ESG – Phép cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp và giá trị xã hội
Khi làm kinh doanh, bài toán lợi nhuận sẽ là ưu tiên hàng đầu, thế nhưng, có chăng một phép cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và giá trị mà doanh nghiệp đó tạo ra cho cộng đồng?
Trong tập đặc biệt mang tên “Have a Ship”, “thuyền trưởng” của ACB – Chủ tịch Trần Hùng Huy đã chia sẻ về hành trình 10 năm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, và đó cũng trở thành giá trị cốt lõi của ACB.
Đầu tư phát triển bền vững để doanh nghiệp trường tồn
Khi bắt đầu nắm giữ vai trò lãnh đạo Ngân hàng ACB, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã có những suy tư làm sao để ACB phát triển mạnh mẽ và bền vững không chỉ trong 5 năm hay 10 năm, mà là hàng trăm năm. Thực tế, trên thế giới cũng có những ngân hàng tồn tại qua nhiều thế kỷ. Và ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị) chính là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp trường tồn.
Có thể thấy, hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và con người đang đối mặt với thách thức chung để tồn tại: Tìm ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Tại Hội thảo “Vietnam ESG Investor Conference 2023”, ông Daniel Stork – Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM – đã nhấn mạnh: “ESG không phải là vấn đề lựa chọn, mà là sự cấp thiết”. Nếu không, chính chúng ta ở hiện tại, hoặc các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá.
Cách đây 10 năm, ESG là một câu chuyện rất xa vời và ngay cả các cổ đông lớn của ACB cũng phản đối. Ở thời điểm đó, Chủ tịch Trần Hùng Huy biết rõ sẽ tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục và chứng minh giá trị của nó. Đây không phải là câu chuyện của 1-2 năm mà là câu chuyện của 10, 20, 30 và thậm chí là hàng trăm năm sau.
Với trăn trở “Ta để lại gì cho mai sau?”, ACB là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng ESG tại Việt Nam và gần đây đã chính thức phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022. Đó là hành trình bền bỉ, kiên định và nỗ lực của ACB trong suốt 10 năm.
“Với một nhân viên ACB, món quà ý nghĩa nhất không phải là sự công nhận mà là mỗi cá nhân để lại gì cho tương lai”, Chủ tịch Trần Hùng Huy chia sẻ. Giá trị mà mỗi thành viên ACB theo đuổi cũng chính là động lực để ngân hàng tiếp tục triển khai những hoạt động ý nghĩa, mang lại giá trị cho xã hội.
Không còn sớm nhưng chưa quá muộn để ứng dụng ESG
Nói về việc ứng dụng ESG, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đưa ra mối tương quan giữa các doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới: “Thật lòng mà nói, hiện giờ chúng ta đã hơi muộn rồi. Ở các nước phát triển, họ đã không còn dùng từ ESG nữa mà có rất nhiều tranh luận xoay quanh EEE – tất cả đều là về Environment. S (Social) và G (Governance) là một điều mặc nhiên và doanh nghiệp cần phải làm gì đó vượt trội hơn. Dù hơi muộn so với thế giới nhưng ở thị trường đang phát triển như Việt Nam thì ESG vẫn là một khái niệm thiết thực đối với các doanh nghiệp”.
Tầm nhìn này đã được hiện thực hóa trong chính những chiến dịch bảo vệ môi trường của ACB. Hành trình đó bắt đầu bằng việc chuyển đổi từ ly nhựa thành ly giấy, loại bỏ chai nhựa khi tiếp khách. Dù chi phí chưa được tối ưu và có nhiều phản hồi không đồng thuận, tuy nhiên, đó là một quá trình đầu tư dài hạn cho tương lai. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã đặt ra mục tiêu thu gom 300 tấn rác trong 3 năm (đến 2025). Trong năm 2023, nhân sự của ACB thực hiện thu gom 45 tấn rác.
Mặc dù tác động của 300 tấn rác lên môi trường thực chất cũng là một con số rất nhỏ, gần như bằng 0, nhưng đây được coi là sự bắt đầu cần thiết để đi đến đích.
Hướng đi đúng dẫn tới đích đến của ESG
Khi được hỏi về đích đến của ESG, Chủ tịch Trần Hùng Huy đã nhắc đến cam kết đạt “Net Zero” (mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 được đưa ra tại hội nghị biến đổi khí hậu COP26. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ Việt Nam, mà còn là trách nhiệm và “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp.
Xác định mục tiêu “Net Zero” là đích đến, Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra hướng đi đúng đắn để đi tới đích. Bởi lẽ, “nếu mình không đến đích thì sẽ để lại hậu quả rất lớn cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đất nước và rộng hơn là cho nhân loại”.
Chia sẻ về cách tìm ra hướng đi đúng cho ACB từ những ngày đầu, “thuyền trưởng” Trần Huy Hùng khẳng định vai trò của việc “biết lắng nghe”. Dù là người trực tiếp cầm lái điều khiển “con tàu” ACB, nhưng “thuyền trưởng” cho rằng đồng nghiệp từ những cấp bậc khác nhau sẽ luôn có những phản biện để mình có thể lái con tàu đi đúng quỹ đạo mà mình muốn.
Và tiêu điểm của quỹ đạo đó không gì khác chính là giá trị cốt lõi của ACB: Sự hài hòa giữa lợi nhuận kinh doanh và giá trị xã hội.
Có thể thấy, ESG chính là lời giải cho bài toán cân bằng giữa hai yếu tố tưởng chừng trái ngược này. Trong đó, tầm nhìn chiến lược đóng vai trò tiên quyết, nhưng sự lắng nghe, phản tư và kiên định sẽ đưa doanh nghiệp đi xa trên hành trình phát triển bền vững.