Nguyễn Kim - Nghịch lý thời "vượt bão"
Con số hơn 9.000 tỉ đồng doanh thu (khoảng 500 triệu USD) trong năm 2012, tăng 30% so với năm 2011 của Hệ thống bán lẻ Điện tử tiêu dùng - Kỹ thuật số Sài Gòn Nguyễn Kim đã chứng minh giá trị của những doanh nghiệp tăng tốc có chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và bi quan những năm gần đây. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi tháng 7 vừa qua, công ty này tiếp tục lọt vào top 3 thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2012 và top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á Thái Bình Dương do Tạp chí Retail Asia và Công ty Euromonitor thực hiện.
Bất kỳ một nhà kinh doanh bán lẻ hàng điện tử nào cũng hiểu rằng, tỉ suất lợi nhuận của ngành này không cao (khoảng 10%) và giải pháp để tồn tại duy nhất là phải mở rộng quy mô. Trong khi các nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng khác trên thị trường như Pico, Thiên Hòa, Trần Anh, dienmay.com... dường như e dè mở rộng quy mô rộng khắp Việt Nam ở thời điểm vô cùng khó khăn của thị trường, thì Nguyễn Kim đã hóa giải đáp số hóc búa của bài toán này từ rất sớm.
Trên thực tế, các ông chủ Nguyễn Kim đã nỗ lực tạo lòng tin thị trường bằng cách mở rộng liên tục hệ thống của họ từ 4 trung tâm trong năm 2010 lên 21 trung tâm vào đầu năm 2013 trên toàn quốc với kết quả kinh doanh rất khả quan và tuyên bố những tham vọng lớn như đạt tốc độ tăng trưởng 50%/năm, năm 2015 đạt khoảng 30-40% thị phần cả nước. Và 40% cũng là mức tăng trưởng khách hàng ở khu vực miền Bắc và Tây Nam Bộ của Nguyễn Kim, góp phần xóa bỏ những hoài nghi về khả năng Trung, Bắc tiến của ông lớn này trong giai đoạn vừa qua.
Có thể thấy, chiến lược mở rộng thành công của họ là cộng dồn của 5 yếu tố: thương hiệu lâu đời, dòng tiền, mô hình mang tính xu hướng, chất lượng dịch vụ, và hệ thống quản lý.
Đầu tiên, không bàn cãi về giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp tiên phong trên thị trường như Nguyễn Kim. Chinh phục người tiêu dùng miền Nam từ khi thị trường còn sơ khai, cộng thêm những thứ hạng cao của họ trên bảng tổng sắp các nhà bán lẻ tốt nhất châu Á, đủ để Nguyễn Kim tiến ra khu vực phía Bắc và miền Trung trong tâm thế lạc quan.
Trong khi đó, về yếu tố tài chính, một số những thông tin không chính thức đánh giá tiềm lực tài chính (khả năng tiền mặt) của Nguyễn Kim, không thua kém các nhà kinh doanh lớn của Việt Nam như Vinamilk, FPT... Đó là lý do để Nguyễn Kim có thể mở rộng quy mô kinh doanh trên toàn lãnh thổ, điều mà không nhiều nhà bán lẻ ngành này làm được. Nguyễn Kim sở hữu các mặt bằng tiêu chuẩn lớn (trên 3.000 m2/trung tâm với chi phí đầu tư 50-200 tỉ đồng tùy trung tâm), ở bất cứ nơi đâu trong các đô thị lớn của Việt Nam.
Như đã công bố các mục tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015, song song với việc tiếp tục phát triển và mở rộng các trung tâm mua sắm theo hướng trung tâm phức hợp, Nguyễn Kim còn tập trung nâng cao hệ thống quản lý thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Deloitte Consulting để triển khai giải pháp ERP hàng đầu thế giới là SAP cho toàn bộ hoạt động của Công ty.
Có thể nói trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quyết định đầu tư hệ thống SAP với chí phí lên đến hàng triệu USD vào thời điểm này cho thấy tầm nhìn, bản lĩnh của Ban Lãnh đạo Nguyễn Kim cũng như tiềm lực vững mạnh về tài chính Công ty, biến thời điểm khó khăn thành cơ hội để chuẩn bị nền tảng vững chắc cho việc phát triển mạnh mẽ trong tương lai, sẵn sàng cho việc tăng tốc và phát triển.
Nhìn ở một khía cạnh khác, mô hình kinh doanh của Nguyễn Kim với sự học hỏi kinh nghiệm tổ chức các mô hình bán lẻ hàng đầu thế giới như Bestbuy, Yamada... để tiên phong ứng dụng mô hình hiện đại có điều chỉnh này, đã tạo ra một xu hướng mua sắm mới cho người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, Nguyễn Kim bao trùm 6 ngành hàng quan trọng là điện tử, điện lạnh, gia dụng, tin học, giải trí và viễn thông, bên cạnh các dịch vụ ẩm thực, giải trí bao hàm, được gọi là one stop shop (một cho tất cả). Họ còn được sự hậu thuẫn đắc lực về giá, khuyến mãi của các nhà sản xuất lớn như Sony, Toshiba, Panasonic, Samsung, Daikin, Philips, LG, Electrolux, Nokia, HP, Intel. Những đoàn người rồng rắn dễ bắt gặp ở các trung tâm của Nguyễn Kim không chỉ ở miền Nam cho thấy, nhu cầu thụ hưởng sản phẩm tốt, giá cạnh tranh không phân biệt yếu tố văn hóa.
Tuy nhiên, một mô hình dù mang tính hiện đại, giá cạnh tranh vẫn chưa thể thành công nếu không đi kèm dịch vụ tốt và hệ thống quản lý hiện đại. Không ít nhà bán lẻ trong các lĩnh vực khác nhau đã ngã ngựa sau khi lấn chiếm thị trường không thuộc sở trường. Thất bại của họ phần lớn là do chưa thuyết phục được người tiêu dùng, đặc biệt với đặc thù của dịch vụ - phục vụ ngành bán lẻ.
Nguyễn Kim cho biết, họ nỗ lực đưa 100% nhân sự từ TP.HCM, vốn được đào tạo kỹ lưỡng về tiêu chuẩn phục vụ quốc tế, tỏa đi khắp các trung tâm ở miền Trung và miền Bắc, để mang phong cách phục vụ Sài Gòn đến mọi miền đất nước. Hơn 5.000 con người trong Công ty Nguyễn Kim đang vận hành dưới một hệ thống công nghệ thông tin đồng nhất vào báo cáo tức thì, tương tự như cách làm của những Walmart, BestBuy đang tạo quyền lực trong giới bán lẻ. Nếu bài toán mở rộng của Nguyễn Kim tiếp tục đảm bảo hiệu quả của sử dụng chi phí thì một nhân công trong công ty này không chỉ dừng lại ở việc tạo ra 1,8 tỉ đồng/năm cho Công ty như hiện tại.