s là 2 điển hình về sự cần cù, tập trung, chịu khó, không chấp nhận lùi bước, trọng chữ tín và đặc biệt nhanh nhạy với thị trường của các doanh nhân Việt gốc Hoa.

Thiên Long và Biti’s là hai doanh nghiệp ra đời rất sớm, vào đầu những năm 1980, một thời kỳ khó khăn và nhiều hạn chế của nền kinh tế bao cấp. Chủ của các doanh nghiệp này là những người Việt gốc Hoa đã nhanh chóng nắm bắt được thời cơ sau bước ngoặt Đổi Mới 1986 để vươn lên khẳng định vị trí top đầu trong các ngành nghề họ theo đuổi. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới về hội nhập, và các doanh nghiệp kiểu gia đình như Biti’s có thể sẽ gặp không ít khó khăn.

Vưu Khải Thành giải quyết bài toán “toàn cầu hóa”

Hiện nay, Biti’s đạt tăng trưởng doanh thu bình quân 25%/năm, có 4.500 đại lý trong nước và chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại 40 quốc gia và sở hữu một thương hiệu tên tuổi tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ông Khải Thành đang cảm nhận rõ nét những thách thức và vận hội cho ông khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, từng nhận định rằng có khả năng doanh nghiệp da giày Việt Nam sẽ không được hưởng nhiều lợi ích từ TPP như mong đợi. Ông lý giải, dù ngành da giày Việt Nam đã có tỷ lệ nội địa hóa ở mức trung bình là từ 50-65%, nhưng để thâm nhập các thị trường mở trong khối TPP như Mỹ hay Nhật, doanh nghiệp trong nước không thể theo đuổi mãi dòng sản phẩm trung cấp.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Ông Khải Thành đã nghĩ nhiều đến những gì ông đạt được và không muốn dừng lại với những thứ trung bình. Ông đã thử nghiệm sản xuất và xuất khẩu các dòng sản phẩm cao cấp cho Biti’s từ hơn 3 năm nay và kết quả vẫn chưa được như ý. Tuy nhiên, để làm được điều này, một trong những yếu tố quan trọng nhất là vật tư và nguyên phụ liệu. Trên cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu da giày nhỏ lẻ.

Bà Lai Khiêm bộc bạch: “Khi tham gia TPP, thuận lợi của chúng ta là mở rộng được thị trường, thuế suất thấp. Nhưng chúng ta sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ở các khâu của Biti’s tuy đang ngày một tăng lên, nhưng các loại hóa chất dùng cho sản xuất vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 40%. Việt Nam không mạnh về công nghiệp phụ trợ. Chúng tôi vẫn đang phải cố gắng tìm hướng đi thích hợp hơn”.

Bên cạnh thách thức về nguyên phụ liệu, vấn đề nguồn lao động tay nghề cao cũng là bài toán đau đầu đối với Biti’s khi Vưu Khải Thành muốn nâng cấp sản phẩm của Biti’s. Mỗi đôi giày thể thao cao cấp, khi hoàn thiện đều phải trải qua từ 200 đến 350 công đoạn kỹ thuật. Những công đoạn này rất phức tạp, đòi hỏi người lao động phải thực hiện thuần thục từng động tác với độ chuẩn xác cao.

Dù có hơn 7.000 công nhân tại 4 nhà máy, nhưng bà Lai Khiêm cho biết Biti’s vẫn không dễ dàng tuyển dụng công nhân cho kế hoạch mở rộng sản xuất sắp tới. Trong khi đó, vợ chồng Vưu Khải Thành dự định khai trương thêm một nhà máy tại Trà Vinh chuyên sản xuất giày thể thao cao cấp. Trong vòng hai năm trở lại đây, lao động ngành da giày tại Việt Nam đã trở nên rất khan hiếm, do công nhân dịch chuyển sang những ngành nghề khác bị các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thu hút.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Bà Lai Khiêm - vợ ông Vưu Khải Thành luôn nổ lực cùng chồng để quản lý thương hiệu gia đình

Một thách thức khác là nếu như trước đây, Biti’s phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phân phối độc lập (nhà bán lẻ) thì nay vợ chồng Vưu Khải Thành nhận ra, hệ thống này không còn hiệu quả. Họ quyết định phát triển chuỗi các cửa hàng tiếp thị riêng chỉ trưng bày sản phẩm của Biti’s.

Một trong những lý do dẫn đến quyết định nói trên, theo bà Lai Khiêm, là nhiều đơn vị bán lẻ thường nhập hàng loạt các loại giày dép xuất xứ khác nhau để bán, dẫn đến việc sản phẩm Biti’s bị “pha loãng”, không còn tạo được ấn tượng đối với người tiêu dùng như trước.

Và ông Vưu Khải Thành đã quyết định cải cách. Đến tháng 8.2013, ông đã xây dựng được 55 cửa hàng tiếp thị theo mô hình cửa hàng một điểm đến trên cả nước, diện tích từ 150-200 m2, kinh doanh các chủng loại sản phẩm giày dép từ người lớn đến trẻ em, nam lẫn nữ mang nhãn hiệu Biti’s.

“Với tốc độ giới thiệu mặt hàng mới ra thị trường vào khoảng 40 mẫu/tháng, kênh phân phối này được kỳ vọng sẽ giúp Biti’s củng cố sự hiện diện ở thị trường nội địa”, bà Lai Khiêm chia sẻ.

Gia đình trị: Rào cản hay cơ hội?

