Mô hình chuỗi sản xuất đa quốc gia hoàn hảo của Apple
"Chiếc mặt cười của Apple" là bí quyết chuỗi sản xuất đa quốc gia hoàn hảo, tận dụng mọi lợi thế so sánh để chế tạo ra chiếc iPhone.
Người phát hiện ra chuỗi sản xuất sản phẩm iPhone, được mô hình hóa như hình chiếc mặt cười, là chuyên gia kinh tế Satoshi Inomata, trong nghiên cứu mới công bố hồi tháng 4/2013, mang tên "Thương mại trong giá trị gia tăng, triển vọng của Đông Á".
Như đã đề cập ở những phần trước, phương pháp giá trị gia tăng (TIVA) sẽ đề cập đến từng giá trị mà mỗi một quốc gia thực sự đóng góp trong một sản phẩm.
Vận dụng phương pháp này, Satoshi Inomata phân tích chi tiết hoạt động sản xuất iPhone 3G năm 2009, đã được tiến hành không chỉ bên trong biên giới Mỹ, mà được thực hiện từng công đoạn khác nhau ở những quốc gia khác nhau.
Sản phẩm iPhone được thiết kế sản phẩm, phần mềm và marketing tại Mỹ. Các công đoạn còn lại hầu hết đều được thực hiện bên ngoài nước Mỹ. Theo thống kê, có đến 9 công ty tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, và Mỹ tham gia vào việc sản xuất iPhone.
Các nhà sản xuất và cung ứng bộ phận và linh kiện chính của iPhone gồm có: Toshiba, Samsung, Infineon, Broadcom, Numunyx, Murata, Dialog Semiconductor, Cirrius Logic,... Tất cả các linh kiện của iPhone được sản xuất bởi những công ty này được vận chuyển tới Foxconn (Trung Quốc) để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và sau đó xuất sang Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Quy trình sản xuất iPhone 3G được minh họa bằng "chiếc mặt cười của Apple".
Trong đồ thị trên, trục tung mô tả giá trị gia tăng của từng giai đoạn trong chuỗi sản xuất tương ứng trên trục hoành.
Có thể thấy trong tổng số 8 giai đoạn sản xuất chính, thì Mỹ đã có mặt trong 3 giai đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Đó là thiết kế sản phẩm, marketing và dịch vụ khách hàng.
Sở dĩ, có sự phân phối này là do Mỹ lợi thế so sánh hơn hẳn trong những hoạt động sản xuất trên. Nhưng những công đoạn khác, lợi thế so sánh lại thuộc về quốc gia khác.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) luôn tốt nhất tại Đức, không nơi nào thu mua nguyên vật liệu rẻ và chất lượng như Canada, thu mua phụ tùng tốt nhất nên do Hàn Quốc tiến hành. Nhật Bản- là chuyên gia trong lĩnh vực phân phối và cuối cùng, không tìm ra nơi nào có lao động dồi dào với giá rẻ hơn Trung Quốc để thực hiện công đoạn lắp ráp, trước khi chuyển về Mỹ.
Như đã nói trong phần trước, thực ra Trung Quốc đã bị đổ oan khi bị cho là nguyên nhân đã cướp đi 20-40 nghìn việc làm của Mỹ và gây ra khoản thâm hụt thương mại gần 2 tỷ USD mỗi năm.
Nhìn gương mặt tươi cười của Apple mới thấy, người tội nghiệp nhất là Trung Quốc. Thực hiện công đoạn lắp ráp thành phẩm cuối cùng, nên Trung Quốc thu được con số xuất khẩu khổng lồ sang Mỹ.
Trong khi giá trị gia tăng thu được là ít nhất trong số 6 quốc gia lớn chính tham gia chuỗi sản xuất iPhone. Thực chất, Trung Quốc chỉ chiếm 7 USD trong tổng giá 500 USD của 1 chiếc iPhone 3G.
Dĩ nhiên, người tươi cười nhất, thu được nhiều giá trị gia tăng nhất vẫn là Mỹ. Các nhà sản xuất Mỹ đóng góp 331 USD, tương đương 66% tổng giá trị của 1 chiếc điện thoại iPhone.
Như máy bay Boeing, điện thoại iPhone cũng là một minh chứng sống động cho quá trình toàn cầu hóa. Khi các thị trường sản xuất và tiêu thụ trên thế giới hòa làm một, đồng nghĩa với việc chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng phức tạp hơn.
Để thành công trong thương mại quốc tế và quốc tế hóa sản xuất, mỗi nhà sản xuất, mỗi quốc gia cần chiếm được nhiều giá trị gia tăng, càng nhiều càng tốt. Bởi đó mới là giá trị thực, nguồn lợi ích thực, chứ không phải những con số cộng gộp của tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đang dần bộc lộ hạn chế, trong sự phản ánh một thế giới ngày càng phức tạp hơn.
Hiểu rõ điều này, sẽ không sợ bị những giá trị cũ che mắt và không dễ thua trong môi trường kinh doanh quốc tế, với luật chơi ngày càng thoáng hơn, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều đối thủ khó lường hơn.