Ngành bia đã qua thời “béo bở”?
Ngành bia khó trở lại thời hoàng kim mà sẽ tăng trưởng ổn định ở mức thấp trong thời gian tới.
Không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như những năm trước đại dịch COVID-19, hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết, ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế khó khăn, sức mua giảm và cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Tất cả các kênh đều giảm
Tuyến đường Phạm Văn Đồng, từ đoạn cầu Bình Lợi (TP. Thủ Đức, TP.HCM) hướng về sân bay Tân Sơn Nhất trước đây có hàng trăm quán ăn, quán nhậu và các dịch vụ khác, hoạt động nhộn nhịp từ tối đến khuya. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, hoạt động kinh doanh sụt giảm, ế ẩm thấy rõ.
Ông Hiền, nhân viên bảo vệ của một quán nhậu trên đường này, cho hay khoảng 2-3 tháng trở lại đây, khách giảm rõ rệt, chủ quán đã chạy nhiều chương trình giảm giá, tặng kèm nhưng không hiệu quả.
Rẽ sang đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), những mặt bằng kinh doanh quán nhậu, quán ăn có diện tích rộng, số lượng chỗ ngồi khá nhiều nhưng chỉ một vài bàn có khách ngồi. Ông Nguyễn Minh, chủ nhà hàng buffet nướng trên đường này, than thở tình hình kinh doanh lúc này rất ế ẩm, những ngày trong tuần, số bàn trống rất nhiều. Cuối tuần có đông hơn nhưng chỉ bằng 40%-50% so với trước. “Sang năm, nếu tình hình không cải thiện có lẽ tôi phải dẹp quán” – ông Minh nói.
Thực tế, đã có một số nhà hàng lớn không cầm cự nổi buộc phải đóng cửa hoặc treo bảng sang quán. Những quán nhỏ hơn thì thu hẹp kinh doanh, chỉ còn 2-3 nhân viên thay vì 5-7 người như trước. Hàng quán kinh doanh ế ẩm nên lượng thực phẩm tiêu thụ, lượng bia rượu, nước giải khát bán ra cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Không chỉ sụt giảm ở các hàng quán mà lượng bia rượu tiêu thụ tại các sự kiện, cưới hỏi thời gian qua cũng giảm đáng kể do khách mời lo ngại vi phạm luật giao thông.
Điều này lý giải vì sao lượng tiêu thụ bia ở các kênh siêu thị, đại lý, cửa hàng cũng sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, mặc dù các hãng bia tăng chi phí marketing, phối hợp cùng các hệ thống siêu thị, cửa hàng liên tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu nhưng doanh thu tại các kênh này đều giảm khá mạnh. Đơn cử, tiêu thụ bia tại một hệ thống siêu thị tốp đầu Việt Nam đã giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lượng tiêu thụ của Vietnam Brewery – công ty liên doanh nhà máy bia Việt Nam với 2 thương hiệu nổi tiếng là Heineken và Tiger đang chiếm 64,7% thị phần – giảm đến 16,5%. “Gần đây, tiêu thụ bia chững lại, các đại lý không còn "ôm" hàng nên đầu ra ở tất cả các khâu phân phối đều giảm theo”, đại diện siêu thị này nói.
Sụt giảm là tất yếu
Tiêu thụ bia sụt giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong ngành. Chẳng hạn, Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 22.125 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế giảm tới 26%, còn 3.288 tỷ đồng.
Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm giảm gần 6,3% so với cùng kỳ, ở mức 5.632 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thu chỉ đạt 291 tỷ đồng, giảm gần 39%.
Theo Sabeco, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với năm ngoái do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn, một phần trong đó là do cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý DN đều cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ bia yếu được hãng lý giải là do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu không thiết yếu; sức cầu yếu khiến các nhà sản xuất phải tăng cường các chính sách quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu để thúc đẩy thị phần, bảo vệ thị phần.
Còn với Habeco, nguyên nhân lợi nhuận giảm chủ yếu do sản lượng giảm. Sản lượng sản xuất bằng 79%, còn sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 74,09% so với cùng kỳ. Trong khi giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh (giá malt, gạo, đường), ảnh hưởng giá thành, từ đó kéo lợi nhuận DN giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia đã có một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20-30%.
Ngoài ra, sự bùng nổ của các thương hiệu bia nhập khẩu ở phân khúc cao cấp cũng ảnh hưởng đến thị phần của các DN bia trong nước vốn mạnh ở phân khúc trung bình.
“2019 là năm đỉnh cao của ngành đồ uống nói chung và bia nói riêng. Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm ngành bia tăng trưởng 5-6%/năm. Nếu theo tốc độ tăng đó, đến 2022 ngành bia phải tăng 20% so với năm 2019 nhưng thực tế, năm 2021 ngành bia giảm 10-15%, năm 2022 giảm khoảng 5-7% so với năm 2019. Năm 2023, ngành bia chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Từ nay đến cuối năm, thị trường bia vẫn còn rất ảm đạm”, ông Việt nói.
TS. Võ Văn Quang, chuyên gia về marketing chiến lược, cho rằng xu hướng bão hòa trong ngành bia đã được nhận diện từ trước dịch COVID-19. Ông Quang phân tích tiêu thụ bia đã quá ngưỡng so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam.
“Kinh tế thế giới ảm đạm, trong nước, tất cả các thành phần kinh tế đều gặp khó khăn đã tác động trực tiếp đến nhu cầu thị trường. Có cả sự bão hòa trong tâm lý người tiêu dùng, không coi bia là thước đo của sự hạnh phúc hay thành công như 10 năm trước. Bình quân tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng liên tục trong 20 năm nên sụt giảm là tất yếu. Tuy vậy, ngành này vẫn chưa đến mức khủng hoảng mà vẫn có lãi ổn định ở mức thấp”, ông Quang nói.
Không còn yếu tố đột phá
Theo TS. Võ Văn Quang, sản phẩm mới trên thị trường bia đã quá nhiều, không còn yếu tố đột phá nên ngành này sẽ tăng trưởng ở mức ổn định thấp trong vòng 3-5 năm tới. DN bia buộc phải đầu tư nhiều hơn cho quảng cáo, khuyến mại, hệ thống bán lẻ để bảo vệ điểm bán, giữ thị phần. Tỷ suất lợi nhuận không còn cao như những năm trước nhưng vẫn là một “sân chơi” mà nhà đầu tư kiếm được lãi và tích cực hơn nhiều lĩnh vực khác.
Thanh Nhân – Lê Tỉnh
Nguồn CafeBiz