Đâu rồi thập kỷ tăng trưởng của Apple?
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy “Quả táo” ngày nào đã không còn chín mọng như trước.
Thời hoàng kim đã qua?
Mức tăng trưởng thần tốc của Apple trong thập kỷ qua là một trong những câu chuyện được nói đến nhiều nhất trong giới công nghệ. Trong 10 năm qua, mỗi quý Apple đều báo cáo mức tăng trưởng doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt hơn 25% (mức thường xuyên là hơn 50%). Trong thời gian đó, Apple đã đi từ một công ty chỉ có chưa tới 2 tỉ USD doanh thu hàng quý, trở thành một gã khổng lồ với hơn 50 tỉ USD (thời hoàng kim của Apple). Trong hai quý liên tiếp của năm 2011, Apple đã đạt mức tăng trưởng tới hơn 80% và mỗi quý đã tạo ra hơn 10 tỉ USD doanh số bán tăng thêm (so với cùng kỳ năm trước). Một thành tích đáng nể.
Thế nhưng, kết thúc quý II năm 2013, doanh thu của Apple chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thực tế, đà doanh thu giảm đã xuất hiện từ hơn một năm nay (xem biểu đồ tăng trưởng). Nhưng con số 1% là nỗi thất vọng quá lớn. Nó nói lên một điều, thập kỷ tăng trưởng thần tốc của Apple đã chấm dứt.
Kết quả kinh doanh từ các sản phẩm “đinh” của Apple như iPhone và iPad cũng đầy thất vọng. Trong quý vừa qua, Apple chỉ bán được 14,6 triệu chiếc máy tính bảng iPad, thấp hơn con số 17 triệu chiếc cách đây một năm. Chiếc iPad mini 7 inch dù là một cú hích trên thị trường, nhưng dường như đã ăn vào miếng bánh thị phần chính “người anh” của mình. Mảng điện thoại thông minh iPhone đạt được kết quả tốt hơn khi bán được 31,2 triệu chiếc, tăng từ 26 triệu chiếc cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, ngay ở mảng điện thoại thông minh vốn chiếm hơn phân nửa tổng doanh số bán của Apple, công ty lại đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ giá rẻ đến từ Trung Quốc như Yulong, Lenovo, Xiaomi.
Theo tổ chức nghiên cứu Canalys, thị phần điện thoại thông minh của Apple trên toàn cầu trong quý II/2013 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý I/2009, trước sự bành trướng của các điện thoại thông minh có giá rẻ đến từ Trung Quốc, sử dụng hệ điều hành Android của Google. Theo Canalys, cứ trong 5 chiếc điện thoại thông minh bán ra trên toàn cầu, đã có 4 chiếc dùng hệ điều hành Android.
Hết hấp dẫn?
Giá cổ phiếu Apple đã giảm 26% còn 461,01 USD/cổ phiếu (phiên ngày 8/8/2013). Nếu so với mức đỉnh 705 USD/cổ phiếu hồi tháng 9/2012, đây là một khoảng cách quá xa.
Một dấu hiệu khác cho thấy sức hấp dẫn của các sản phẩm Apple đã phai nhạt khá nhiều là lượng khách hàng ra, vào các cửa hàng của hãng đã vãn hẳn. Trong quý vừa qua, trung bình mỗi tuần, lượng khách ghé vào các cửa hàng bán lẻ của Apple đã ít hơn 1.000 người so với một năm trước đó.
Có một thực tế là trong một thời gian dài, Apple vốn được xem là công ty công nghệ tiêu dùng sáng tạo nhất thế giới lại hầu như chưa tung ra một sản phẩm mới đột phá nào. Và vì thế, sự hồi hộp mong chờ những cú hích kiểu như iPhone, iPad ngày trước đã giảm xuống.
