Siết chặt bảo vệ nội dung cho các nhà đào tạo trực tuyến

Siết chặt bảo vệ nội dung cho các nhà đào tạo trực tuyến

Với tỷ lệ tiếp cận Internet lên tới 79,1% dân số, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về cơ hội phát triển đào tạo trực tuyến. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có một “kỳ lân công nghệ” trong lĩnh vực có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực Châu Á này.

Edtech – Giá trị nhân bản của công nghệ số

Mỗi ngày, anh Đỗ Trường Sơn (Đống Đa, Hà Nội) dành khoảng 4-5 giờ để xây dựng các bài giảng riêng của mình. Công việc này mới được anh khởi động khoảng hơn một năm, với kỳ vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm sau gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của mình. Chỉ với một chiếc smartphone, chiếc laptop và một vài phụ kiện hỗ trợ ghi hình, anh đã có thể “khởi nghiệp” trong căn phòng nhỏ của mình.

“Trước đây tôi có thử làm với kênh mạng xã hội để chia sẻ, nhưng lượng tiếp cận không nhiều. Tương tác qua mạng xã hội cũng mất quá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc chính. Bởi vậy, tôi đã chuyển sang một nền tảng chuyên dùng cho đào tạo có khả năng sắp xếp thời gian”, anh Sơn nói.

E-learning phát triển nhanh chóng tại thị trường Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, chị Lê Nhân Song Ngân, solopreneur (nhà khởi nghiệp độc lập – PV) trong ngành giáo dục – chuyên gia tâm lý bán hàng, đồng thời là đối tác kinh doanh cho các giải pháp đào tạo, chia sẻ: “Một nhà đầu tư đồng thời là chủ một doanh nghiệp giáo dục chia sẻ với tôi rằng: Bản chất kinh doanh tri thức là kinh doanh trao đổi thông tin. Tôi đã, đang là người học trò tìm tòi, trải nghiệm ứng dụng kiến thức và đã thấu hiểu lời khuyên của một trong những người thầy rằng: Bản chất học viên mua khóa học vì muốn mua kết quả do khóa học đem lại, từ đó họ chấp nhận tiếp nhận kiến thức mới”.

Cùng với sự phát triển của hạ tầng CNTT-VT, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới. Sự phổ cập của công nghệ góp phần thúc đẩy các loại hình nội dung phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới hơn 20%, quy mô thị trường ước tính lên tới 1,5-2 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với đó là sự tham gia của hàng trăm công ty và hàng nghìn nhà sáng tạo nội dung hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng động này.

“Nếu viết sách thì quá dài và chi phí xuất bản khá lớn. Tôi nghĩ có thể bắt đầu từ các bài giảng nhỏ, chia sẻ với anh chị em cùng ngành nghề. Đó cũng là cách tôi học thêm cho chính mình”, anh Sơn nói.

Cần tường thép cho nội dung

Tuy nhiên, việc môi trường phát triển quá nhanh dẫn đến thiếu kiểm soát là những trở lực của các nhà sáng tạo khi đầu tư cho nội dung. Phổ biến nhất là việc các nội dung nhanh chóng bị sao chép, và bán lại với mức giá rẻ.

“Tôi quan tâm nhiều nhất đến sự an toàn thành quả sáng tạo. Là một cá nhân bắt đầu kinh doanh như tôi, điều này từng làm tôi trì hoãn cho việc bắt đầu”, chị Lê Ngân Song Ngân cho biết.

Bảo mật là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh E-learning.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, anh Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Công nghệ tại một đơn vị đào tạo tập đoàn lớn tại Việt Nam, cho biết: Muốn tận dụng các lợi ích từ công nghệ, smartphone, công ty tìm kiếm giải pháp cho cán bộ, nhân viên có thể “học” được mọi lúc, mọi nơi. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa những bí mật về nghiệp vụ kinh doanh của công ty được “phơi” cho ai dùng cũng được.

“Mặc dù đã xây dựng kho bài giảng trên hệ thống nội bộ để cán bộ nhân viên có thể học trên smartphone bất cứ đâu, nhưng hầu hết là những nguyên tắc cơ bản, phổ quát. Đối với các nội dung quan trọng, chúng tôi vẫn sử dụng các hình thức đào tạo truyền thống với tài liệu in. Chúng tôi vẫn đặt mục tiêu khai thác tối đa sự tiện dụng của smartphone trong đào tạo nội bộ, nhưng bảo mật nội dung là quan trọng nhất”, anh Hoàng Anh nói.

Anh cho biết công ty hiện đang lựa chọn phương án thuê dịch vụ cài trên máy chủ nội bộ, chi phí rất lớn nhưng vẫn chỉ là giải pháp dạng dự án – phát triển theo yêu cầu của khách hàng.

Chia sẻ về các hoạt động trên, bà Liubov Kupriyanova, CEO công ty GetCourse Việt Nam, cho biết: “Động thái đầu tiên của công ty khi tham gia thị trường Việt Nam là chiến lược về bảo mật công sức của những người sáng tạo nội dung, và bảo vệ bí mật của khách hàng. Đó chính là cách để GetCourse bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi người học trên nền tảng của hãng. Cũng chính vì lý do này, nền tảng đào tạo trực tuyến của hãng đã được cập nhật lớn với 5 tính năng mới, tập trung vào việc đảm bảo an toàn và an ninh thông tin khóa học”.

Các tính năng bảo mật của GetCourse đảm bảo an toàn và an ninh thông tin khóa học.

Với bộ tính năng bảo mật toàn diện, GetCourse cam kết bảo vệ lợi ích của cả ba bên: người học, người tạo nội dung và doanh nghiệp. Bên cạnh việc nâng cấp công nghệ, GetCourse còn thành lập nhóm chuyên gia pháp lý để hỗ trợ khách hàng trong các vấn đề liên quan đến bản quyền nội dung đào tạo.

Theo đại diện GetCourse, công ty tự tin đảm bảo bảo vệ 100% nội dung của người sáng tạo trên ứng dụng di động và 99% nội dung trên trình duyệt web. Đối với thị trường Việt Nam, các trình duyệt phổ biến như Cốc Cốc, IDM (Internet Download Manager) đã được nghiên cứu và ứng phó phù hợp. “Chúng tôi kỳ vọng những giải pháp an toàn cho nội dung sẽ góp phần giảm lo ngại về bản quyền cho các nhà sáng tạo nội dung tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, đại diện GetCourse nói.

“Với những cá nhân sáng tạo nội dung, tôi nghĩ việc hỗ trợ từ các nhà cung cấp giải pháp là điều cần thiết, bởi chúng tôi không cần quá chuyên sâu về lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình. Khi yên tâm về nội dung đã có người bảo vệ, tôi chỉ cần tập trung vào việc sáng tạo và tương tác với các học viên”, anh Sơn nói.

Nguồn – Theo GetCourse Việt Nam