Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

“Tiềm lực tài chính nhỏ hơn nhiều và rào cản gia nhập cực cao do Shopee, Lazada, Tiki xây dựng trong 10 năm qua, chúng tôi nhận thấy các nhà bán lẻ ICT/CE của Việt Nam có thể sẽ thất bại trước các nền tảng TMĐT ở thị trường này”, VDSC nhận định.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cho biết: “Thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng (offline) sang trực tuyến (online) gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như MWG, FRT”.

Khi Shopee, Lazada giành miếng bánh thị phần từ các đại gia bán lẻ MWG, FRT

Mặc dù bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào online, VDSC cho rằng MWG, FRT khó vượt qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) do tiềm lực tài chính thấp hơn nhiều để xây dựng lợi thế quy mô lớn (cơ sở khách hàng), qua đó hỗ trợ tối ưu hóa chi phí (ví dụ chi phí giao hàng) và mở rộng doanh thu nhanh trên diện rộng, dẫn đến thu được lợi nhuận lớn như Shopee.

Tổng giá trị thị trường ICT/CE tăng trưởng âm trong tổng thể năm 2023. Tuy nhiên, thị trường lại chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm ICT/CE trên 5 nền tảng TMĐT, với doanh số tăng trưởng hơn 40% so với năm trước đó. Trong khi đó, các đại gia bán lẻ (MWG, FRT) cho thấy doanh số bán hàng sụt giảm ở cả kênh offline và online.

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

VDSC cho rằng điều này hàm ý 2 điểm quan trọng:

Một là, người tiêu dùng không còn ngại mua những mặt hàng có giá trị trên các sàn TMĐT nếu đảm bảo chất lượng/số lượng (5 trên 10 shop bán chạy nhất là mặt hàng ICT/CE). Điều này tiếp tục gây thiệt hại cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như MWG, FRT (cửa hàng vật lý chiếm hơn 70% doanh thu thuần của các doanh nghiệp này, theo tính toán của VDSC).

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

Hai là, các sàn TMĐT đang hoạt động tốt hơn các trang web đặt hàng do các nhà bán lẻ thuần vận hành. Hiện tại các nhà bán lẻ đang bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào bán hàng online.

“Chúng tôi cho rằng MWG, FRT phải đốt một khoản tiền khổng lồ để xây dựng lợi thế quy mô (cơ sở khách hàng lớn), qua đó hỗ trợ tối ưu hóa chi phí như chi phí vận chuyển và kho bãi và mở rộng doanh thu nhanh trên diện rộng, dẫn đến lợi nhuận lớn như Shopee”, VDSC nhận định, “Tuy nhiên, do tiềm lực tài chính nhỏ hơn nhiều (so với TMĐT) và rào cản gia nhập cực cao do Shopee, Lazada, Tiki xây dựng trong 10 năm qua, chúng tôi nhận thấy các nhà bán lẻ ICT/CE của Việt Nam có thể sẽ thất bại trước các nền tảng TMĐT ở thị trường này”.

Shopee sở hữu lượng khách hàng lớn và đa dạng hóa SKU (phủ các mảng từ FMCG, ICT/CE, hàng văn phòng phẩm… với phân khúc cấp thấp đến cao cấp) và quy trình giao hàng toàn diện (đúng thời gian, đủ số lượng, thao tác nhanh từ khâu đặt hàng đến nhận hàng), đủ điều kiện để giải bài toán tối ưu hóa chi phí giao hàng nhờ trạng thái tối đa công suất giao hàng, giúp tối ưu lộ trình vận chuyển.

Trong khi đó, MWG/FRT chỉ bán sản phẩm ICT/CE và có lượng khách hàng nhỏ hơn, phải chờ lâu để gom đủ đơn hàng để thực hiện một chuyến vận chuyển, dẫn đến tỷ lệ đánh giá từ khách hàng thấp hơn (do phải chờ lâu hơn) và phát sinh chi phí giao hàng/doanh thu thuần cao hơn (xe hàng chỉ có hàng đi một chiều giao, không tối ưu được lộ trình vận chuyển) so với TMĐT.

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

Thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng offline sang online gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như MWG.

Các nhà bán lẻ “vị thành niên” CellphoneS, ShopDunk dịch vụ tương tự nhưng bán giá rẻ hơn MWG, FRT

Không chỉ phải đối mặt với Shopee, Lazada, các gã khổng lồ điện thoại, điện máy cũng phải đối mặt với khó khăn ngay chính trên kênh ưu thế – offline do vị thế cao hơn của các nhà bán lẻ non trẻ như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile, ShopDunk…

Một dấu hiệu rất rõ ràng là trong khi các gã khổng lồ MWG, FRT đóng một loạt cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, FPT Shop, thì các nhà bán lẻ “vị thành niên” lại mở rộng cửa hàng, song song với việc doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng của các đàn anh giảm mạnh trong giai đoạn 2021-2023.

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

“Nó ngụ ý việc không thành công trong khai thác tệp khách hàng mới từ các tỉnh thành khác (ví dụ, Điện Máy Xanh so với Mediamart, Điện Máy Chợ Lớn ở miền Bắc và Duyên hải miền Trung), thêm vào đó, các chuỗi này còn bị đe dọa trước sự tăng trưởng nhanh chóng từ các nhà bán lẻ non trẻ (CellphoneS, Hoàng Hà Mobile, ShopDunk, Di Động Việt), thực hiện chính sách giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng tương tự (dịch vụ hỗ trợ trước và sau mua hàng)”, VDSC cho biết.

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

“Do đó, MWG hay FRT đều có xu hướng giảm giá bán hoặc tăng chính sách khuyến mãi để giành lại thị phần đã mất trước sự phát triển của các nhà bán lẻ nhỏ hơn và sàn TMĐT”, VDSC nhận định.

Thế “bánh kẹp” của Thế Giới Di Động và FPT Shop

Thị phần của “gã khổng lồ” đang giảm dần.

Nhìn ra toàn ngành ICT/CE, VDSC nhìn nhận thị trường chính đang chuyển sang giai đoạn bão hòa hậu COVID-19. Tỷ lệ thâm nhập ICT/CE gần đạt đến mức trần hoặc tương đối cao so với các nước ở Đông Nam Á.

Điều đó có nghĩa là các lĩnh vực này dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng một con số nhờ sự hỗ trợ của xu hướng cao cấp hóa (sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam) cùng với chu kỳ thay thế (2-4 năm đối với các sản phẩm ICT, 4-9 năm đối với CE) trong trung hạn sau pha tăng trưởng mạnh 2013-2023.

Bảo Bảo
Nguồn CafeBiz