Những cuộc nhân duyên ngoại khiến Diana "lột xác", Bibica điêu đứng
Trước thời khắc sinh tồn của doanh nghiệp và những cuộc chạy đua không cân sức, nhiều ông chủ thương hiệu Việt đành phải "bán con"..
Cuộc mua bán Diana: Đôi bên cùng có lợi?
Năm 1997, Diana là thương hiệu băng vệ sinh Việt của Công ty Cổ phần Diana, do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với tổng số tiền đầu tư ban đầu là 600.000 USD. Đến năm 2011, từ số tiền 600.000 USD, giá trị Diana vọt lên khoảng 200 triệu USD khi được chào bán.
Với câu khẩu hiệu “Là con gái thật tuyệt”, thương hiệu Diana đã cạnh tranh không ngừng nghỉ với đối thủ sừng sỏ trong thị trường sản phẩm băng vệ sinh là Kotex (thuộc Công ty Kimberly-Clark, từ Mỹ). Vào thời điểm đó, Diana hầu như không ngần ngại đầu tư vào trang thiết bị và công nghệ để đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh lành mạnh với Kotex ở mọi phân khúc trên thị trường.
Việc chi ra từ 9-13% ngân sách để quảng bá sản phẩm trên thị trường và chăm sóc các đại lý bán lẻ đã giúp Diana sớm đi vào thị trường người tiêu dùng Việt và chiếm vị trí ngang ngửa với sản phẩm cùng loại là Kotex đến từ Mỹ.
Nhưng càng xây dựng phát triển để chạy đua, cạnh tranh với những doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài doanh nghiệp Việt càng tỏ ra yếu thế trên đường đua dài. Diana không phải ngoại lệ, vốn ít không thể “sống mãi” bằng tiền tín dụng ngân hàng, trong khi so với đối thủ chính Kotex thì Diana thua hẳn về tài chính.
Thực tế đó khiến Diana muốn tăng trưởng bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong dài hạn buộc phải chọn 1 trong 3 con đường: Một là tiếp tục tự thân vận động bằng các nguồn vốn vay ngân hàng, Hai là phát hành cổ phiếu ra công chúng, và lựa chọn cuối cùng là sáp nhập với một đối tác chiến lược mạnh.
Là người kinh doanh nhanh nhạy, khi phát triển mức độ cao ông Phú và ông Minh biết rõ rằng nếu chỉ dựa vào tiềm lực của mình, Diana cũng sẽ chỉ phát triển trong nước mà chưa thể vươn xa đến thị trường toàn cầu. Vì lẽ đó, khi cơ hội đến, ông Phú đã quyết định chấp nhận bán Diana cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản).
"Quan điểm của chúng tôi là khi một công ty lớn mạnh thì nên chăng không cần soi quá kỹ vào cơ cấu sở hữu. Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam”, ông Phú nói.
Cuối cùng ông Phú cũng quyết định bán 95% cổ phần Công ty CP Diana cho tập đoàn Unicharm của Nhật theo tạp chí The Asset, thương vụ này trị giá 184 triệu USD. Đối với Unicharm, sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, từ năm 2007, sản phẩm ở phân khúc cao của Unicharm là băng vệ sinh Sofy và tã giấy Mamy Poko chưa thể phát triển mạnh và đạt thị phần như mong đợi (thị phần nhỏ đến mức không thể thống kê được).
Vì thế, mua lại Diana, Unicharm cùng lúc đặt hai mục tiêu: thị trường Việt Nam và trở thành trung tâm xuất khẩu qua Trung Quốc và cả Đông Nam Á.
Còn sau khi bán thương hiệu Diana, ông Phú đã có khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới nổi là tài chính với việc là thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Tienphong Bank. Song song với đó là thương hiệu Diana đã được Unicharm cải tiến, phát triển lên tầm cao mới để cạnh tranh ra thị trường nước ngoài.
BiBiCa kết duyên nhầm “người tình”
Những không phải cuộc mua bán, chuyển nhượng nào cũng diễn ra êm đẹp theo ý muốn của ông chủ thương hiệu Việt. Từ khi có tiếng nói quyết định trong Bibica, chàng Lotte đang muốn “nuốt chửng” thương hiệu bánh kẹo lớn nhất bánh kẹo Việt và biến Bibica thành xưởng sản xuất cho Lotte.
Trong suốt 3 năm 2005 tới 2007, doanh thu và lợi nhuận của ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam Công ty CP Bibica (Hose: BBC) phát triển ổn định. Lợi nhuận của 2005, 2006 và 2007 lần lượt là 12,3 tỷ đồng, 19,4 tỷ đồng và 24,4 tỷ đồng. Thế những vì muốn phát triển lên một tầm cao mới nên quyết định “kết duyên” cùng Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc).
Bibica đã ký hợp tác với Lotte, bắt đầu bằng việc tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 145 tỷ đồng, trong đó Lotte sở hữu 30% cổ phần với cam kết chuyển nhượng dây chuyền bánh Lotte Pie cho Bibica khai thác sử dụng.
Với việc xây dựng Nhà máy Bibica Miền Đông tại Bến Cát – Bình Dương.Vào năm 2007, Lotte trở thành cổ đông lớn và tham gia hoạt động điều hành Bibica với tỷ lệ nắm giữ hơn 30%. Lotte khá chịu chơi khi sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phần Bibica. Tại thời điểm giá trên sàn của Bibica là 70.000 - 80.000 đồng/CP, Lotte đã mua với giá 110.000 đồng/CP. Có vẻ như đây là thương vụ rất có lời của ông lớn ngành bánh kẹo Việt Nam. Sau nhiều lần mua thêm cổ phần, hiện Lotte trở thành cổ đông lớn nhất của Bibica, với tỷ lệ nắm giữ 38,6% (tương đương 5,93 triệu cổ phiếu).
Khi có tiếng nói trong Bibica, Lotte bắt đầu kế hoạch thôn tính. Sau khi bắt tay hợp tác, Lotte giúp doanh số Bibica có bước nhảy vọt nhưng lợi nhuận sau thuế lại rất phập phù. Sau 1 năm trở thành “người nhà” của Bibica, Lotte “giúp” Bibica giảm lợi nhuận từ 24,4 tỷ đồng (2007) xuống 20,9 tỷ đồng (2008). Tới 2009, lợi nhuận vọt lên 57,3 tỷ đồng nhưng rồi lại rơi xuống 41,8 tỷ đồng (2010). “Lịch sử” lặp lại nên 2012, lợi nhuận của Bibica chỉ còn 25,9 tỷ đồng, nhiều hơn chút ít so với thời điểm Lotte mới rót vốn vào Bibica.
Tuy nhiên cái gì cũng có giá của nó, khi hợp tác, do Lotte ra áp lực yêu cầu Bibica không được sử dụng nhãn hàng Chocopie nên Bibica phải xây dựng thương hiệu riêng. Để phát triển dòng sản phẩm mới, Bibica đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí marketing khiến tỷ suất lợi nhuận của nhãn hàng thời gian qua âm 20%.
Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 24/3/2012, ông Jung Woo Lee - Chủ tịch Bibica khiến nhiều người choáng váng khi công bố dự định đổi tên Bibica thành "Lotte - Bibica". Tuy nhiên, đề xuất này không được thông qua nhưng lúc này lãnh đạo Bibica mới thực sự nhận ra âm mưu của Lotte.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, người đã mời Lotte bắt tay hợp tác đã có những chia sẻ đầy gan ruột về câu chuyện này.
Ông Chiến cho biết: “Nhìn lại kết quả hợp tác với Lotte sau 5 năm, tôi thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm mình đã mắc phải. Những kỳ vọng về sự hợp tác toàn diện giữa Bibica – Lotte không diễn ra như mong muốn, nếu không muốn nói là ngược lại với mục đích ban đầu. Khi mời Lotte về làm đối tác, Bibica mong muốn có sự hợp tác toàn diện giữa Bibica – Lotte, từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập khẩu…vv, nhưng sau 5 năm, Lotte thể hiện quan điểm muốn biến Bibica thành công ty con của họ”.
Từ thực tế đau lòng khi “kết duyên” nhầm người tình ông Chiến chia sẻ kinh nghiệm đau đớn cho các doanh nghiệp khác khi chọn đối tác: "Khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp thường chỉ yêu cầu cổ phần tối thiểu mà không qui định cổ phần tối đa, do đó, trong trường hợp tại Bibica, Lotte có thể tăng tỷ lệ cổ phần theo mong muốn của họ. Lưu ý, việc quy định cổ phần tối thiểu và tối đa sẽ hạn chế khả năng thao túng doanh nghiệp. Thông thường, tỷ lệ cổ phần dưới 25% là tỷ lệ cổ phần an toàn. Doanh nghiệp nên hạn chế mức cổ phần trên 34%, để ngăn ngừa mức độ phủ quyết của các ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thống nhất của doanh nghiệp”.
“Một điều nữa trong việc đàm phán về chuyển giao dây chuyền công nghệ, bài học từ dây chuyền bánh Lotte Pie cho thấy, tuy là tài sản của Bibica, nhưng Bibica không khai thác được bất kỳ sản phẩm nào ngoài bánh Lotte Pie, không chủ động được nguyên liệu đầu vào và phải bán theo giá thị trường từ nội địa đến xuất khẩu, do đó, tỷ lệ vận hành dây chuyền rất thấp (dưới 20% năng suất). Vì vậy nếu có sự hợp tác chuyển giao công nghệ, nên có thỏa thuận rõ ràng để doanh nghiệp chủ động đầu vào từ nguyên liệu đến giá thành, mới tạo được sự khác biệt sản phẩm và khẳng định chỗ đứng trên thị trường” – ông Chiến tiếp lời.
Khi ý đồ thâu tóm Bibica của Lotte lộ diện, phía Bibica vẫn khá tự tin với quan điểm Lotte chỉ có thể là chủ khi nắm giữ 51% cổ phần. Nhưng theo quy định, room cho nhà đầu tư nước ngoài hiện bị giới hạn 49%.
Mặc dù tự tin với suy nghĩ Lotte khó có thể nắm giữ 51% cổ phần, Bibica vẫn sớm tìm cách đối phó. Và phương án mà họ áp dụng chính là hợp tác với doanh nghiệp Việt để đối chọi với vốn ngoại. Bibica bắt tay với ông lớn tài chính Việt là SSI. Hai bên hợp tác thông qua Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM).
Bibica muốn dùng quỹ SSI làm đối trọng với Lotte để tránh việc Bibica bị thâu tóm nhưng mối quan hệ này lại đặt ra một câu hỏi lớn: "SSI hoàn toàn có thể bán cổ phần cho Lotte vì lợi nhuận?". Nếu điều đó xảy ra, hơn 70% cổ phần của Bibica sẽ rơi vào tay Lotte. Tới lúc đó, quá trình thâu tóm sẽ được hoàn tất. Bibica trở thành công ty con của Lotte.