Chuyên gia 'soi' slogan ngành du lịch Việt
Thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam rất cần để xác định các giá trị của ngành du lịch Việt mang tới khách hàng trên toàn thế giới.
Có nên chọn ẩm thực làm thương hiệu du lịch quốc gia?
Tại hội thảo “Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam” do Tổng Cục Du lịch tổ chức ngày 22/8, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đề xuất nên chọn ẩm thực là thương hiệu quốc gia. Theo đó, slogan của ngành du lịch Việt Nam có thể là: “VietNam – cuisine of the world” (Việt Nam - Ẩm thực của thế giới) hoặc “VietNam – spices of the world” (Việt Nam - Gia vị của thế giới).
“Trong tất cả giá trị nổi bật nhất Việt Nam nên chọn ẩm thực là thương hiệu quốc gia”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Tuy nhiên, trước đề xuất này ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Viện quản lý Việt Nam cho rằng: Thực sự, đồ ăn Việt Nam rất nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng cách định vị như vậy có ổn không? Điều quan trọng nhất của thương hiệu đó là sự độc đáo. Kế tiếp, sự độc đáo đó cần được khách hàng thừa nhận thay vì chủ nhân của thương hiệu đó đưa ra.
Xét trên khía cạnh này, câu slogan trên có vẻ chưa được hoàn thiện do trên thế giới có hàng trăm quốc gia. Song song với nó là hàng trăm kiểu chế biến món ăn khác nhau. Dân tộc nào cũng có thể nói phương pháp nấu ăn của tôi là duy nhất hoặc độc đáo nhất trên thế giới. Hiểu theo câu nói trên có thể suy diễn là đồ ăn Việt Nam đứng đầu trên thế giới khi so sánh với tất cả các kiểu nấu ăn. Thông tin đấy có thể đem lại những suy nghĩ không thiện cảm từ khách hàng trong tiềm thức. Sự so sánh nào cũng mang tính chất khập khễnh, đặc biệt khi nó liên hệ với tinh thần dân tộc.
Có thể thay đổi một ít cho slogan như "Việt Nam - Unique Cuisine" (Việt Nam - Ẩm thực độc đáo), các món ăn Việt Nam cân bằng và mang tính chất sinh thái khi sử dụng nhiều loại rau. Các món ăn Việt Nam mang ảnh hưởng của trường phái Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Châu Âu nhưng vẫn duy trì những nét tinh tế của cách nấu ăn Việt Nam bên cạnh những món ăn Việt Nam truyền thống.
Cho dù thay đổi như trên, slogan liên quan tới đồ ăn không thể áp dụng cho toàn bộ ngành du lịch Việt Nam. Khách du lịch tới các quốc gia trên thế giới chỉ để đáp ứng nhu cầu Ăn, Ngủ/Nghỉ, Chơi, Mua Sắm, Thăm Quan và các mục đích đặc biệt. Các mục đích đặc biệt này mang tính chất địa phương như tháp nghiêng tại Ý, hành Hương của người hồi giáo về thánh địa...
Mỗi một quốc gia muốn phát triển du lịch cần phải có các dự án phát triển các tài sản du lịch chiến lược. Slogan của ngành du lịch Việt Nam cần phải nêu được toàn bộ các giá trị của tập hợp các mục tiêu nói trên khi xây dựng chương trình truyền thông tới khách hàng.
Trong 4 slogan của ngành du lịch, "Việt Nam- vẻ đẹp tiềm ẩn" thể hiện tốt nhất tiêu chí này. Khi khách hàng du lịch nhìn slogan tự bản thân họ sẽ khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong các nhóm sản phẩm du lịch đã nói ở trên. Một khách hàng du lịch ẩm thực sẽ tự mình khám phá những giá trị tiềm ẩn trong các món ăn Việt Nam.
Tương tự như vậy, các khách hàng khám phá các cảnh thiên nhiên cũng sẽ thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn trong thiên nhiên Việt Nam. Nói chung họ sẽ vô cùng thích thú khi tự trải nghiệm, tự nhận thức và tự khẳng định các vẻ đẹp tiềm ẩn này hoàn toàn trùng khít với những giá trị mà slogan truyền tải cho họ trước khi tới Việt Nam.