Một lý do lớn hơn là thời thế đã thay đổi. Apple đã nắm bắt tốt xu hướng chuyển đổi từ máy tính cá nhân sang điện thoại thông minh và máy tính bảng (được gọi là cách mạng “hậu máy tính cá nhân”), chiếm lĩnh phân khúc cao cấp có biên lợi nhuận cao. Thế nhưng, điều đó có thể sẽ không xảy ra ở cuộc cách mạng thứ hai đang diễn ra. Đó là xu hướng bành trướng của dòng điện thoại thông minh giá rẻ hơn và trọng tâm tăng trưởng đang chuyển từ các thị trường phát triển như Mỹ – thị trường chính của Apple, sang các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ – nơi có sức mua tiêu dùng mạnh nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.
Chính các thị trường mới nổi đang đóng vai trò là bệ phóng tăng trưởng cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ hơn như Lenovo và Yulong (của Trung Quốc) hay Micromax và Karbonn (Ấn Độ). Lenovo chẳng hạn, đã bán được 11,3 chiếc điện thoại thông minh có nhãn hiệu trên toàn cầu trong quý II/2013, nhưng tới khoảng 95% là bán ra ở Trung Quốc, thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, theo Canalys. Nhờ đó, Lenovo đã lần đầu tiên giành được vị trí thứ 3 trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, qua mặt cả Nokia và RIM – nhà sản xuất điện thoại BlackBerry. Apple vẫn còn có thể hưởng lợi từ các thị trường phát triển như Mỹ, nơi vẫn ưa chuộng các sản phẩm iPhone đắt đỏ. Tuy nhiên, như nhận xét của ông Chris Jones, chuyên gia phân tích trưởng của Canalys, “phân khúc cao cấp vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng sự tăng trưởng thần tốc sẽ đến từ phân khúc cấp thấp”.
Apple có thể làm gì?
Theo ông Jones, sự bành trướng của điện thoại thông minh giá rẻ ở các thị trường mới nổi có nghĩa là Apple cần phải tung ra những chiếc iPhone rẻ hơn (theo các nguồn tin thân cận, Apple có thể sẽ tung ra chiếc iPhone giá rẻ vào mùa thu năm nay). Việc đưa ra phiên bản cấp thấp của chiếc iPhone có thể mang lại rủi ro cho thương hiệu của Apple, vì trước đây Apple từng tuyên bố sẽ không bao giờ làm ra loại sản phẩm chất lượng thấp.
Hiện tại, Apple vẫn còn sống tốt nhờ vào phân khúc cao cấp, nhưng ngay cả phân khúc này cũng đang có dấu hiệu giảm biên lợi nhuận. Cách đây 2 năm, iPhone và iPad mỗi chiếc có giá bán trung bình 654 USD, nhưng hiện nay giá iPhone đã giảm xuống còn 581 USD, trong khi iPad rớt giá còn thê thảm hơn, chỉ còn 436 USD. Bây giờ, nhà đầu tư đang trông chờ vào những sản phẩm có cú hích sắp tới mà Tổng Giám đốc Tim Cook đã hứa hẹn.
Gene Munster, chuyên gia phân tích có nhiều năm theo dõi về Apple đã hỏi, liệu có sản phẩm mới nào có thể đưa Apple tăng trưởng như cách iPhone và iPad đã làm trong 6 năm qua? Câu trả lời của Tim Cook là: “Chúng tôi đang nghiên cứu một sản phẩm khiến cho Apple thực sự tự hào”. Khi được hỏi khi nào sản phẩm đó được tung ra, câu trả lời của Cook lại vẫn cứ mơ hồ: “Chúng tôi sẽ tuyên bố khi nào đã sẵn sàng!”
Tốt nhất Tim Cook nên nhanh chóng thực hiện lời hứa này, vì nhà đầu tư đã trở nên ít kiên nhẫn. Trong năm qua, giá cổ phiếu Apple đã giảm 26% còn 461,01 USD/cổ phiếu (phiên ngày 8/8/2013). Nếu so với mức đỉnh 705 USD/cổ phiếu hồi tháng 9/2012, đây là một khoảng cách quá xa.