Cô Vưu Lệ Quyên, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Tiếp thị Biti’s, là con gái lớn của ông bà Vưu chính là người đứng sau ý tưởng chuỗi cửa hàng tiếp thị này. Ngoài bà Lai Khiêm và cô Vưu Lệ Quyên, ban lãnh đạo của Biti’s còn có 3 Phó Tổng Giám đốc khác đã đi làm việc tại Biti’s được hơn 20 năm.

Không chỉ riêng Biti’s, hầu hết các doanh nghiệp Việt có ông chủ gốc Hoa khác đều bị ảnh hưởng bởi tính gia đình, ngay cả đối với các công ty đã niêm yết.

Câu chuyện gia đình Vưu Khải Thành

Vưu Lệ Quyên, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Tiếp thị Biti’s

Công ty Thiên Long lên sàn chứng khoán từ năm 2010 và hiện có 4/8 thành viên Hội đồng Quản trị là người nhà của Chủ tịch Cô Gia Thọ. Còn Kinh Đô, một trong những công ty đại chúng lớn nhất ngành thực phẩm Việt Nam vẫn quản lý ít nhiều theo phong cách gia đình. Góp mặt trong Hội đồng Quản trị của công ty này có tới 5 thành viên trong gia đình Chủ tịch Trần Kim Thành.

Nếu vợ chồng Vưu Khải Thành vẫn giữ nguyên quan điểm “giữ lại cơ nghiệp cho con”, họ có thể sẽ phải đi theo con đường của Công ty Bata, một mô hình doanh nghiệp tương tự khá nổi tiếng trên thế giới.

Bata được sáng lập bởi ông Tomas Bata tại Cộng Hòa Séc từ năm 1894. Khởi đầu từ một xưởng đóng giày với 10 lao động, ngày nay, Bata đã phát triển thành doanh nghiệp giày dép phục vụ cho hơn 1 triệu khách hàng mỗi ngày. Công ty này vận hành 27 nhà máy tại 26 quốc gia, tạo công ăn việc làm cho 30.000 người. Bata cũng được sách Kỷ lục Guinness công nhận là hãng sản xuất và bán lẻ giày dép lớn nhất thế giới.

Ngày nay, Bata được điều hành bởi thế hệ F3, con cháu của dòng họ Bata, hoạt động trên toàn cầu theo mô hình phân quyền triệt để gồm 4 đơn vị kinh doanh chính: Bata Canada, Bata châu Âu, Bata châu Mỹ La-tinh và Bata Quốc tế. Bên dưới mỗi đơn vị này là hàng loạt các công ty con hoạt động riêng lẻ ở từng quốc gia và có quyền tự quyết. Do có phương thức hoạt động độc đáo như vậy nên Bata còn được gọi là “Liên đoàn các Công ty con của Bata”.

Trước năm 1975, Bata từng có một số cửa hàng đặt tại chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Chính nhờ sự bền chắc, giá phải chăng, không quá cầu kỳ về thiết kế nhưng vẫn lịch sự, thương hiệu này đã trở nên quen thuộc và vẫn tồn tại trong đời sống người Việt, giống như xe gắn máy là “xe Honda”. Đó cũng là một trong những bí quyết giúp doanh nghiệp tư nhân gia đình trị như Bata sống sót và phát triển bền vững từ hơn trăm năm nay.

Mô hình quản trị gia đình đã đưa công ty Biti’s phát triển qua hơn một phần tư thế kỷ nhưng lại chính là bài toán thách thức cho ông Vưu Khải Thành lúc này.

Tương tự như nhiều thế hệ doanh nhân F1 của Việt Nam khởi nghiệp với vốn kiến thức là kinh nghiệm thực tiễn, vợ chồng Vưu Khải Thành đã sớm nhận ra việc cần thiết phải chuẩn bị chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ F2.

Du học về nước năm 2004, Lệ Quyên có thâm niên 8 năm làm việc tại Biti’s. Người con gái thứ trong gia đình Biti’s là Vưu Lệ Minh cũng làm việc tại công ty được 5 năm. Và người con trai út Vưu Tuấn Kiệt thì đang chuẩn bị để đi du học.

Trên thực tế, nhiều ông chủ doanh nghiệp Việt gốc Hoa muốn chuyển giao cơ nghiệp vẫn còn nhiều việc phải lo dù con cái họ phần lớn đều học hành bài bản ở phương Tây. Và cũng có không nhiều doanh nghiệp gia đình thực sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ F2. Như trường hợp của Trịnh Chí Cường. Anh đang giữ chức Tổng Giám đốc của Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến, nhưng cha anh vẫn phải đứng sau. Hoặc Phó Tổng Giám đốc Lý Huy Sáng của Minh Long, mặc dù đã chứng tỏ được năng lực xây dựng chiến lược và kế hoạch cho công ty, nhưng cha anh vẫn phải hỗ trợ anh trong việc ra quyết định.

Khi được hỏi liệu ai là người có thể thay thế ông Vưu tiếp quản cơ nghiệp Biti’s, bà Lai Khiêm nhận xét, ngoại trừ đứa con út đang đi học thì hai người con gái vẫn phải cần thêm thời gian. Tuy nhiên, hai ông bà để ngỏ khả năng cất nhắc một cấp phó khác lên nắm quyền điều hành trong trường hợp hai người con gái chưa thể đảm được nhận vai trò này.

Tính gia đình thể hiện càng lúc càng sâu sắc trong công ty Biti’s. Vưu Khải Thành buộc phải chọn con đường phát triển cho Biti’s trong thời gian tới: hoặc tiếp tục giữ quyền kiểm soát, chấp nhận tăng trưởng cầm chừng, hoặc phải chấp nhận bán quyền sở hữu ra công chúng để tập hợp nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư