Sáng tạo là nói điều ai cũng biết

Các bức hoạ của Picasso thường rất đắt. Bức đắt nhất có giá đến 106 triệu USD. Mỗi nét cọ sáng tạo của ông đều “vẽ” ra tiền ra bạc. Người ta đổ hàng đống tiền để khuân về một bức vẽ của Picasso. Nhưng trừ một số ít người trong giới chuyên môn liệu có mấy người hiểu được thông điệp ông vẽ gì? Không quan trọng. Người mua sẵn sàng trả rất nhiều tiền vì tác giả của nó là Picasso.

Sáng tạo của tác phẩm nghệ thuật khác với sáng tạo các “tác phẩm” truyền thông marketing.

Một sản phẩm quảng cáo, bất kỳ dưới hình thức nào, dù đó là TVC, print ads hay một tấm billboard đều phải đặt ra mục tiêu tối thượng: giá trị cốt lõi của thương hiệu được thể hiện một cách sáng tạo nhưng phải dễ hiểu đối với khách hàng.

Khách hàng sẵn sàng mua một tác phẩm hội hoạ cho dù không hiểu. Nhưng khách hàng sẽ không mua sản phẩm khi họ không hiểu giá trị mang lại của sản phẩm đó là gì. Sáng tạo trong hoạt động marketing nhiều lúc “khó” hơn hoạt động sáng tạo nghệ thuật chính vì điều này. Những người làm nghề sáng tạo thương hiệu vừa phải biết “bay” trên mây với những ý tưởng “out-of-the box” vừa phải có đầu óc thực tế để giữ “hai chân trên mặt đất”.

Sáng tạo là nói điều ai cũng biết

Đây là lý do các agency về thương hiệu hay quảng cáo cần có sự kết hợp giữa “tư duy chiến lược” và “suy nghĩ sáng tạo” mỗi khi brain-storming một ý tưởng sáng tạo ứng dụng trong hoạt động truyền thông. Nếu mất cân bằng một trong hai yếu tố này một sản phẩm sáng tạo sẽ rất khó “nuốt” với khách hàng. Nó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật khó hiểu như đa số tác phẩm của Picasso– nghệ thuật nhưng chẳng ‘ăn’ được. Ở chiều ngược lại nó là một sản phẩm quảng cáo khô khốc như chiếc bánh mì khô – ăn được nhưng chẳng nghệ thuật.

Ai cũng thuộc nằm lòng rằng sáng tạo tạo ra sự khác biệt. Thậm chí khác biệt rất lớn. Đáng tiếc một số chuyên gia marketing có xu hướng “nghệ thuật hoá” quá mức và phức tạp hoá sự sáng tạo.

Một bộ phận những người làm sáng tạo có xu hướng cố tạo ra những sản phẩm lạ lẫm và khó hiểu đối với khách hàng. Chắc đã nhiều lần bạn đứng trước một poster quảng cáo hay nghe một TVC nhưng không thể đoán được thông điệp của chúng là gì. Đó là lúc bạn buộc phải “tiêu hoá” một dạng “tác phẩm nghệ thuật” khiên cưỡng của những người làm marketing đang cố trở thành nghệ sỹ. Họ mải mê đi tìm sự dị biệt (thay vì khác biệt) mà quên đi mục tiêu tối thượng của marketing sáng tạo: phục vụ khách hàng. Không giống như điều xảy ra tại phòng tranh triển lãm, nơi các bức tranh kiểu như “Nude,Green Leaves and Bust” của Picasso đã được một tỉ phú mua với giá hơn 100 triệu đô la Mỹ. Xin hồ đồ dự đoán rằng với đa số người trần mắt thịt, bức tranh này nếu không ký tên Picasso và bày bán trên hè phố không dám chắc nó sẽ được mua với giá vài chục đô la hay không.

Cái bẫy phổ biến khác của sáng tạo là phức tạp hoá mọi vấn đề. Ngôn ngữ sáng tạo thì phải cao siêu bóng bẩy. Hình ảnh thì phải càng khó hiểu càng tốt. Sai lầm. Bản chất và cái khó của sáng tạo là đơn giản hoá một vấn đề phức tạp. Mô tả những vẫn đề khó hiểu bằng ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu.

Người làm sáng tạo giỏi cũng không cần thiết phải là người phát hiện những điều mới mẻ. Họ là người có khả năng nói và làm những điều ai cũng biết. Tất nhiên trước khi họ nói và làm không ai biết nó diễn ra như thế nào. Có một nhà bác học đố bạn bè ông làm thế nào để để quả trứng theo chiều dọc lên bàn mà nó không rơi. Sau khi để mọi người nghĩ nát óc không ra giải pháp, nhà bác học mới bình thản mỉm cười đập nhẹ một đầu quả trứng cho rạn nhưng không vỡ và đặt lên bàn.

Khách hàng sẵn sàng mua một tác phẩm hội hoạ cho dù không hiểu. Nhưng khách hàng sẽ không mua sản phẩm khi họ không hiểu giá trị mang lại của sản phẩm đó là gì.

“Dấu hiệu thực sự của sự thông minh không phải kiến thức mà là trí tưởng tượng” (Albert Einstein)

Einstein còn nói thêm rằng, sự logic có thể đưa chúng tatừ điểm A đến điểm Z, còn trí tưởng tượng có thể đưa chúng ta đi khắp nơi. Nghe rất hay, phải không nào! Nhưng các marketers hãy cảnh giác. Đừng dễ dãi “bay khắp nơi” với những lời có cánh.

Trong marketing, một câu nói, một bức ảnh khác thường không phải là một sản phẩm sáng tạo chừng nào nó mang lại một thông điệp có ý nghĩa nào đó của thương hiệu. Khi đã rơi vào “hội chứng” cuồng sáng tạo, người ta dễ “ép” tất tần tật những cái vốn chỉ là “khác lạ” (thay vì “khác biệt”) vào cái tên mỹ miều “sáng tạo”.

Người làm nghệ thuật đơn thuần chỉ cần có trí tưởng tượng hơn người để cho ra những sản phẩm sáng tạo nhấn mạnh yếu tố duy mỹ. Nhưng người làm marketing sáng tạo cần cả hai: cả trí tưởng tượng và sự logic. Trí tưởng tượng giúp họ think “out-of-box”. Còn sự logic như sợi dây vô hình thông minh giúp họ không bay quá xa cái đích của sản phẩm sáng tạo: phục vụ khách hàng.

Nguồn BrandDance