Những chiêu quảng cáo sản phẩm ‘kém tinh tế’
Dẫu biết rằng phải đánh đổi một số thứ để kiếm tiền nhưng đôi khi, sự hiện diện của hình ảnh thương mại sẽ phá hỏng cả một trò chơi.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của các nhà phát hành game hiện nay chính là việc gia tăng chi phí phát triển.
Hàng chục triệu USD được chi ra để xây dựng một sản phẩm game hứa hẹn chất lượng cao, tuy nhiên sau khi lên kệ thì doanh số lại không vượt quá vài triệu bản bán ra. Vì vậy, hầu hết các hãng xuất bản đều cố gắng tận thu thêm các nguồn tài trợ bên ngoài và hướng đi mới khá thuận lợi, đơn giản mà đem lại giá trị cao là việc quảng bá sản phẩm giống như trong các bộ phim điện ảnh.
Tất nhiên, để đưa được một sản phẩm khác loại vào game không phải việc dễ dàng. Sự đánh đổi giữa uy tín của cả dòng game trong lòng fan hâm một với một số tiền vài trăm hay vài triệu USD đôi khi vẫn là khá khập khiễng.
Dưới đây là danh sách các trò chơi đã lạm dụng việc quảng cáo sản phẩm, khiến chúng trở nên lố bịch trong mắt cộng đồng game thủ.
Alan Wake và chiếc điện thoại Verizon
Dòng game Alan Wake đã có một sự phát triển thành công lâu dài qua nhiều năm. Tuy nhiên, đối mặt với việc bị cạnh tranh khốc liệt từ những sản phẩm mới, việc đưa các giải pháp quảng cáo vào game phần nào được cộng đồng game thủ thông cảm. Trong game, người chơi có thể thấy đi thấy lại rất nhiều lần pin của hãng Energizer được sử dụng cho chiếc đèn pin, một vật dụng thiết yếu của nhân vật chính.
Đáng tiếc rằng trong phần mở rộng đầu tiên của trò chơi, mang tên gọi "The Signal", một sự lạm dụng quảng cáo đã xảy ra. Trong bối cảnh Wake mắc kẹt trong một giấc mơ khá quen thuộc, xung quanh là những khoảng tối vô tận, thứ giúp ông kết nối với phần còn lại của thế giới là một chiếc điện thoại hiệu Verizon. Tuy nhiên, không những chỉ hiển thị nhiều lần hình ảnh cận cảnh chiếc điện thoại, hãng phát triển còn "ép" Alan Wake nhắc lại slogan của hãng quảng cáo là "Bạn có thể nghe thấy tôi nói bây giờ không?"
Rõ ràng việc xâm nhập quá nhiều vào nội dung đã khiến cộng đồng fan hâm mộ cảm thấy khó chịu và không ít người đã phải lên tiếng. Những cảm giác rung động, ám ảnh và kinh dị trong game đã biến mất hoàn toàn sau màn quảng cáo ngớ ngẩn của nhân vật chính.
Phantasy Star Portable 2 với bộ giáp Pizza Hut
Chơi game và ăn pizza, một khái niệm khá quen thuộc với các game thủ châu Âu hay Mỹ, những người ưa thích đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, phiên bản tiếng Nhật của trò chơi dành cho hệ máy PSP, Phantasy Star Portable 2 đã cho thêm cả một bộ giáp chủ đề Pizza Hut vào game để nhân vật sử dụng.
Bộ giáp này được thiết kế với màu sắc đặc trưng của món bánh pizza, bên cạnh việc kèm theo chiếc khiên là hộp bánh bên cạnh món vũ khí độc nhất vô nhị, một chiếc chảo rán khổng lồ.
Uncharted 3 và màn phô diễn của bánh mỳ Subway
Series Uncharted là một trong những thương hiệu thành công nhất trong thập kỷ qua và hãng phát hành Sony dường như luôn sẵn sàng để tiếp tục hỗ trợ sản phẩm này trong những năm sắp tới bởi lợi ích mà nó mang lại vô cùng lớn. Điều đó có nghĩa là dòng game này chẳng bao giờ rơi vào cảnh cần tiền quảng cáo.
Ấy vậy mà với Uncharted 3, Naughty Dog đã cho một hãng chuyên bán bánh mỳ ở các ga tàu điện ngầm đặc quyền xuất hiện cùng nhân vật chính. Cụ thể, Nathan Drake đã một tay giữ bánh sandwich, một tay cầm đồ uống trong màn quảng cáo kéo dài 20 giây trên truyền hình, được phát đi phát lại khá nhiều lần trên các kênh sóng. Đây được xem là một hành động "báng bổ" vào tượng đài của người anh hùng nổi tiếng, gây sự phẫn nộ lớn với cộng đồng fan hâm mộ.
