Công nghiệp quảng cáo: Địa chấn Publicis Omnicom Group
Publicis Omnicom Group đã trở thành công ty quảng cáo lớn nhất thế giới nhưng quy mô liệu có làm nên sức mạnh của các công ty quảng cáo truyền thống trong kỷ nguyên số hóa?
Công ty quảng cáo hàng đầu châu Âu Publicis của Pháp và Omnicom của Mỹ đã thông báo về việc sáp nhập thành tập đoàn lớn nhất trên thị trường quảng cáo thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, tập đoàn mới ra đời, được gọi là Publicis Omnicom Group, có tổng lượng vốn hóa thị trường lên tới 35,1 tỷ USD, doanh thu hằng năm đạt 23 tỷ USD, thu hút tới 130.000 nhân viên.
Ông Michael Corty, chuyên gia phân tích của Hãng Morningstar (có trụ sở tại Chicago , Mỹ) nhận định: "Trong lĩnh vực quảng cáo toàn cầu, vụ sáp nhập này có thể xem như tạo ra cơn địa chấn lớn. Nó sẽ có tác động châm ngòi nổ cho các vụ M&A dây chuyền tiếp theo, bởi các đối thủ lớn còn lại sẽ phải tìm cách sáp nhập với nhau để nâng sức cạnh tranh". Nhiều chuyên gia về quảng cáo quốc tế nhận định, sau khi có vụ M&A trên, bản đồ "Big Six" gồm WPP (Anh), Publicis, Omnicom, Interpublic (có trụ sở ở Mỹ), Havas (Pháp) và Dentsu (Nhật Bản) sẽ bị chia lại.
Vì vậy, WPP, Interpublic, Havas và Dentsu muốn cạnh tranh được với Publicis Omnicom cần phải sáp nhập với nhau. Martin Sorrell, CEO của WPP cũng thừa nhận: "Vụ M&A này tạo ra sức ép rất lớn cho các đối thủ. Đây là một thương vụ ghê gớm, có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường, nó có thể tạo ra hiệu ứng domino cho các vụ M&A tiếp theo trong lĩnh vực quảng cáo". Năm ngoái, Dentsu, một công ty quảng cáo của Nhật Bản, đã mua Aegis Group với 4,8 tỷ USD. WPP cũng có thể tìm cách lấy lại vị trí hàng đầu bằng cách mua lại một công ty đối thủ nào đó. Ông chủ của WPP Martin Sorrell cho biết: "Sáp nhập lớn trong ngành công nghiệp này là không thể tránh khỏi".
Tuy nhiên, thương vụ lớn của Publicis Omnicom Group cũng có những mối e ngại đến từ những khách hàng truyền thống của Publicis và Omnicom. Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, như Coca-Cola Co, PepsiCo, McDonalds, Johnson & Johnson, Procter & Gamble... đều là khách hàng của một trong hai tập đoàn này. Trong đó có những cặp là đối thủ trực tiếp của nhau, chẳng hạn, như Coca-Cola và PepsiCo, AT&T và Verizon... Bên cạnh đó, nhiều khả năng sẽ có 45 nước sẽ áp dụng các biện pháp chống độc quyền với đối với Publicis Omnicom.
Theo phân tích của Pivotal Research Group (Mỹ), nếu được cơ quan chức năng Mỹ phê chuẩn, Publicis Omnicom sẽ chiếm gần 40% thị phần ngành quảng cáo tại Mỹ, cao hơn gấp hai lần so với đối thủ gần nhất là WPP. Tuy nhiên, có lẽ lý do lớn nhất cho sự hợp nhất hình thành Publicis Omnicom Group là để đối phó với sự xâm lấn của quảng cáo kỹ thuật số.
Năm ngoái, quảng cáo trực tuyến đạt 88 tỷ USD, gần bằng18,3% chi tiêu quảng cáo toàn cầu, tăng đáng kể so với năm 2006. Theo eMarketer, một mình Google hiện kiểm soát khoảng một phần ba của tất cả các chi phí quảng cáo trực tuyến. Sự lớn mạnh của quảng cáo trực tuyến thay đổi cả luật kinh doanh trong thị trường quảng cáo. Chẳng hạn, áp phích, quảng cáo tại nhà chờ xe buýt và các nơi khác đang nhanh chóng được thay thế bằng màn hình điện tử có thể được cập nhật ngay lập tức, và do đó quảng cáo được bán thông qua đấu giá thời gian thực...
Publicis Omnicom hy vọng có quy mô đủ lớn để đối trọng với Google hoặc Facebook.
Trở thành cái tên lớn nhất trong thị trường quảng cáo, về mặt lý thuyết, giúp Publicis Omnicom thuyết phục khách hàng rằng họ có thể có giá tốt hơn cho các quảng cáo trên Google hoặc Facebook. Publicis và Omnicom đang đánh cược rằng kích thước khổng lồ là cơ hội tốt nhất để sống sót trong kỷ nguyên quảng cáo số.