Thấy gì từ việc VinFast trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 Việt Nam?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sơn – Giảng viên Đại học RMIT, việc VinFast dẫn đầu toàn ngành xe trong nước, vượt qua cả Toyota và Hyundai, phản ánh thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về xe điện nói chung.
Tháng 9/2024, lần đầu tiên một hãng xe thuần điện nội địa đạt doanh số cao nhất thị trường Việt Nam trong tháng, sau khi VinFast công bố đã bán tổng cộng hơn 9.300 xe. Thành tích này được lặp lại trong tháng kế tiếp.
Tính lũy kế 10 tháng đầu năm, VinFast cho biết đã bàn giao hơn 51.000 ô tô điện các loại, dẫn đầu toàn ngành xe, xếp sau lần lượt là Toyota và Hyundai đều hơn 48.000 chiếc.
Sự thay đổi của người tiêu dùng
Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics – Đại học RMIT Việt Nam, nhận định việc hãng xe điện “Made in Vietnam” vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 ở thị trường trong nước phản ánh thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về xe điện nói chung.
Theo ông, có nhiều yếu tố góp phần vào sự thay đổi tư duy này. Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ với thu nhập trung bình và cao, đã bắt đầu coi bảo vệ môi trường là một trong những động lực quan trọng khi tìm hiểu mua xe. Điều này phù hợp với xu hướng giao thông bền vững trên toàn cầu, cũng là thành quả của truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường.
Các chính sách như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện cũng làm cho dòng xe này trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Tiến sĩ Sơn đánh giá dịch vụ hậu mãi của VinFast cũng rất hấp dẫn, như sạc pin miễn phí tại các trạm sạc V-GREEN đến hết ngày 1/7/2025.
Chi phí vận hành xe điện nhìn chung khá cạnh tranh khi so sánh với xe truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Việc giới thiệu nhiều mẫu xe điện đa dạng, thuộc nhiều phân khúc từ các nhà sản xuất đã mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
“Quá trình chuyển đổi sang xe điện vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí với tốc độ nhanh, nhưng cần thời gian để các yếu tố quan trọng như độ bền, độ an toàn, giá thành, điểm tiếp năng lượng được tiếp tục tối ưu hóa và thuyết phục được nhóm người tiêu dùng khó tính hơn, ở các địa bàn khác”, Tiến sĩ Sơn nhận định.
Sức hút đầu tư với ngành công nghiệp xe điện Việt Nam
Cũng theo Tiến sĩ Sơn, thành công của VinFast có khả năng tạo ra tác động tích cực đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện đang phát triển của Việt Nam. “Các hãng xe hơi và công ty công nghệ quốc tế lớn có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc thiết lập hoạt động riêng tại Việt Nam để nắm bắt thị trường đang phát triển”, vị chuyên gia RMIT nói.
Ông dự đoán thị trường xe điện tại Việt Nam có thể đạt quy mô 5-7 tỷ USD sau 5 năm nữa. Nhu cầu pin xe điện sẽ tăng cao, tạo ra cơ hội đầu tư vào các cơ sở sản xuất và tái chế pin. Các linh kiện chuyên dụng cũng có nhu cầu ngày càng tăng, mang lại cơ hội cho nhà cung cấp trong nước cũng như nước ngoài.
Tiến sĩ Sơn nhìn nhận sự thành công của xe điện tại Việt Nam có thể thúc đẩy tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, có khả năng thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào những lĩnh vực công nghệ liên quan, như công nghệ lái tự động, hệ thống xe thông minh và công nghệ pin tiên tiến. Xa hơn là cơ hội đầu tư vào các dịch vụ mang tính chất hệ sinh thái như hỗ trợ, bảo trì, đổi pin và quản lý đội xe điện, xe điện tự động.
Thách thức lớn nhất vẫn là trạm sạc
Mặc dù xe điện đang chứng minh tiềm năng, Tiến sĩ Trương Quang Dũng – Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam – cho rằng những thách thức về hạ tầng trạm sạc và năng lực lưới điện vẫn là vấn đề không nhỏ.
Với quy hoạch 150.000 cổng sạc, VinFast sẽ đạt tỷ lệ 15 cổng sạc trên 10.000 người, cao hơn Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về phân bổ hạ tầng, khi nhiều người tiêu dùng cho rằng trạm sạc chưa đủ phổ biến.
Một khảo sát tại TP.HCM vào tháng 12/2023 cho thấy 86,83% chưa muốn chuyển sang xe điện chủ yếu do lo ngại thiếu hụt trạm sạc. Mặc dù các trạm của VinFast đã bao phủ những tuyến cao tốc, kết nối liên tỉnh, nhưng vẫn còn khoảng trống ở các khu dân cư đô thị và nông thôn. Việc VinFast không chia sẻ trạm sạc với các hãng xe khác trong 10 năm tới có thể hạn chế mở rộng hạ tầng.
“Một thách thức lớn khác là lưới điện Việt Nam có thể khó đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng lên khi số lượng xe điện tăng. Cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại, đặc biệt ở các khu vực đô thị, thiếu năng lực và độ tin cậy để hỗ trợ sự gia tăng nhanh chóng của xe điện nếu không có các nâng cấp lớn. Để đáp ứng nhu cầu tương lai, các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời sẽ là điều thiết yếu”, Tiến sĩ Dũng phân tích.
Bên cạnh nâng cấp lưới điện, Tiến sĩ Irfan Ulhaq – Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam – cho rằng một khuôn khổ hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ có thể là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển đổi.
“Trọng tâm chính cần hướng đến là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ. Ưu đãi của Chính phủ nên ưu tiên thiết lập chuỗi cung ứng tiên tiến cho xe điện và xe hybrid. Đồng thời, đầu tư vào sản xuất thép và các ngành công nghiệp vật liệu sẽ tăng cường tính độc lập trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”, Tiến sĩ Ulhaq nhận định.
Vị chuyên gia RMIT cho rằng, việc tạo ra các cụm công nghiệp ô tô chiến lược là một bước quan trọng khác, đóng vai trò như các trung tâm phát triển-ứng dụng tập trung các nhà sản xuất, nhà cung cấp và tổ chức nghiên cứu.
Minh Anh
Nguồn CafeBiz