Xây dựng thương hiệu Việt không chỉ là đặt một cái tên

Xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan để tạo ra cho được một "hình ảnh rõ ràng và khác biệt" - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ khi nói về các thương hiệu Việt hiện nay

Xây dựng thương hiệu Việt không chỉ là đặt một cái tên

Câu chuyện xây dựng thương hiệu Việt không phải bây giờ mới được nói đến nhưng nó vẫn mãi là vấn đề nóng cần bàn đến của doanh nghiệp Việt Nam khi nhìn vào con số điều tra với trên gần 500 doanh nghiệp, chỉ có 16% doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về marketing; 80% doanh nghiệp không có chức danh quản lý nhãn hiệu (brand manager); Doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh (bao gồm cả tư vấn về thương hiệu).

Xây dựng thương hiệu Việt không chỉ là đặt một cái tên

Thương hiệu Việt Nam có nhiều nhưng chưa vươn tầm quốc tế...

Và mới đây, trong buổi lễ khai giảng chương trình được Học viện Doanh nhân LP Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kể một câu chuyện nói lên thực trạng của việc xây dựng thương hiệu Việt Nam: “Tôi đã đi nhiều nước, và đôi khi cảm thấy rất tiếc khi hỏi những nhân viên khách sạn và được trả lời là họ không biết đến Việt Nam. Lý do họ đưa ra là họ dùng ôtô Nhật Bản, hàng điện tử Hàn Quốc, hàng tiêu dùng Thái Lan nên biết tới các quốc gia đó qua chính hàng hóa mà họ sử dụng”.

Trước thực trạng trên, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng lúc này các doanh nhân liên kết để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phát triển để đào tạo đội ngũ doanh nhân trẻ kế cận mới cùng “vượt bão” vì sự thịnh vượng của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu quốc gia.

“Với chữ tín, ý thức thương hiệu và sự gắn kết thì doanh nhân Việt hoàn toàn có thể đưa hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tới các thị trường quốc tế” – TS Lộc nói.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện nay việc hằng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nhiều doanh nghiệp khác “cắn răng” chịu lỗ để duy trì sản xuất, kinh doanh cho thấy đây là giai đoạn khó khăn lớn đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nhân nói riêng. Vì càng trong lúc khó khăn, doanh nghiệp Việt càng phải chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa.

Thương hiệu Việt không còn đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn là tài sản rất có giá trị, là uy tín của doanh nghiệp và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu Việt không chỉ là đặt một cái tên

TS Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể về câu chuyện thương hiệu Việt Nam

Xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan để tạo ra cho được một "hình ảnh rõ ràng và khác biệt" của riêng doanh nghiệp, để người tiêu dùng Việt khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp đó trong muôn vàn các hàng hóa cùng loại khác đang được bày bán tràn lan trên thị trường.

Bức tranh thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm của mỗi quốc gia hiện nay đang khiến doanh nghiệp Việt “thèm thuồng”. Người ta biết đến Phần Lan vì thương hiệu điện thoại nổi tiếng Nokia; biến đến Nhật Bản người ta nghĩ đến Honda, Sony, Toyota; Hàn Quốc là Sam Sung, Hyundai; biết nước Đức qua BMW, Mercedes… trong khi nhắc đến Việt Nam chưa một thương hiệu nào thực sự được thế giới ngưỡng mộ.

Nói như vậy không phải để chê doanh nghiệp Việt không biết xây dựng và nâng tầm thương hiệu nhưng trở ngại lớn hiện nay của doanh nghiệp là chưa có chiến lược thương hiệu bài bản, trong đó, cấu trúc thương hiệu là cốt lõi căn bản.

Cấu trúc thương hiệu là vấn đề tổ chức các thương hiệu nằm chung trong một hệ thống liên kết, với mục đích xác định rõ ràng vai trò và mối quan hệ của từng thương hiệu trong hệ thống, nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong việc truyền thông của từng thương hiệu trong toàn hệ thống. Đồng thời, tạo sự nhận biết dễ dàng với thương hiệu mẹ.

Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới

Khác với quá trình phát triển của các nước đi từ công nghiệp nặng lên tự động hóa, công nghiệp công nghệ cao. Do điều kiện riêng Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp, việc đi trước đón đầu giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận được với khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất.

Trở ngại lớn hiện nay của doanh nghiệp là chưa có chiến lược thương hiệu bài bản, trong đó, cấu trúc thương hiệu là cốt lõi căn bản.

Tuy nhiên như chuyên gia marketing Phin Kốt-lơ, người được coi là một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”.

Điều chuyên gia Phin Kốt-lơ muốn nhấn mạnh Việt Nam nên đi lên từ nền nông nghiệp của mình. Nếu nhìn điều kiện tự nhiên Việt Nam có rất nhiều lợi thế, cùng với khoa học kỹ thuật lợi thế đó dần trở thành thế mạnh của kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Nói đến Việt Nam ai cũng biết là một nước nông nghiệp, ai cũng biết Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, xuất khẩu hồ tiêu, ca su hàng đầu thế giới. Thế nhưng thương hiệu gạo nào của Việt Nam được thế giới biết đến? Thương hiệu cà phê, hồ tiêu nào của Việt Nam trở thành đại diện thương hiệu quốc gia? Câu trả lời là chưa có.

Việc doanh nghiệp cà phê Việt lần lượt báo thua lỗ nợ xấu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị ép giá một bức tranh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. Thực trạng đó nhắc đến đầu tư sản xuất nông sản đã không mấy doanh nghiệp mặn mà chứ chưa nói đến xây dựng thương hiệu, quản trị và cấu trúc thương hiệu.

Mới đây Tạp chí chuyên xếp hạng Forbes đã công bố danh sách 20 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh, trong đó từ thương hiệu hàng xa xỉ Louis Vuiton cho tới hãng công nghệ Apple đều có mặt trong danh sách này. Thương hiệu Apple đứng đầu bảng với giá trị được đánh giá gần 60 tỷ USD. Trong top 10 thương hiệu, ngoại trừ Nokia đến từ Phần Lan đứng chót bảng, 9 thương hiệu mạnh còn lại đều của Mỹ.

Các vị trí từ 11 đến 20 có phần "đa quốc tịch" hơn, bao gồm: Toyota (Nhật Bản), Cisco (Mỹ), Vodafone (Anh), HP (Mỹ), AT&T (Mỹ), BMW (Đức), Oracle (Mỹ), Louis Vuiton (Pháp), Mercedes (Đức) và Disney (Mỹ). Chờ mong một thương hiệu Việt nào được xếp hạng thương hiệu đắt giá trong phạm vi khu vực chứ chưa nói đến toàn thế giới có lẽ vẫn là câu chuyện dài chưa có lời kết.

Nguồn Báo Giáo Dục