Thúc đẩy sáng tạo và phát triển ở Việt Nam
Sáng 27/8, tại VCCI đã diễn ra Tọa đàm "Sáng tạo và Phát triển" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS), Tập đoàn Trung Nguyên, Nhóm Giấc mơ Việt Nam và Công ty cổ phần xã hội điện tử Gafim phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Buổi toạ đàm đã tập trung chia sẻ, trao đổi kết quả nghiên cứu và thực hành tư duy sáng tạo, từ đó góp phần định hình vấn đề sáng tạo và phát triển ở Việt Nam; giúp truyền cảm hứng sáng tạo, niềm tin vào giá trị tốt đẹp cho các bạn trẻ; đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho cá nhân, tổ chức, quốc gia; kết nối trí thức trẻ, các doanh nghiệp sáng tạo; cổ vũ ngành Kinh tế sáng tạo tại Việt Nam.
Chương trình tọa đàm chia làm 2 phần.
Phần 1: Trình bày các báo cáo về chủ đề “Sáng tạo và phát triển” với 3 chủ đề: Sáng tạo và Khởi nghiệp, diễn giả là ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI; Sáng tạo và phát triển, diễn giả là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên; Sáng tạo đẳng cấp “Best In Class”, diễn giả là ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược FPT, Phó Giám đốc Chiến lược Trung tâm Khoa học Tư duy.
Phần 2: Giao lưu giữa doanh nghiệp và các bạn trẻ về sáng tạo.
Đúng 8h30 chương trình chính thức bắt đầu.
Tới tham dự chương trình có: Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI, Tưởng ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc Gia; Ông Hoàng Đức Thuận – Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo DĐDN, Phó trưởng ban thường trực Chương trình Khởi nghiệp; GS.TS Tô Huy Hợp – Giám đốc Trung tâm Khoa học và tư duy; Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo DĐDN, Tổng thư ký chương trình Khởi nghiệp; Bà Trần Tố Loan – Giám đốc đối ngoại Gafim Corp cùng các nhà khoa học trẻ, hội doanh nghiệp trẻ, sinh viên các trường đại học…
Về phía diễn giả có ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên; Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược FPT, Phó Giám đốc Chiến lược Trung tâm Khoa học Tư duy.
Sáng tạo và Phát triển
Bàn về Sáng tạo và Phát triển, trong đó có băn khoăn về tương lai dân tộc và nghĩ về sáng tạo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, có một số câu hỏi mà chúng ta cần phải xác định, là nỗi trăn trở đời người, đó là: Tại sao có người thành công - kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu - nước nghèo? Tại sao Việt Nam lại mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành quốc gia vĩ đại, hùng cường, có ảnh hưởng?...
Theo ông Vũ, thời đại ngày nay, chúng ta không những cần phát triển, mà còn cần phát triển bền vững. Sáng tạo có trách nhiệm làm nên phát triển bền vững. Những gì không sáng tạo sẽ được thay thế bởi máy móc. Những gì không bền vững, thiếu trách nhiệm sẽ bị nhân loại và thiên nhiên loại bỏ.
Ông Vũ cũng đưa ra 3 yêu cầu sáng tạo có trách nhiệm gồm: Tích hợp, bền vững và duy nhất. Ông Vũ cho rằng, kinh tế vẫn là loại hình sáng tạo trung tâm. Mọi lĩnh vực đều được tích hợp lại, xoay quanh, phục vụ kinh tế và từ kinh tế tạo ra các ảnh hưởng khác. Mỗi sản phẩm sáng tạo đều phải khác biệt, và trở nên duy nhất, trở thành số 1 và độc nhất cho một giải pháp, một thị trường nào đó. Tốc độ vận động và biến đổi ngày càng nhanh chóng và mạnh mẽ. Do vậy, sự sáng tạo phải được đặt trên nền tảng định vị chiến lược rõ ràng, trọng tâm, và nhất quán.
Ông Vũ đưa ra các nguyên lý bền vững gồm: Bền vững bên trong mỗi cá nhân, biểu hiện ở sự phát triển hài hòa của của cả thân thể, tâm hồn, trí tuệ; bền vững và hài hòa trong cộng đồng, dân tộc, quốc gia, khu vực; và bền vững với tự nhiên.
Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên cũng nhấn mạnh đến bản chất và ý nghĩa của cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và các tập đoàn đa quốc gia. Đó là một cuộc chiến sống còn về kinh tế, là một cuộc cạnh tranh tự chủ của quốc gia và là cuộc cạnh tranh bản sắc của các nền văn hóa. “Ý thức của người tiêu dùng (hay nếu nói nâng tầm là ý thức dân tộc, lòng yêu nước của người dân) nếu biết khơi dậy và phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ là ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp Việt” - ông Vũ khẳng định.
“Trong thời gian kinh tế gặp khó khăn hiện nay, các CEO của chúng ta nên phát huy vai trò và tầm quan trọng của mình để vực dậy doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để CEO chứng tỏ khả năng của mình trong vai trò quản lý doanh nghiệp, đóng vai trò hình mẫu trong đổi mới, xây dựng đội ngũ lãnh đạo mạnh và có tính cam kết” – ông Vũ nhấn mạnh.
Giao lưu về Sáng tạo
Bạn Phạm Dương Châu: Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa và anh Đặng Lê Nguyên Vũ có thể chia sẻ vài cuốn sách về sáng tạo mà các anh tâm đắc?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Để thành công thì kỹ năng thuyết phục là vô cùng quan trọng. Khoa học của nghệ thuật thuyết phục vô cùng quan trọng. Do đó, các cuốn sách về tâm lý học, xã hội học, binh pháp cũng cần phải xem xét và đọc lại trước khi đi vào chuyên ngành. Đối với tôi đó là những cuốn sách tạo nên nền móng cơ bản để hình thành các kỹ năng, tư duy và sáng tạo.
Một bạn sinh viên: Với Việt Nam thì làm thế nào để phát huy tối đa sáng tạo?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Điều đầu tiên trong sáng tạo là phải phát triển tự do. Dân tộc sáng tạo là dân tộc đó phải tôn vinh tri thức và tôn vinh cái đẹp.
Trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, chưa bao giờ Việt Nam lại có sự kết nối toàn bộ tinh thần trên toàn thế giới đến như vậy. Vậy nếu chúng ta đã giải phóng dân tộc thì phải giải phóng triệt để con người, xây dựng ý thức công dân, phát triển tri thức để thực hiện cuộc cách mạng Sáng tạo.
Một bạn tham gia buổi tọa đàm: Anh Vũ có thể cho biết khát vọng chung của Việt Nam là gì và mục tiêu mà dân tộc Việt Nam đang hướng tới?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Việt Nam đang có nền văn minh hài hoà và đầy đủ các điều kiện trở thành nền văn minh mới. Nếu định vị, Việt Nam phải là một mô hình phát triển bền vững của thế giới. Chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hoà, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển thế từ một quân trên bàn cờ thành người chơi cờ. Hãy quyết liệt vì mục tiêu chung ngay từ bây giờ.
Đã hơn 12h, rất nhiều câu hỏi từ Hội trường vẫn dồn dập được gửi lên cho Ban chủ tọa. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn, ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục nhận câu hỏi của các bạn đọc gửi về cho diễn giả qua địa chỉ mail: [email protected] hoặc [email protected]. Tháng 10/2013, một buổi tọa đàm tương tự sẽ được tổ chức tại TP.HCM.
Toạ đàm "Sáng tạo và Phát triển" kết thúc đã thực sự mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo có trách nhiệm, giúp định hình và thúc đẩy sáng tạo, phát triển ở Việt Nam, truyền cảm hứng sáng tạo, niềm tin vào giá trị tốt đẹp cho các bạn trẻ, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho cá nhân, tổ chức, quốc gia cũng như kết nối trí thức trẻ và các doanh nghiệp sáng tạo, từ đó cổ vũ sự phát triển của ngành kinh tế sáng tạo tại Việt Nam.