Ván bài Microsoft - Nokia
Một năm nay, Tổng Giám đốc Steve Ballmer luôn nhắc đi nhắc lại rằng tập đoàn phần mềm Microsoft phải nghĩ mình là một công ty “thiết bị và dịch vụ”. Để chuẩn bị cho bước chuyển mình này, hồi tháng 7 ông đã công bố kế hoạch tái cấu trúc với tên gọi “One Microsoft” .
Nay ông lại đi một bước táo bạo khác khi tuyên bố sẽ mua lại mảng thiết bị di động của Nokia với giá 7,2 tỉ USD vào ngày 3/9 vừa qua. Với bước đi này có thể nói Microsoft đã hoàn thành mọi khâu chuẩn bị quan trọng để trở thành một công ty “thiết bị và dịch vụ”.
Quá trễ cho Microsoft?
Microsoft và Nokia đã ký kết hợp tác chiến lược từ năm 2011. Theo thỏa thuận này, Nokia sẽ sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft trong các thiết bị di động của mình. Nhưng Ballmer cho rằng việc về chung dưới một mái nhà có thể tạo những đột phá lớn cho Microsoft.
“Chúng tôi nghĩ rằng mình đã tạo ra những tiến bộ lớn trong việc hợp tác với Nokia. Nhưng chúng tôi biết sẽ còn quãng đường dài nữa để đi và nhận thấy việc về chung một mái nhà là con đường tốt nhất cho cổ đông của hai công ty”, Ballmer cho biết.
Thế nhưng, giới phân tích lại hoài nghi về dự báo lạc quan của Ballmer. Vì sau gần 3 năm hợp tác với Nokia, hệ điều hành Windows Phone của Microsoft vẫn chỉ mới chiếm khoảng 4% thị trường smartphone (điện thoại thông minh) so với thị phần 90% của hệ điều hành IOS (của Apple) và Android (của Google).
“Tôi không chắc là liệu việc mua lại mảng điện thoại có giúp Microsoft làm ra những chiếc điện thoại tốt hơn so với khi họ hợp tác chiến lược với Nokia ”, Michael Morgan, chuyên gia phân tích thuộc ABI Research Inc., nhận xét.
Các nhà đầu tư của Microsoft cũng không tin vào triển vọng này, khiến giá cổ phiếu của Công ty giảm 4,6% xuống còn 31,88 USD/cổ phiếu vào thứ Ba tuần qua.
Điều khiến nhiều nhà đầu tư không hài lòng là Nokia không phải là con cá lớn. Nokia từng đi đầu trong lĩnh vực smartphone nhưng đã nhanh chóng đánh mất thị phần vào tay Apple và Samsung.
“Nokia giờ chỉ còn nắm 3% thị trường smartphone. Công ty đã mất 40% doanh thu của mảng thiết bị di động trong quý II/2013”, Hakan Wranne, chuyên gia phân tích tại Swedbank, nhận xét.
Đáng buồn hơn là thương vụ mua lại mảng điện thoại của Nokia dường như chẳng khiến cho các nhà phát triển ứng dụng cảm thấy hứng thú trong khi họ lại là người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Microsoft gia tăng sức hút cho các thiết bị Windows với việc làm giàu kho ứng dụng di động của Tập đoàn.
“Chúng tôi không muốn phí sức vào việc hỗ trợ hệ điều hành này, vì nó quá nhỏ”, Patric Geuder, đứng đầu mảng phát triển kinh doanh của nhà sản xuất videogame Minecraft, cho biết.
Ballmer cho rằng cách tốt nhất để thu hút các nhà phát triển ứng dụng là bán được nhiều thiết bị Windows Phone. Thế nhưng, Microsoft lại không có kinh nghiệm gì nhiều trong sản xuất thiết bị, ngoài máy chơi game Xbox.
Thách thức của Microsoft không chỉ là việc giành được sự ủng hộ của các nhà phát triển ứng dụng. Microsoft đang thực hiện những thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức.
Hồi giữa tháng 7, Ballmer đã tung ra kế hoạch tái cấu trúc gọi là One Microsoft đưa các bộ phận, vốn hay đụng độ với nhau, làm việc ăn ý với nhau hơn. Trong khi cơ cấu tổ chức mới đang dần định hình thì Ballmer, với vai trò là người tạo không khí êm ấm trong “đại gia đình” Microsoft, lại gây sửng sốt cho giới công nghệ khi cuối tháng 8 vừa qua, ông tuyên bố sẽ rời vị trí CEO trong vòng 12 tháng.
Việc thực hiện một cuộc thâu tóm lớn, dù trong thời bình, đã là một thách thức. Huống hồ chi, Microsoft lại thực hiện điều này trong bối cảnh có sự thay đổi bất ngờ về lãnh đạo. Điều đó càng khiến nhiều người cảm thấy bất an.
“Vấn đề tôi lo ngại là mức độ phức tạp của quá trình chuyển mình tại Microsoft khi Tập đoàn sáp nhập với mảng di động của Nokia cùng lúc với việc tái cơ cấu quản lý trong bối cảnh hệ điều hành Windows 8 bị sa sút. Nhìn ở góc độ đó, quả người ta phải lo sợ”, ông Michael Mace, nguyên là nhà điều hành cấp cao tại Palm và Apple, đang điều hành một công ty phát triển ứng dụng tại Thung lũng Silicon, nhận xét.
Đó là chưa kể đến việc Microsoft sẽ phải tìm cách dung hòa văn hóa làm việc, sau khi 32.000 nhân viên của Nokia gia nhập Tập đoàn.
Nếu, không nói đến áp lực tái cấu trúc tổ chức thì thương vụ Nokia sẽ đưa Microsoft lấn sâu vào lĩnh vực phần cứng hơn bao giờ hết. Lĩnh vực này cực kỳ phức tạp.
Ngay ở khâu quản lý chuỗi cung ứng ở nhiều nơi trên thế giới cũng là chuyện đau đầu. Mặc dù Microsoft đã thành công ở phần cứng với thiết bị điều khiển trò chơi Xbox, nhưng Hãng cũng va vấp rất nhiều.
Surface, máy tính bảng đầu tiên do Microsoft làm ra để cạnh tranh với iPad của Apple, đã có doanh số bán ảm đạm sau khi được tung ra vào năm ngoái. Trong quý vừa qua, Tập đoàn đã ghi lỗ 900 triệu USD liên quan đến chiếc Surface.
Dẫu vậy, không giống một số công ty như BlackBerry, Microsoft vẫn nắm trong tay rất nhiều tiền - 77 tỉ USD nên Hãng vẫn thừa khả năng để phát triển một chiếc lược di động. Nhờ lợi nhuận lớn từ mảng phần mềm cốt lõi, “Microsoft vẫn còn những lựa chọn nhiều công ty không có được”, Bill Whyman, chuyên gia phân tích tại ISI Group, nhận xét.
Thế nhưng, trong một thế giới di động cạnh tranh khốc liệt với khoảng cách thị phần quá lớn so với Samsung và Apple, ông Benedict Evans, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Enders Analysis, cho rằng: “Họ (Microsoft) đang tái cấu trúc nhưng e rằng điều đó đã không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi nghĩ họ đã quá trễ”.
Giải thoát cho Nokia?
Trong thương vụ thâu tóm trên, còn có một số phận được nhiều người quan tâm: Nokia. Sau khi Microsoft mua lại bộ phận thiết bị di động, công ty Phần Lan này sẽ còn lại những gì và phát triển như thế nào?
“Có nhiều cảm xúc từ thương vụ này. Nokia đã gắn liền với thiết bị di động trong suốt 2 thập kỷ qua. Giờ Nokia bán nó đi. Đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng Phần Lan sẽ có 2 công ty công nghệ mạnh”, Timo Ihamuotila, Giám đốc Tài chính Nokia, cho biết.
Hai mảng chủ lực ông Ihamuotila nói đến là bộ phận thiết bị mạng viễn thông và bộ phận các dịch vụ bản đồ. Bộ phận thiết bị mạng Nokia Solutions and Networks, chẳng hạn, hiện tạo ra 85% trong tổng doanh số bán 18,4 tỉ USD hằng năm của Công ty.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, khi không còn phải lo lắng với việc cạnh tranh trên thị trường di động, Nokia sẽ được tự do để xây dựng một công ty sinh lợi từ các mảng nói trên. Và số tiền có được từ việc bán mảng thiết bị có thể sẽ được dùng vào việc đầu tư đẩy mạnh 2 lĩnh vực trên.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu mảng thiết bị mạng và bản đồ của Nokia có đứng vững trên đôi chân của mình hay không. Bộ phận thiết bị mạng của Nokia đang phải cạnh tranh với các công ty viễn thông lớn như Ericsson (Thụy Điển), Huawei và ZTE (Trung Quốc) để giành hợp đồng của các nhà khai thác dịch vụ di động lớn nhất thế giới như China Mobile và Vodafone (Anh). Nokia, giờ là một công ty nhỏ hơn, sẽ càng khó cạnh tranh trên thị trường này.
Theo Tero Kuittinen, một chuyên gia phân tích độc lập của công ty phân tích di động Alekstra, Nokia có thể giành được một số thành công ở Mỹ và châu Âu, vì chính phủ các nước này vẫn còn e dè với Huawei và ZTE bởi các lý do an ninh, bảo mật. Tuy nhiên, Nokia sẽ phải đầu tư rất lớn để có thể cạnh tranh được với Ericsson.
Công cụ bản đồ có tên Here của Nokia chuyên cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu (GPS) cho các hệ thống dẫn đường trong nhiều mẫu xe ôtô. Ông Ihamuotila cho biết chi nhánh này, vốn tạo ra khoảng 1,3 tỉ USD trong doanh thu hằng năm, dự kiến sẽ bán dịch vụ GPS và giải trí cho các công ty không muốn phải xây dựng mọi thứ từ con số 0.
Các dịch vụ bản đồ Nokia có thể hấp dẫn các nhà sản xuất thiết bị vì Nokia không còn cạnh tranh với họ. Nhưng giá trị của các dịch vụ bản đồ Nokia có thể sẽ suy giảm khi Công ty rời bỏ lĩnh vực di động đã gắn liền với chúng.
Khi smartphone trở nên phổ biến, các bản đồ kỹ thuật số sẽ trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Bởi lẽ, khi người sử dụng tìm đường đi trên smartphone, các nhà cung cấp bản đồ sẽ thu thập thông tin từ smartphone đó để làm cho bản đồ trở nên chính xác và hữu ích hơn.
Google, một đối thủ của Nokia trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bản đồ, đã xem hàng triệu chiếc smartphone sử dụng phần mềm bản đồ của Công ty như một công cụ thăm dò dữ liệu để làm cơ sở dữ liệu của mình trở nên hoàn hảo, chính xác hơn.
Rõ ràng, thoát khỏi mảng điện thoại làm ăn thua lỗ chưa hẳn sẽ đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho Nokia. Nhưng ít nhất, Nokia đang có cơ hội để tái sinh như lời của Chủ tịch Nokia Risto Siilasmaa. Có vẻ như nhà đầu tư cũng cùng chung ý nghĩ khi giá cổ phiếu Nokia đã tăng tới 34% sau khi thương vụ mua lại được công bố