Slogan nào cho du lịch Việt?
Nhìn rộng ra các nước xung quanh chúng ta, các slogan du lịch cũng mang ý nghĩa tương tự. Singapore với Uniquely Singapore (Độc đáo Singapore), Thái Lan với Amazing Thailand (Sửng sốt Thái Lan), Indonesia với Wonderful Indonesia (Tuyệt vởi Indonessia), Malaysia với Truly Asia (Thực sự Châu Á), Philippines với It is more fun in Philippines (Vui hơn ở Philippine). Tất cả những slogan của quốc gia xung quanh chúng ta đều sử dụng tính bảo toàn trong slogan, sử dụng cho tất cả các nhóm sản phẩm du lịch.
Điều quan trọng trong các slogan đó chính là sự phù hợp khi nghe, thấy và nhìn slogan và các trải nghiệm sau khi du lịch tại quốc gia. Cảm nhận trước và sau du lịch sẽ mang lại giá trị tối đa về thương hiệu đối với khách hàng.
Thế slogan của du lịch Việt Nam cụ thể như thế nào. "Vẻ đẹp tiềm ẩn" là một lựa chọn tốt tuy nhiên nó không có rõ ràng và gây mơ hồ đối với khách du lịch thế giới. Tất cả các slogan các quốc gia Asean đều truyền tải mạnh mẽ và rõ ràng các giá trị tới khách hàng.
Thương hiệu là cảm xúc. Các slogan nói trên đều mang trong mình cảm xúc tới khách hàng. Khi kết nối cảm xúc thành công có nghĩa là khách hàng bị ràng buộc bởi tình cảm – không phải lý trí. Khi kết nối bằng lý trí, các kết nối rất dễ dàng bị cắt đứt bởi những lựa chọn mà lý trí cho rằng tốt hơn. Charming Việt Nam có những giá trị hơn hẳn các slogan của các nước xung quanh về tính bền vững.
Duyên dáng là một cái gì đó vô hình rất nhẹ nhàng nhưng rất khó từ bỏ vì nó đã thâm nhập vào tiềm thức của du khách. Một nụ cười duyên dáng của cô hướng dẫn, tà áo dài thướt tha trong gió của thiếu nữ Hà Nội, vẻ đẹp trầm mặc của Hồ Gươm, nét mộc mạc của miền Tây hoang sơ, sự cổ kính của kinh đô Huế và vô vàn những nét chấm phá khác sẽ làm cho khách hàng càng xa và càng nhớ tới Duyên Dáng Việt Nam.
Nếu chúng ta làm tốt, nỗi nhớ về Việt Nam sẽ ngày càng trở nên cháy bỏng và thôi thúc khách du lịch quay trở lại để một lần sống trong cảm xúc đó nếu như họ đã trải nghiệm qua. Càng trải nghiệm, họ sẽ càng bị quyến rũ và mê hoặc từ những nét duyên ngầm của văn hóa, lịch sử, đồ ăn, phong cảnh, con người Việt Nam. Vấn đề cuối cùng đó chính là sự định vị tương đối so với các quốc gia bên cạnh. Charming Vietnam có những ưu thế khi nó tương tự với những slogan của các quốc gia châu Á khác. Các du khách dễ dàng cảm nhận được những giá trị mà chuyến du lịch Việt Nam mang lại so sánh khi đi sang Thái Lan, Singapore...
Dù có sử dụng Charming Việt Nam hay không, slogan du lịch Việt Nam cần phải đảm bảo ba tính chất đó là toàn bộ - áp dụng cho hết tất cả các sản phẩm dịch vụ du lịch, cảm xúc – kết nối cảm xúc với tiềm thức khách hàng và định vị cạnh tranh - slogan cần được xem xét định vị cạnh tranh với các quốc gia có những tiềm năng du lịch tương tự Việt Nam.