Bán lẻ điện tử mở mặt trận online
Sau khi bị càn quét bởi cuộc chiến giá rẻ, thị trường bán lẻ điện tử, điện máy tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến mới trên nền tảng online.
Cơn lốc “Giá rẻ quá” càn quét thị trường
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã thông qua kế hoạch doanh thu 37.300 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế là 125 tỷ đồng trong năm nay.
Kế hoạch được FPT Retail đưa ra trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, với những diễn biến khó lường song hành cùng kỳ vọng tăng trưởng ở những mảng mới. Đáng chú ý, chuỗi FPT Shop chỉ dự kiến doanh thu đi ngang.
“Việc kinh doanh các mặt hàng như điện thoại, máy tính khá khó khăn do cuộc chiến giá bắt đầu từ khoảng tháng 3/2023 và kéo dài đến hết năm”, Tổng Giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên phát biểu tại Đại hội cổ đông 2024. Thực tế, do tình hình khó khăn, trong năm 2023, FPT Shop đã đóng 30 cửa hàng, công tác này sẽ tiếp tục được rà soát trong năm nay và dự kiến đóng khoảng 50 cửa hàng không hiệu quả.
Trong năm 2023, cạnh tranh về giá bán sản phẩm đã bùng phát khi thị trường bán lẻ gặp khó do sức mua yếu. “Cuộc chiến giá” trong ngành bán lẻ điện tử được châm ngòi khi Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) phát động chiến dịch “Giá rẻ quá” vào tháng 4/2023. Cuộc chiến này đã kéo gần như toàn bộ các nhà bán lẻ khác như FPT Shop, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn, CellphoneS, Di Động Việt vào cuộc... Tại thời điểm đó, ti vi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%, thậm chí một số mặt hàng được bán với giá “rẻ như cho”.
Chiến lược cạnh tranh giá có thể giúp doanh nghiệp giành thêm được thị phần nhưng cũng ăn mòn biên lợi nhuận của họ. Cụ thể, thị phần của MWG được phục hồi và chênh lệch doanh thu trong mảng điện tử của MWG so với đối thủ đã tăng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, cũng phải thừa nhận: “Lợi nhuận năm 2023 đã kém đi rất nhiều”.
Hệ lụy khi cuộc chiến giá rẻ đi qua là không chỉ FPT Shop phải đóng nhiều cửa hàng, mà MWG cũng đóng gần 200 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh hoạt động không hiệu quả. Năm 2023 MWG không chỉ giảm về số lượng cửa hàng, số lượng nhân sự trên toàn hệ thống cũng giảm 10.000 người so với cuối năm 2022 xuống còn 60.000 người, thấp nhất kể từ năm 2020.
Kích hoạt cuộc chiến trực tuyến
Tuy nhiên, theo lãnh đạo của FPT Retail, “có một điểm sáng lại xuất hiện từ kênh bán hàng online”. Cụ thể, doanh thu online của FPT Retail năm 2023 đạt 5.842 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ FPT Shop. Cần nhớ lại là FPT Shop trở thành nhà bán hàng đầu tiên đạt doanh thu 1 triệu USD trên TikTok Shop trong năm 2023.
“Đây là hướng mà chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, Tổng Giám đốc FPT Retail nhấn mạnh. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của riêng kênh online trong năm nay là 30%.
Có thể thấy COVID-19 đã thúc đẩy bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh và cùng với sự bùng nổ của công nghệ, nhiều cửa hàng tập trung vào phát triển bán lẻ trực tuyến thay vì phải đầu tư lớn đi kèm chi phí vận hành tốn kém. Trước khi FPT Shop công bố tăng trưởng kênh bán hàng trực tuyến, MWG cũng công bố chiến lược bán hàng online trong thời gian tới.
Vì thế, cuộc đua của các nhà bán lẻ vào thế giới trực tuyến dù âm thầm nhưng đang rất quyết liệt. Năm ngoái, mảng kinh doanh online đóng góp cho MWG khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 89% năm 2022 và góp 14% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Trong năm 2024, MWG đặt kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện năm 2023.
Về chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của hệ thống này, 2 chuỗi tăng trưởng doanh thu khoảng 10% trong quý I/2024. Xét về doanh thu và số lượng đơn hàng thiết bị di động – điện máy trên nền tảng online, chuỗi bán lẻ của MWG vẫn duy trì vị thế số 1 trên thị trường.
Tuy nhiên, ngoài cuộc đối đầu trực tiếp thì thị phần online của các nhà bán lẻ FPT Shop hay Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh lại đang bị các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada thách thức. Theo báo cáo của Metric vào năm 2022 và 2023, trong khi quy mô tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đã tăng từ 135.000 tỷ đồng lên 233.200 tỷ đồng thì ngành hàng điện thoại và máy tính bảng cũng tăng từ mức chưa đến 10.000 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng. Con số này chỉ kém doanh thu online của MWG khoảng 2.000 tỷ đồng.
Metric phân tích, nếu áp dụng mô hình B2B2C (Business to business to customer), nhà bán lẻ sẽ phải bỏ ra từ 35-40% chi phí trên giá thành sản phẩm dành cho các đại lý. Trường hợp bán trực tiếp trên sàn thương mại điện tử, họ sẽ chỉ tốn một mức phí thấp hơn rất nhiều (khoảng chưa đến 10%).
Để tạo lợi thế cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử buộc các nhà bán lẻ như MWG hay FPT Shop phải đẩy mạnh nguồn hàng hóa đầy đủ, phong phú hơn. Đồng thời, các chuỗi bán lẻ này tiếp tục chạy đua bằng các chương trình bán hàng, giao lắp, hậu mãi... Sau khi cuộc chiến về giá đi qua, đây sẽ là địa hạt khơi mào một cuộc chiến mới được dự báo khốc liệt không kém.
Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư