Cho EM "hạ cánh" đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page

Sau khi click vào link trong email thì người đọc sẽ “đi đâu về đâu?”.

Tiết tục theo tinh thần “mời người đẹp đi chơi” – thì điểm tiếp theo của quá trình chuẩn bị là “nơi ta hẹn hò” – nói theo thuật ngữ của EM là “landing pages” (trang “hạ cánh” – nói về trang nội dung mà người đọc sẽ được dẫn vào khi click vào email).

Sai lầm thô thiển và... kinh điển về landing page là dùng... trang chủ. Điều này cũng giống như mời cô gái đến ngồi ở... vỉa hè trước nhà bạn, và bắt đầu thao thao bất tuyệt: “Bên trong nhà anh đẹp lắm... ABCD”. Thôi nào, bạn chỉ muốn cô ấy thấy “toàn cảnh” của ngôi nhà, và cô ấy muốn đến phòng nào (trang nội dung) thì sẽ nói thôi. Đó là suy nghĩ của những anh chàng... Forever Alone hay của những doanh nghiệp có rất ít khách hàng.

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing pageBạn hứa hẹn với cô ấy điều gì trong lời mời (email) thì cần phải cho cô ấy thấy đúng và hơn những điều như vậy (trong trang nội dung). Nếu bạn hứa có một món quà (tải về miễn phí một tài liệu chẳng hạn) – hãy để nó ở nơi dễ nhìn và trang trọng nhất. Nếu bạn hứa về một khuyến mãi – hãy liệt kê thông tin chi tiết và cho phép người truy cập đăng ký ngay trong trang đó. Cách tốt nhất vẫn là tạo một Landing page riêng cho đợt khuyến mãi hay thông báo quan trọng này. Khách hàng chỉ cần click vào link ở email là vào ngay trang nội dung, không lộn xộn lòng vòng.

Mổ xẻ một landing page tốt

Thật ra thiết kế một landing page cũng như là một trang của website mà thôi, chỉ cần google là bạn đã có hàng tá bài viết rất hay về làm cách nào để thiết kế và soạn nội dung rồi. Vì vậy chúng tôi sẽ chia sẻ một vài vấn đề mà khi bắt tay làm mới vỡ ra và cũng chưa thấy nơi nào bàn đến:

- Thiết kế email thống nhất với thiết kế của landing page, điều này giúp người đọc không bỡ ngỡ sau khi click vào link. Người duyệt mail thường sẽ mở nhiều link từ các email nhận được rồi mới thong thả vào từng trang để xem, cho nên thiết kế landing page của bạn quá khác so với thiết kế email thì người đọc có thể không nhớ nó đến từ email của bạn hoặc tệ hơn là nghĩ từ một email khác.

- Phải chắc là các link đều tốt, không bị gãy, không bị nhầm. Điều này nghe hiển nhiên quá nhưng sao chúng tôi thỉnh thoảng cứ bị hoài, click vào link thì lại được dẫn đến một nội dung khác hoặc không vào được. Lý do đơn giản là: Các E-Marketies nhà mình đặt link có dấu Tiếng Việt, một số trình duyệt web sẽ không đọc được. Giải pháp là nên đổi link thành Tiếng Việt không dấu như “toiyeumarketing.com/thiết-kế-landingpage” thành “toiyeumarketing.com/thiet-ke-landingpage”.

- Branding phải chắc. Dù là khuyến mãi hay thông báo dời chi nhánh thì đừng quên đó cũng là một thông điệp truyền thông gởi từ nhãn hàng của bạn. Vì vậy, thiết kế từ màu sắc đến font chữ, văn phong, nội dung hình ảnh, logo, tagline phải theo đúng quy định nhận diện thương hiệu… Chính từ sự chuyên nghiệp và chỉn chu này mà khi người đọc nhận email, cách 8 thước nhưng vẫn biết là email của Vietnamworks (Trường hợp bị loạn thị hay mắt mờ do bị tình và tiền “hành”, không tính).

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page- Call to action. Đây là điều quan trọng nhất, vì landing page suy cho cùng là nơi ta thuyết phục khách hàng “hành động” như: gọi điện hỏi về sản phẩm, email cho bạn bè, đến cửa hàng đổi voucher… nên bạn phải chắc chắn rằng:

* “Vì sao tôi phải action”: Ghi thật rõ ràng, gọn gàng lợi ích mà bạn sẽ mang đến cho người click chuột.
* Số điện thoại ghi đúng. Một lỗi sơ đẳng đó là một số điện thoại đặt trên landing page khi chúng tôi gọi thì báo là không có, thử thêm vào số 3 thì gọi được, haiz… thử thách nhau quá. Nhớ cập nhật số điện thoại mới nhất của bạn và nhớ là có 3 line mà lúc gọi được lúc gọi không thì chẳng thà để 1 line chắc chắn gọi được.
* Bản đồ chỉ đường rõ ràng. Nói thì nói cho tới luôn, rõ ràng ở đây có nghĩa là đôi khi thay vì nói: “134 Đường số 1, Bình Tân” thì mở ngoặc đơn ra thêm “Đối diện bệnh viện Triều An” sẽ dễ dàng cho người đọc định vị gấp chục lần.
* Khi nào thì “Take action” được. Không nói nhiều, kể 3 vụ án mà chúng tôi đã dính:

1. 12h30 gọi cho sân khấu 5B Võ Văn Tần: “Chị cho em hỏi, do giờ hành chính bận quá nên em đến khoảng trưa hoặc sau 7h đổi vé được không?”. Trả lời: “Cậu hỏi vậy là sao, giờ này là giờ nghỉ trưa mà tui còn nghe điện thoại của cậu, thế cậu còn hỏi tui là trưa có làm việc không à, mà cũng hết vé tuần này rồi, tuần sau chưa có lịch!”

2. Sáng chủ nhật đến BHD đổi voucher “Anh thông cảm, anh đổi vé tuần sau nhưng lịch tuần sau thì phải thứ 2 tụi em mới có”. Dắt xe đi về, mất hết 1 tiếng đồng hồ mà không được gì.

3. 11 giờ sáng, “Anh thông cảm, tuy voucher không ghi nhưng sáng sớm tụi em không đổi hàng, anh quay lại khoảng 2h giùm em nhé. À mà voucher này tuy không ghi nhưng không đổi được “Hot girl điên loạn” đâu anh nhé!”

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page

Đây là điều đơn giản nhưng thể hiện một Marketie có kỹ lưỡng và thật sự nghĩ đến khách hàng không. Chỉ cần thêm vào “7h đến 6h chiều, kể cả chủ nhật” hoặc “Chỉ áp dụng từ sau 2h” thì đã không phí thời gian của khách hàng rồi. 3 nơi trên dù sau này nhận email cũng không mở, có mở vào landing page đẹp lung linh thì chúng tôi chắc chắn không bao giờ “take action”.

Một lời dạy ngày xưa khi học ở BMG mà càng lúc chúng tôi thấy càng “thấm”:

Ở trong phòng máy lạnh, Marketer lên kế hoạch, chiến lược ầm ầm, chạy truyền thông ào ào tiền tỷ mà không hay ở chi nhánh cách đó 100m, thằng gởi xe mắc dịch đang đuổi khách, con hầu bàn mặt đăm đăm khó chịu làm khách hàng ăn xong không một lời từ biệt…

Từ 3 ví dụ trên, các Marketies nhớ thường xuyên kiểm tra, thỉnh thoảng đóng vai khách hàng để xem con đường đến với dịch vụ, sản phẩm của mình có được hanh thông chưa hay bị mấy hạt sạn vớ vẩn như trên phá hoại. Tổng kết chiến dịch thấy kết quả không như ý thì lại đổ thừa EM không hiệu quả hay các E-Marketies làm chưa tốt, tội nghiệp sấp nhỏ.

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page- Lấy vừa đủ thông tin. Nếu mục tiêu của chiến dịch là tăng email database thì chỉ cần yêu cầu nhập email là đủ rồi, không cần phải địa chỉ thường trú, lược sử tình yêu… càng yêu cầu nhiều thì càng khiến người xem muốn đóng ngay cửa sổ lại.

- Tuyệt đối không dùng flash.

- Có các chức năng để người xem chia sẻ với cộng đồng của mình như Facebook, Twitter… hay “Send to friend” là chưa đủ. Việc ngồi nhớ email của bạn mình rồi lạch cạch nhập vào khiến người xem rất chi là làm biếng, vì vậy bạn cần đưa ra “mồi” như coupon giảm giá hay gì gì đó để chiêu dụ.

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page- Test, test nữa, test mãi. Đôi khi bạn sẽ té ghế khi nhận ra lý do ít người tương tác với Landing Page là vì không tìm ra được nút bấm (button) để click, đơn giản là tại thiết kế hơi trùng với màu nền. Những lỗi này không phải do bạn dở mà phần lớn là vì bạn và designer ôm nhau ngắm layout cả tuần, nhìn quen quá rồi nên không nhận ra. Hoặc có thể những câu văn bạn đặt cả tâm huyết, cắt gọt từng dấu câu nhưng chị hai của bạn (là đối tượng khách hàng mục tiêu) đọc xong lại phán “Không đủ thuyết phục” hay “Dài vậy, làm biếng đọc quá”… những lúc đó bạn phải nhìn lại đấy nhé. Ông bà mình vẫn hay nói “Người ngoài cuộc thì sáng suốt”.

Không cần phải xem quá nhiều, chỉ cần xem đi xem lại, nghiên cứu đúng những landing page vừa đẹp và hiệu quả trong việc trình bày, thuyết phục là đã đủ “lên trình” rồi. Chia sẻ cùng các bạn bộ sưu tập nhỏ nhỏ những landing page mà chúng tôi rất thích. Download here.

- ★ -

Làm việc hiệu quả với designer

Các vấn đề về thiết kế hay nút bấm to nhỏ gì đó thì chỉ cần đi 5 trang google với từ khóa “Best landing page” là sẽ ra ngập mặt. Hơn nữa những chia sẻ đó thiên về kiến thức design trong khi Marketies thì không trực tiếp bắt tay “bóp chuột”. Điều mà chúng ta nên trao dồi là khả năng đặt mình vào vị trí người designer để hai bên làm việc thật ăn ý, designer cảm thấy mình được tôn trọng, marketie thấy sản phẩm làm ra đúng ý mình, vậy là thành công win-win.

Đôi khi bạn nói rất pro:

Làm thật đơn giản thôi em, đừng cầu kỳ chi, rối lắm.

Nhưng khổ nỗi cái “đơn giản” trong đầu bạn sẽ khác hoàn toàn với bạn thiết kế. Bạn sẽ thấy nhan nhản các tip kiểu như “Simplify your content”, “Less is more”, “Tell only 1 thing”… Những lời khuyên này không sai, cực kì đúng, 100 năm sau vẫn đúng, tuy nhiên việc định nghĩa thế nào là “simple (đơn giản)” sẽ thay đổi theo thời gian, cùng với nhận thức thẩm mỹ của Marketies. Nếu bạn ít tiếp xúc với thiết kế, mới chơi EM vài lần thì khi bạn designer đưa ra thiết kế đẹp, đơn giản bạn cũng sẽ “chồm” lên:

Làm gì đơn giản thế, em nói đơn giản nhưng sao chị lại thấy đơn điệu em à?

Đôi khi trong thâm tâm đen tối còn có ý nghĩ:

Thằng này lười, làm nhiêu đó thôi mà đòi lấy tiền bà, đâu dễ thế cưng!.

Thế là bạn bắt đầu “hiếp” designer thêm vào cả tá hình ảnh lùng nhùng, icon kí hiệu, mật chú gì gì đó hầm bà lằng làm layout cuối cùng hết sức “chạng vạng”, rất là “Vinadesign”.

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page

Kết thúc dự án, designer ngậm một khối căm hờn “Marketie là lũ ngu, không hiểu gì là nghệ thuật”, bạn thì cà phê với đồng bọn và tự hào “Lần sau tìm đứa khác, thằng này chẳng qua chỉ là “thợ Photoshop”, tư duy thiết kế còn thua tao”.

Tặng thêm cho bạn đọc một câu chuyện rất vui và cũng rất thật về việc Marketie làm một thiết kế xinh đẹp trở nên í ẹ:

Cho EM hạ cánh đàng hoàng + download toàn bộ sưu tập landing page

Đỉnh cao của giao tiếp là lắng nghe, đỉnh cao của sáng tạo là đơn giản. Để làm được một thiết kế tinh gọn, designer đã phải thử qua hàng trăm phương án, cắn răng lấy ra những thành phần tuy đẹp nhưng không đóng góp nhiều vào ý tưởng… nhằm giúp người xem tập trung hơn, dung lượng trang web nhẹ để tải về lẹ hơn… Việc này đòi hỏi tài năng và kinh nghiệm, là nghệ thuật nên đôi khi người phàm nhìn hẻm cóa ra. Hãy lắng nghe và nhường đất cho designer sáng tạo vì đó là lý do bạn thuê họ. Như copywriter huyền thoại David Ogilvy đã nói “Don’t hire a dog and bark yourself”, tạm dịch:

Đừng mua chó về rồi tự ngồi sủa.

Bạn đọc cứ tìm hiểu các tips để có landing page tốt đi, xong rồi phải cày thật nhiều, nghiên cứu thật nhiều để nâng cấp “card màn hình” thẩm mỹ. Như một cuốn sách đọc hồi 15 tuổi, 10 năm sau đọc lại sẽ thấy “vô ào ào”, nhất là những điều ngày xưa ta bé ta ngu ta không hiểu nổi. Ngày nào bạn chưa học được cách làm việc với dân sáng tạo, bạn không bao giờ có được một Landing Page đẹp và hiệu quả. Sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng đôi khi con đường ngắn nhất là con đường dài nhất.

Phần 1: Giới thiệu Chuyên đề "Email marketing for marketers"
Phần 2: Những mong đợi sai lầm khi marketies tập tành sử dụng "EM"
Phần 3: Khi Marketer không thể thiếu EM
Phần 4: Thấu hiểu vẫn là thấu hiểu
Phần 5: Bắt tay xây dựng Database (thông tin khách hàng) ngay hôm nay
Phần 6: Marketies chắp bút viết copy
Phần 8: Cho em áo tốt, cho em áo đẹp - Những lưu ý trong thiết kế email
Phần 9: Download hướng dẫn sử dụng chi tiết Mail Chimp, hệ thống gửi mail miễn phí và tốt nhất hiện nay
Phần 10: Khi nào marketies hài lòng về EM?
Phần 11: [Case Study] Thiết kế email cho trường AiiM
Phần 12: EM là spam hay spam là EM? Những điều marketies cần biết về spam
Phần 13: Lời cuối cho EM

Nguồn Tôi Yêu Marketing