“Cuộc đua” mì ăn liền chưa có điểm dừng

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới về tiêu thụ mỳ gói, với 5,1 tỷ gói trong năm 2012.

Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của thị trường mì ăn liền ở Việt Nam luôn được ghi nhận ở mức hai con số và dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng lên.

Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 4,3 tỷ gói mì, thì đến năm 2012, mức tiêu thụ của thị trường đã tăng lên 5,1 tỷ gói. Hiện nay, mặt hàng mì ăn liền đã phổ biến trong cuộc sống người dân Việt Nam từ khu vực thành thị tới nông thôn. Chính vì vậy, sản phẩm này đã hấp dẫn các công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm trong và ngoài nước.

“Cuộc đua” mì ăn liền chưa có điểm dừng

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 50 nhà sản xuất mỳ ăn liền và các nhà sản xuất tập trung đầu tư và không ngừng mở rộng sản xuất. Đến nay, Công ty Vina Acecook đang có 7 nhà máy sản xuất mì gói đặt tại Tp.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Tháng 7/2012, Tập đoàn mì ăn liền Nissin Foods (Nhật Bản) cũng đã tham gia thị trường Việt Nam bằng việc công bố đưa nhà máy sản xuất mì ăn liền có tổng vốn đầu tư 41 triệu USD tại Bình Dương đi vào hoạt động. Nissin Foods là tập đoàn đã có 47 nhà máy sản xuất ở 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì ăn liền cho thị trường toàn cầu.

Cuộc đua thật sự khốc liệt khi các đại gia không ngừng rót vốn vào sản xuất mì ăn liền. Năm 2012, Vina Acecook đã tăng thêm vốn 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Tp.HCM có quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Chưa dừng ở đó, trong năm 2013, thị trường mì ăn liền sẽ có thêm sản phẩm của Công ty Cổ phần Kinh Đô sản xuất. Theo kế hoạch dự kiến, sản phẩm mì của Kinh Đô sẽ chính thức có mặt trên thị trường từ tháng 9/2013.

Hiệp hội Mì ăn liền thế giới đã thống kê, thị phần trên thị trường mì ăn liền Việt Nam đang nằm trong những công ty lớn. Hiện Vina Acecook đang dẫn đầu thị trường với 50% thị phần, đứng thứ hai là Asia Foods giữ hơn 20% và khoảng 10% là do Massan nắm giữ ở vị trí thứ 3.

Các doanh nghiệp còn lại chia nhau khoảng 20% thị phần còn lại. Ước tính, doanh thu toàn thị trường mì gói trong năm 2012 khoảng 20.000 tỷ đồng. Khảo sát của Euromonitor, một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền quy mô nhỏ hiện nay như Vifon, Saigon Ve wong (Aone), Colusa - Miliket... chỉ chiếm từ 2-5% thị phần.

Ghi nhận tại các siêu thị, khu vực kinh doanh mì ăn liền hiện rất phong phú, có hàng trăm chủng loại, từ mì gói đến mì ly, mì tô. Giá cả cũng đa dạng, từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/sản phẩm. Ngoài các loại mì sản xuất tại Việt Nam, thị trường còn nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc. Giá bán cũng từ 2.500 đồng/gói đến vài chục ngàn đồng/gói.

“Cuộc đua” mì ăn liền chưa có điểm dừng

Các nhà sản xuất cho biết, khẩu vị ẩm thực của người tiêu dùng ngày nay cũng đa dạng nên sản phẩm phải đáp ứng khẩu vị thì mới được chấp nhận. Điều này cho thấy, cạnh tranh trên thị trường mì ăn liền hiện khá gay gắt. Thương hiệu nào chậm đổi mới về kiểu dáng, chất lượng là sẽ bị loại bỏ ngay.

Sự cạnh tranh gay gắt khiến các thương hiệu mì của doanh nghiệp trong nước sản xuất ra đời sớm gặp nhiều khó khăn. Trường hợp của Công ty Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket là một ví dụ. Dù thương hiệu Miliket quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam từ những năm trước 1975 nhưng đến nay, với sự đổ bộ của các nhãn hiệu mới của các doanh nghiệp ngoại thì sản phẩm Miliket gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, tổng doanh thu năm 2012 đạt 540 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 37,3 tỷ đồng có thể thấy Miliket hiện chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ.

Ngoài mì ăn liền, ngành thực phẩm chế biến ăn liền còn có nhiều sản phẩm được chế biến từ bột gạo tới gần 70 loại sản phẩm khác nhau. Tất cả các món ăn của các vùng miền, từ bún, hủ tiếu, bánh đa, cháo đều được các công ty phát triển thành sản phẩm ăn liền.

Nói đến dòng sản phẩm chế biến từ bột gạo có thể tìm sản phẩm của các thương hiệu Vina Acecook, Bích Chi, Asia Food, Bình Tây, Colusa - Miliket, Masan, Vifon. Nhiều sản phẩm làm từ bột gạo có giá đắt hơn mì gói và được xếp vào loại sản phẩm ăn liền cao cấp.

Ngoài thị trường trong nước, các sản phẩm mì, bún, phở, hủ tiếu ăn liền của Việt Nam còn được xuất khẩu ra các nước như: Czech, Slovakia, Hungary và cả các nước có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm như: Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada...

Nguồn Chiến lược Marketing