Tất nhiên sau đó nghe đâu hãng bán đồ ăn nhanh này cũng có sự tăng nhẹ trong doanh thu, tuy nhiên từ đó về sau hình ảnh Nathan Drake với ổ bánh mỳ trên tay cũng trở thành trò đùa quen thuộc trên các diễn đàn game cùng mạng internet.
Homefront đem chuỗi nhà hàng Hooters tới Bắc Triều Tiên
Triều đại THQ đã kết thúc nhưng nếu nhắc lại quá khứ, khó ai có thể quên được thành công của Homefront, một game bắn súng FPS nổi danh nhờ cả gameplay lẫn nội dung đầy tai tiếng.
Bối cảnh trong game diễn ra vào năm 2027, xoay quanh cuộc xâm lăng của quân đội Triều Tiên nhằm vào người Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc chinh phục vùng đất mới, thời điểm mà tất cả đã trở nên hoang tàn và đổ nát dưới cuộc càn quét của quân đội Triều Tiên, người chơi vẫn có thể nhìn rõ sự hiện diện của chuỗi nhà hàng Hooters, nổi tiếng với hình ảnh các cô chiêu đãi viên trong đồng phục ngắn cụt rất bắt mắt và đầy khêu gợi, tiếp tục hoạt động buôn bán như bình thường mà không bị tàn phá hay dỡ bỏ.
Pole Position và tấm biển quảng cáo thuốc lá Marlboro
Ở nhiều nước phát triển, việc quảng cáo bán thuốc lá trên truyền hình là hành vi bất hợp pháp. Chính phủ nhiều nước cũng cấm việc các hãng thuốc lá quảng cáo trên các sản phẩm liên quan tới trẻ em. Thậm chí, hình ảnh một điếu thuốc lá cũng không được xuất hiện trong các hình ảnh poster đại diện cho game.
Tuy nhiên, trong một trò chơi đua xe chỉ dành cho trẻ em, Pole Position, tấm biển quảng cáo cho hãng thuốc lá Marlboro đã hiện diện một cách đầy ngẫu hứng. Tất nhiên sau đó, quảng cáo này đã bị cắt ở các phiên bản game sau đó. Dẫu vậy, việc chấp nhận đưa quảng cáo này vào game của cả nhà phát triển lẫn hãng tài trợ đến nay vẫn là một điều khó giải thích.
Pikmin 2 cùng loạt sản phẩm ngớ ngẩn
Nội dung chính của game xoay quanh nhân vật Captain Olimar, khi anh đang cố gắng sửa chữa chiếc phi thuyền Dolphim của mình sau tai nạn phải đỗ xuống hành tinh bí ẩn. Nơi đây, nhờ sự giúp đỡ của các sinh vật kỳ lạ gọi là Pikmin, anh đã tìm kiếm được những vật liệu cần thiết cho quá trình sửa chữa con tàu. Trong game, người chơi có thể tìm thấy tất cả mọi thứ cần phải thu thập như trái cây, hoa quả, các vật dụng, nguyên liệu.
Tuy nhiên, Nintendo đã quyết định bổ sung thêm một danh sách các hạng mục sản phẩm như kẹo Chapsticks, pin Duracell và cả một lọ bơ đậu phộng Skippy.
May mắn thay, phiên bản Pikmin 3 mới ra mắt gần đây đã loạt bỏ được các mặt hàng gây khó chịu này.
Splinter Cell: Chaos Theory và điệp vụ tuyệt mật tại tập đoàn "lăn nách" Axe
Ubisoft đã thực sự thành công với dòng game hành động lén lút Splinter Cell. Trò chơi xoay quanh nhân vật điệp viên chuyên thực hiên các nhiệm vụ tuyệt mật, siêu khó như lấy các thông tin tại những tập đoàn liên quan tới giới tội phạm, ngăn chặn các vụ khủng bố tầm cỡ toàn cầu.
Tuy nhiên, trong phiên bản Splinter Cell: Chaos Theory, nơi mà nhân vật chính đột nhập không phải là các công ty nổi tiếng như Nokia hoặc AMD là lại là trụ sở của công ty sản xuất Axe Body Spray (sản phẩm khử mùi hôi cơ thể).
Một số giả thuyết được đặt ra để lý giải trường hợp này như công ty này sẽ tung ra loạt sản phẩm khử mùi cơ thể khiến cho người sử dụng trở nên điên loạn, tất công tất cả mọi người.